Những vụ kiện đòi bồi thường 'dở khóc dở cười' ở Mỹ

Giang An | 16:14 23/11/2023

Nhắm vào khoản bồi thường nếu thắng kiện, nhiều vụ kiện tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim lại từng xảy ra ở Mỹ.

Những vụ kiện đòi bồi thường 'dở khóc dở cười' ở Mỹ

Kiện đòi tiệm giặt là 54 triệu USD vì làm mất quần gây tổn hại tinh thần, kiện chính mình đã phạm niềm tin tôn giáo hòng được đền bù 5 triệu USD, kiện ngôi sao ca nhạc 9 triệu USD vì tội làm ù tai khán giả… là những vụ kiện khó tin ở Mỹ.

Lính cứu hỏa kiện chính quyền vì sợ lửa

Bị thuyên chuyển sang công việc văn phòng sau hai lần không thể thực hiện nhiệm vụ cứu hỏa do chứng “sợ lửa” vào năm 2004 và 2006, Shayn Proler - cựu đội trưởng đội chữa cháy của Sở Cứu hỏa Houston - đã đệ đơn lên Tòa án thành phố yêu cầu được phục chức. Theo lập luận của Proler, nỗi sợ hỏa hoạn của anh là một “dạng khuyết tật” và việc điều chuyển công tác đã cấu thành hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật.

anh-1(3).jpg

Lính cứu hỏa kiện Sở Cứu hỏa phân biệt đối xử với chứng sợ lửa của mình.

Sau khi thua kiện Proler tại phiên sơ thẩm, Sở Cứu hỏa Houston đã kháng cáo lên Tòa án tối cao Texas. Phán quyết cuối cùng cho rằng không bồi thẩm đoàn nào có thể kết luận việc Proler sợ bước vào các tòa nhà đang cháy là một dạng khuyết tật theo luật ADA hoặc Texas. Đơn giản là anh không thể thực hiện yêu cầu công việc của mình.

Những vụ kiện "trớ trêu" ngành F&B

Một số thương hiệu lớn trong ngành F&B - ngành có tỷ lệ vụ kiện cao nhất ở Mỹ - cũng không ít lần phải đối mặt các vụ kiện “dở khóc dở cười”. Trong đó, đáng chú ý là McDonald’s và Wendy’s đã giành chiến thắng trong vụ kiện của Justin Chimienti - cư dân ở hạt Suffolk của Long Island - cáo buộc họ lừa dối thực khách bằng cách phóng đại kích thước chiếc hamburger trong quảng cáo.

anh-2(2).jpg

McDonald’s bị kiện vì phóng đại kích thước hamburger trong quảng cáo.

Tuy nhiên, trong phán quyết cuối cùng, thẩm phán cho biết không tìm thấy bằng chứng cho thấy McDonald's và Wendy's bán hamburger nhỏ hơn so với quảng cáo. Đồng thời, ông cho rằng website của họ đã cung cấp đầy đủ “thông tin khách quan” về trọng lượng và hàm lượng calo của hamburger.

Tương tự, Kellogg's - công ty sản xuất thực phẩm đa quốc gia của Mỹ - đã phải đối mặt một vụ kiện liên quan đến bánh ngọt Strawberry Pop-Tarts với lý do nhân bánh không có đủ dâu tây. Nhân bánh chứa hỗn hợp trái cây mà trong đó bao gồm cả các thành phần khác ngoài dâu tây như lê, táo. Tòa án đã bác bỏ đơn kiện phi lý khi nguyên đơn dựa trên hình ảnh bao bì sản phẩm để khiếu nại về hàm lượng dâu tây có trong bánh.

Khách hàng kiện Tesla vì phải sử dụng phụ tùng chính hãng

Một thẩm phán ở San Francisco đã bác bỏ vụ kiện tập thể chống độc quyền, cáo buộc Tesla bắt khách hàng phải trả phí cao và thời gian chờ đợi để được sửa chữa quá lâu, đồng thời buộc tội công ty này độc quyền thị trường bảo dưỡng và thay thế phụ tùng xe. Nội dung đơn kiện cho biết, Tesla yêu cầu xe phải được bảo dưỡng chính hãng cũng như chỉ sử dụng các linh kiện của Tesla, và điều này là không phù hợp.

anh-3(2).jpg

Khách hàng kiện Tesla vì yêu cầu xe phải được bảo dưỡng chính hãng.

Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng khách hàng trong vụ kiện này đã không chứng minh được các cáo buộc là “không được nhận biết rộng rãi” khi họ mua xe, hoặc họ không thể dự đoán chi phí để duy trì hoạt động của chiếc xe. Tesla cũng không có tội ép buộc khách hàng sử dụng dịch vụ và phụ tùng của hãng, đơn giản vì họ đã biết điều này ngay từ đầu khi chọn mua xe của hãng này.

Fan kiện Justin Bieber 9 triệu USD

Nếu là một ngôi sao ca nhạc ở Mỹ, bạn có thể sẽ bị fan kiện vì biểu diễn giữa âm thanh sôi động và sự cổ vũ cuồng nhiệt. Đó là trường hợp của Justin Bieber trong live show tại Oregon năm 2010. Một bà mẹ dẫn con gái đi xem thần tượng biểu diễn đã đâm đơn kiện Justin Bieber ra tòa vì lý do: Tiếng la hét cổ vũ của khán giả và hệ thống âm thanh đã khiến cô con gái bị ù tai. 9 triệu USD là mức đòi bồi thường cho tổn hại về sức khỏe. Vụ việc cuối cùng đã bị tòa bác bỏ.

anh-4(2).jpg

Justin Bieber bị fan kiện sau khi tham gia live show tại Oregon năm 2010.

Những cuộc kiện tụng khó tin khác

Một khách hàng đã kiện tiệm giặt khô ở Washington DC 54 triệu USD khi họ làm mất một chiếc quần của anh ta. Theo cáo buộc, công ty giặt là đã không đáp ứng được lời hứa “Đảm bảo sự hài lòng” được quảng cáo trong cửa hàng của họ. Khách hàng này còn khẳng định chiếc quần bị mất đã khiến anh đau khổ về mặt tinh thần. Đơn kiện được cho là vô lý của anh không được xử thắng.

anh-5(1).jpg

Những vụ kiện tại Mỹ đa phần nhắm đến khoản bồi thường nếu thắng kiện.

Tại Austin, Texas, một người đàn ông 37 tuổi quyết định khởi kiện bạn gái mới quen vì đối tượng hẹn hò dán mắt vào điện thoại nhắn tin trong suốt thời gian cùng xem phim "Guardians Of The Galaxy Vol. 2" - hành vi khiến anh này “cảm thấy bị xúc phạm”.

Tuy nhiên, đó chưa phải tình huống “dở khóc dở cười” nhất của ngành tư pháp Mỹ, nơi người ta tin rằng “cứ kiện đi, biết đâu sẽ được bồi thường”. Theo tờ The Virginian-Pilot, năm 1995, Robert Lee Brock - một tù nhân tại Trung tâm Cải huấn ở Virginia đang thụ án 23 năm tù vì tội đột nhập và trộm cắp - đã khởi xướng vụ kiện được cho là “táo bạo và lố bịch nhất trong lịch sử pháp luật Mỹ” khi đệ đơn kiện chính mình.

Nội dung khiếu kiện được Brock giải thích như sau: “Năm 1993, tôi đã uống đồ uống có cồn, sau đó ra đường và bị bắt. Do đó, tôi đã vi phạm niềm tin tôn giáo của mình. Tôi đề nghị được tự trả cho mình 5 triệu USD, nhưng yêu cầu nhà nước trả thay khoản bồi thường danh dự này vì tôi không thể làm việc và là người được nhà nước giám hộ”.

Tổng hợp từ Reuters, Forbes, USA Today.


(0) Bình luận
Những vụ kiện đòi bồi thường 'dở khóc dở cười' ở Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO