Những sai lầm thường mắc của F0 trong đầu tư

Tùng Phạm | 08:19 09/09/2022

Phương pháp tránh rủi ro, sai lầm trong đầu tư với nhà đầu tư mới (F0) quan trọng hơn cả các phương pháp được cho rằng sẽ giúp họ gặt hái lợi nhuận “khủng”.

Những sai lầm thường mắc của F0 trong đầu tư
(Ảnh minh họa)

Giai đoạn "Beginner's Luck" (may mắn của người mới bắt đầu - hiện tượng ăn may của người mới) khiến nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần có tiền và làm theo ai đó, thì chúng ta cũng có thể kiếm được tiền giống như họ. Thực tế thì thị trường không vận hành như vậy. 

Vậy những rủi ro thường gặp trong đầu tư là gì?

Rủi ro từ khối lượng giao dịch quá lớn

Lý do chính mà các nhà giao dịch không có lợi nhuận là do các giao dịch thua lỗ lớn và các mức drawdown (sụp giảm tài khoản) lớn. Bước đầu tiên để giảm thiểu rủi ro là luôn giữ cho các khoản thua lỗ ở mức nhỏ và chấp nhận được. Tốt hơn hết là hãy khiến cho mọi khoản thua lỗ đều giống nhau trong mọi trường hợp.

Rủi ro này đến từ việc: bất kỳ giao dịch riêng lẻ nào cũng có thể là một thất bại. Việc của chúng ta là hãy chấp nhận nó như một phần của cuộc chơi. Mọi khoản thua lỗ lớn, ban đầu vốn dĩ đều là những khoản thua lỗ nhỏ.

Rủi ro thị trường

Nhà giao dịch có thể hướng đến một mặt hàng rất tốt, nhưng nếu xu hướng của thị trường chung hiện tại đang là đi xuống, ví dụ trong bối cảnh cổ phiếu, tiền điện tử hay các loại tài sản khác đang bị coi là kém hấp dẫn hơn vàng thì xác suất cao là giao dịch mua của bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng giảm giá, bất kể giá trị cơ bản của nó vững chắc đến đâu.

Rủi ro này thường đến từ việc thị trường trước đó đã có quá trình tăng giá diễn ra quá nhiều lần, và quá lâu. Rất có thể sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh tương xứng. Hoặc rủi ro này cũng đến từ việc chúng ta nhìn nhận và đánh giá sai về xu hướng chính của thị trường.

Rủi ro biên độ biến động giá

Thường những nhà giao dịch mới luôn có tâm lý chốt lời quá sớm (sợ hãi đánh mất phần lợi nhuận), nhưng lại gồng lỗ quá lâu (không muốn cắt lỗ khi phán đoán sai, đó chính là tham lam), hoặc ngược lại.

Rủi ro này thường xảy đến khi nhà giao dịch chưa biết cách xác định những vùng giá đóng vai trò là kháng cự hoặc hỗ trợ quan trọng của thị trường, cũng như chưa có sự thống nhất lựa chọn khung thời gian giao dịch phù hợp. Ví dụ giao dịch theo khung thời gian 1 ngày nhưng tâm lý lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động lớn trong khung thời gian 30 phút. 

Rõ ràng với một hệ thống giao dịch luôn chốt lời quá sớm nhưng lại gồng lỗ quá lâu, thì lâu dài khó có thể là một hệ thống giao dịch mang lại lợi nhuận. 

Rủi ro tin tức, rủi ro qua đêm

Rủi ro này xảy ra khi nhà giao dịch giữ một vị thế qua đêm, hoặc khi thị trường đang đứng trước một tin tức quan trọng. Điều này có thể gây ra các khoảng trống giá (gap) lớn vào sáng hôm sau khi giao dịch mở cửa trở lại. Đối với thị trường giao dịch 24/7 như thị trường tiền điện tử, những đợt biến động giá mạnh của cả chiều giá lên lẫn chiều giá xuống đều có thể dẫn đến tình trạng bị quét cắt lỗ cả hai đầu. 

Rủi ro thanh khoản

Một tình trạng hay gặp phải của người mới là cảm giác ưa thích những loại tài sản có biên độ giá quá lớn trong ngày. Ví dụ đối với thị trường tiền điện tử, việc một đồng coin hay token nào đó giá tăng hoặc giảm gấp nhiều lần trong ngày khá là phổ biến. Điều này thật sự ẩn chứa nhiều nguy hiểm khi nhà giao dịch nghĩ rằng tài sản đó đang nhân lên gấp nhiều lần, nhưng khi bán ra thì mới phát hiện không có đủ số lượng người mua tương ứng.

Sự chênh lệch về cung - cầu, khi phần lớn hàng đã nằm trong tay những người muốn bán, nhưng lại có quá ít người muốn mua, dẫn đến giá chịu ảnh hưởng mạnh bởi những lệnh giao dịch có khối lượng lớn hơn hầu hết các nhà giao dịch nhỏ lẻ cộng lại. Sự sụp đổ của đồng Luna là một ví dụ điển hình cho trường hợp này, khi hiệu ứng domino kết hợp cùng với sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu. 

LUNA từng sụt giảm mạnh từ 90$ xuống dưới 1$. Đồ thị: TradingView

Rủi ro ký quỹ, rủi ro vay mượn

Rủi ro này còn gọi là rủi ro đòn bẩy.

Rủi ro này tương đối giống với rủi ro về khối lượng giao dịch, nhưng điểm khác biệt ở đây là khối lượng giao dịch của nhà giao dịch lại đến từ những khoản tiền đi vay, vượt quá sức mua, sức chịu đựng (trong trường hợp thua lỗ).

Tuy rằng nhà đầu tư có thể kiếm được số lợi nhuận lớn hơn khi họ làm đúng, nhưng ngược lại, phần lớn lại cố tình quên đi rủi ro cũng sẽ cao hơn tương ứng nếu họ làm sai.

Đấy là lý do tại sao yếu tố tiên quyết trong đầu tư hay trong giao dịch là hãy ưu tiên sử dụng số tiền nhàn rỗi, vì khi đi vay, ngoài áp lực thua lỗ lớn hơn, nhà đầu tư còn phải chịu thêm áp lực trả nợ. Chính áp lực trả nợ sẽ góp phần lớn vào những giao dịch vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Ngoài những rủi ro chính được liệt kê phía bên trên, nhà đầu tư F0 có thể còn gặp phải những rủi ro khác nữa đến từ yếu tố con người như:

  • - Đặt nhầm lệnh mua thành bán, đặt nhầm khối lượng, thậm chí là mua bán sai tài sản
  • - Kiểm tra kỹ các giao dịch trước khi đưa chúng vào thị trường là một khâu đơn giản, nhưng cực kỳ quan trọng.
  • - Rủi ro bị lừa tiền do thiếu hiểu biết về công nghệ.
  • - Rủi ro do giao dịch theo chiến lược giao dịch của người khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những sai lầm thường mắc của F0 trong đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO