Những trò “quái gở” để kiếm tiền trên mạng, mất luôn mạng ở Trung Quốc

Trường Giang | 16:06 10/06/2023

Những streamer có vô số cách để thu hút khán giả, câu kéo tương tác và kiếm lợi nhuận bằng tiền ủng hộ của người xem. Tuy nhiên, không ít trong số đó phải trả cái giá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng.

Những trò “quái gở” để kiếm tiền trên mạng, mất luôn mạng ở Trung Quốc

Bên cạnh việc chia sẻ suy nghĩ và các khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, hiện tại, nhiều người còn coi mạng xã hội là kênh kiếm tiền chính.

Họ thường xuyên tổ chức các buổi ghi hình trực tuyến, trong đó, streamer cùng khán giả sẽ trò chuyện, tổ chức trò chơi, thách đố nhau làm những chuyện không tưởng. Nếu thử thách thực hiện thành công, streamer sẽ tăng cơ hội kiếm được tiền từ người xem thông qua tính năng “donate” (ủng hộ) của nền tảng livestream.

Tóm lại, chỉ cần khán giả vui, những streamer kể trên sẽ kiếm bộn tiền.

Tắc kè sống, côn trùng độc và vòng quay “tử thần”

Theo tờ Xinan Evening News, một người đàn ông có biệt danh Sun Jun (35 tuổi) sống tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc được phát hiện tử vong sau một buổi livestream.

Trước đó, Sun Jun hoạt động như một streamer trên nền tảng chia sẻ nội dung trực tuyến DouYu. Trong lần cuối cùng xuất hiện, Sun sử dụng một tấm bảng hình tròn, có thể quay quanh trục để tổ chức trò chơi.

163905247276593the_man_who_was_a_host_on_douyu_one_of_china_s_largest_live_strea100_1563894199421-3-.jpg
Sun Jun cố gắng ăn tắc kè sống khi tham gia thử thách trên sóng livestream.

Mặt bảng được chia thành nhiều ô nhỏ, với các chữ như rượu, bia, tắc kè sống, rết, sâu… Mỗi khi tấm bảng dừng ở ô nào, Sun Jun ngay lập tức tiêu thụ thứ được ghi trên ô đó, trực tiếp trước 15.000 khán giả.

Cơ quan chức năng cho biết, Sun Jun tử vong khoảng vài giờ sau buổi livestream vì suy hô hấp. Khi cảnh sát tới kiểm tra căn hộ, máy tính của nạn nhân vẫn để ở chế độ phát trực tuyến.

Nhiều người nghi ngờ Sun bị ngộ độc vì ăn sống các loại động vật chứa độc tố. Cha của Sun, người đã phải lặn lội lên thành phố để mang tro cốt con trai về quê, tỏ ra phẫn nộ với cách nhà phát triển DouYu quản lý nền tảng.

“Có thể con trai tôi đã sai khi thực hiện các nội dung không lành mạnh, nhưng người cung cấp nền tảng trực tuyến cũng phải chịu trách nhiệm. Họ hoàn toàn đủ khả năng cho dừng buổi phát sóng và ngăn bi kịch xảy ra”, cha của Su Jun chia sẻ với truyền thông.

centipede2-e1563924027656.jpg
Sun Jun và chiếc vòng quay tử thần dùng để tổ chức trò chơi nhằm lôi kéo người xem.

Sun Jun qua đời để lại cô bạn gái đang mang thai tháng thứ 6. Hai người yêu nhau 8 năm và có ý định tổ chức lễ cưới.

Thách đấu bằng rượu mạnh để kiếm tiền trên livestream

Theo tờ Southern Metropolis Daily, giữa tháng 5 vừa qua, Vương Mẫu Phong, 34 tuổi, một sao mạng với 1,7 triệu người theo dõi đã tử vong sau khi uống liên tục 7 chai rượu baijiu.

Phong nổi tiếng với các video uống rượu baijiu bằng những chiếc cốc lớn. Đây là loại rượu mạnh với nồng độ cồn trung bình từ 30 – 60%.

Trước thời điểm tử vong, Phong tham gia 4 vòng đấu trực tuyến giữa các streamer. Người chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng từ khán giả, bù lại, kẻ thua cuộc phải chịu phạt bằng cách uống rượu.

Vương Mẫu Phong đã thua 4 vòng và bị phạt. Người thân của nạn nhân cho biết, Phong cảm thấy khó chịu sau khi uống chai rượu thứ 3, tuy nhiên, anh vẫn cố gắng uống hết số còn lại trên livestream. Tổng cộng, Phong tiêu thụ 2 lít rượu baijiu và 3 lon nước tăng lực trong thời gian ngắn.

Cái chết của Phong gây chấn động các mạng xã hội tại Trung Quốc. Nhiều người tiếp tục đổ lỗi cho nhà quản lý nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, các chuyên gia luật đánh giá, Vương thực hiện cuộc thách đấu nguy hiểm khi đang có đủ hành vi năng lực dân sự.

Ngoài ra, nền tảng stream anh sử dụng cũng cấm hành vi sử dụng rượu. Streamer vi phạm sẽ bị xử phạt tùy mức độ. Sau sự cố, các video của Vương đã bị xóa khỏi hệ thống.

ruou-002-1684806743726.jpg
Vương Mẫu Phong dùng cốc khổng lồ để thực hiển thử thách uống rượu trên sóng livestream.

Cũng theo tờ Southern Metropolis Daily, chỉ hai tuần sau sự ra đi của Vương Mẫu Phong, Hoàng Chung Nguyên, một người bạn thân của anh cũng tử vong vì uống rượu trên livestream.

Vợ của Nguyên chia sẻ, anh cố gắng kiếm tiền qua nền tảng livestream để trả các khoản nợ cũ. Nguyên không tiết lộ anh đang nợ bao nhiêu, nhưng số nợ đã tồn tại từ trước khi hai người lấy nhau.

“Anh ấy nói muốn trả xong nợ để bắt đầu lại cuộc sống”, vợ Hoàng Chung Nguyên chia sẻ.

Đáng nói, trong đám tang của Vương Mẫu Phong, chính Nguyên đã hứa sẽ giảm bớt lượng rượu tiêu thụ.

Cùng với sự bùng nổ của công việc sáng tạo nội dung trực tuyến và livestream, nhiều người đã tận dụng phương pháp này để kinh doanh. Các trường hợp kể trên khiến nhà chức trách Trung Quốc buộc phải có quy định để quản lý.

Mới đây, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố danh sách 31 hành vi bị cấm trên sóng livestream, trong đó có việc “cấm khuyến khích người xem tương tác bằng các cách thô tục”.


(0) Bình luận
Những trò “quái gở” để kiếm tiền trên mạng, mất luôn mạng ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO