Thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng cho thấy bức tranh nợ xấu có sự phân hóa khá mạnh. Nhìn chung tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng tại đa số nhà băng, và hiện chỉ còn số ít ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%, có thể kể đến Vietcombank, MB, ACB, Techcombank, BacABank, TPBank.
Tính đến cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ, tăng 27,6% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cuối năm 2022 ở mức 0,68%, giảm so với mức 0,8% cuối quý 3/2022 và tăng nhẹ so với hồi đầu năm (0,64%).
Chất lượng tài sản của Vietcombank còn được đánh giá cao bởi bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2022 tiếp tục cao nhất hệ thống, đạt 317%.
Ngoài Vietcombank, một ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu rất cao, xấp xỉ 300% là MB. Báo cáo tài chính của ngân hàng cho biết, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất (bao gồm cho vay tiêu dùng) được kiểm soát ở mức 1,09%, trong khi của ngân hàng riêng lẻ chỉ 0,83%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ngân hàng hợp nhất đạt 238% và ngân hàng riêng lẻ là xấp xỉ 300%.
ACB ghi nhận năm thứ 7 liên tiếp duy trì tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%. Tổng nợ xấu của nhà băng này cuối năm 2022 là 3.033 tỷ đồng, chiếm 0,74% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này giảm so với mức 0,78% của năm 2021. Cơ cấu tín dụng của ACB chủ yếu tập trung vào bán lẻ và không có trái phiếu doanh nghiệp, giúp danh mục của nhà băng này ít chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm vừa qua, khi thị trường trái phiếu và bất động sản gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB hiện ở mức 155%, cũng thuộc nhóm cao trên thị trường.
Tỷ lệ nợ xấu tại Techcombank có xu hướng tăng trong năm qua, tuy nhiên vẫn nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 của nhà băng này là 0,9%, tăng so với 0,6% năm 2021. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 125%.
Tại TPBank, nợ xấu của ngân hàng tăng 200 tỷ đồng, tương đương tăng 17,3% trong năm 2022 lên 1.357 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng nhẹ từ 0,82% lên 0,84%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 135%.
Một ngân hàng nhỏ cũng có chất lượng tài sản đáng quan tâm là BacABank. Nợ xấu năm 2022 của nhà băng này giảm 155 tỷ đồng xuống còn 500 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay chỉ ở mức 0,53%, giảm so với 0,77% năm 2021.
Đáng chú ý, Sacombank lần đầu tiên đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% sau 7 năm sáp nhập Ngân hàng Phương Nam và thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ. Cụ thể, nợ xấu nội bảng của nhà băng này đã giảm 1.422 tỷ đồng xuống 4.298 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu theo đó giảm từ 1,47% xuống 0,98%. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, Sacombank còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu ở ngoại bảng, dưới dạng trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn tốt dù trải qua một năm 2022 đầy biến động. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành sẽ tăng nhẹ vào năm 2023, một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Theo quan điểm của Yuanta, lợi nhuận của các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp có khả năng giảm mạnh nhất. Ngược lại, các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao sẽ có thể linh hoạt hơn trong việc giảm trích lập dự phòng và từ đó thúc đẩy tăng lợi nhuận.