Trẻ nhỏ khó đến được trường, người lớn khó thoát nghèo bền vững là câu chuyện chung của một bộ phận người dân ở vùng sâu vùng xa hiện nay. Nguyên nhân một phần đến từ đường xá xa xôi hiểm trở và thiếu thốn cơ sở vật chất.
Hàng ngày, có biết bao đứa trẻ vẫn phải băng đèo, lội suối để đến trường học con chữ. Cha mẹ, ông bà của chúng cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển, phát triển kinh tế.
Cứ mỗi mùa mưa lũ, gia đình lão nông Phan Thanh Liêm (72 tuổi, Bình Định) và bà con trong xóm phải lội qua con suối nước chảy xiết để lên nương rẫy chăm sóc cây trồng và chăn thả gia súc. Việc này ẩn chứa nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của người dân trong khu vực.
Một ví dụ khác là ấp Mỹ Trinh (xã Thiện Trung, Tiền Giang) – nơi có 13 gia đình thuộc diện hộ nghèo và 75 hộ cận nghèo. Thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Mỗi ngày, bà con trong ấp phải đi vòng hơn 1 km mới qua được bên sông để sang vườn.
Riêng ghe xuồng không thể di chuyển trên kênh từ nhiều năm nay do lục bình và cỏ phủ kín mặt kênh. Chính vì thế, nhu cầu xây cầu đường để vận chuyển trái cây của bà con nông dân tại đây rất cấp thiết.
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tinh thần tương thân tương ái của các cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc, rất nhiều cây cầu bê tông vững chắc đã được xây dựng tại vùng sâu, vùng xa khó khăn của Tổ quốc.
Đó không chỉ đơn thuần là cây cầu bắc từ bờ bên này sang bờ bên kia mà còn là cầu nối chắp cánh cho ước mơ và hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn của người dân hai bên bờ.
Năm 2019, câu chuyện của Khang A Tủa - cậu sinh viên người Mông duy nhất tại trường Đại học Fulbright Việt Nam, đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về nghị lực theo đuổi con chữ của chàng thanh niên dân tộc thiểu số ở ngôi trường danh giá. Trong hành trình của Tủa, cây cầu khỉ mà cha cậu tự tay bắc trên những thửa ruộng bậc thang để con trai và bạn bè có thể bám men theo đến trường mà không bị ngã khi trời mưa đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng được lan tỏa khắp các phương tiện truyền thông.
Có thể nói, chính tấm lòng của người cha và cây cầu khỉ nhỏ bé đã nâng bước giúp giấc mơ đến trường của cậu thanh niên người Mông không dang dở. Cũng giống như Tủa, trên khắp đất nước Việt Nam, có biết bao đứa trẻ đã được đến trường một cách an toàn hơn, biết bao người dân đã tìm được sinh kế tốt hơn, nhờ những con đường và cây cầu được xây dựng.
Để khắc phục khó khăn, ông Phan Thanh Liêm đã bỏ tiền túi xây cầu giúp bà con di chuyển thuận tiện và an toàn. Bên cạnh đó, ông còn hiến đất để mở rộng đường bê tông nông thôn. Câu chuyện của ông cũng là ví dụ điển hình của việc giao thông đi trước mở đường, truyền cảm hứng để các doanh nghiệp chung tay góp sức với nhà nước, phát triển cơ sở hạ tầng ở các vùng sâu, vùng xa trên khắp Việt Nam.
Tháng 4 vừa qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Grab Việt Nam đã khởi công xây dựng hai cây cầu liên hợp đập tràn qua suối tại bản Huổi Pết và bản Nậm Ô (Lai Châu). Đây là những cây cầu thuộc dự án "Xây cầu đến lớp" do hai đơn vị trên phối hợp triển khai nhằm giúp cải thiện môi trường sống, phát triển xã hội và kinh tế của địa phương. Hay chương trình "Nâng bước em đến trường" của quỹ Hy vọng với sự chung tay của BEST Express Việt Nam và quỹ người FPT vì cộng đồng, đến nay đã xây dựng nhiều cây cầu kiên cố ở miền Tây trong hơn ba năm qua.
Trong số những doanh nghiệp tích cực hành động vì cộng đồng, đặc biệt là công tác xây dựng cầu đường, không thể không nhắc tới Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Cuối tháng 8 vừa qua, cầu Ngã 3 Kênh Ba Nhiễu đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là cầu trụ bê tông, cốt thép có tổng vốn xây dựng 135 triệu đồng.
Cầu Ngã 3 Kênh Ba Nhiễu cũng là cây cầu thứ hai được Tập đoàn Tân Hiệp Phát khánh thành tại xã Thiện Trung kể từ đầu năm nay. Đây là cây cầu thứ năm được Tập đoàn Tân Hiệp Phát xây dựng và đưa vào sử dụng tại ấp Mỹ Trinh trong thời gian qua và cũng là cây cầu dân sinh thứ tám được Tân Hiệp Phát xây dựng, đưa vào sử dụng tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Nhờ những cây cầu bê tông do các mạnh thường quân và doanh nghiệp như Grab Việt Nam, Tân Hiệp Phát xây dựng, người dân ở nhiều địa phương có thể di chuyển thuận tiện hơn, hạn chế tối đa sự cố không đáng có.
Giờ đây, nhờ cầu Ngã 3 Kênh Ba Nhiễu, xe của các chủ vựa có thể tới tận vườn thu mua mít, sầu riêng và bà con sẽ bán được giá hơn đáng kể. Là một người dân sống tại ấp Mỹ Trinh, ông Ba Nghĩa không thể giấu nổi niềm vui trong buổi khánh thành cầu: "Tôi và bà con vô cùng phấn khởi vì nay có được cây cầu ở ngay ngã 3 kênh Ba Nhiễu. Thường ngày ra vườn làm, chúng tôi phải đi vòng rất lâu, khổ nhất là những ngày mưa gió. Giờ có cây cầu rộng rãi, vững chãi này, chúng tôi đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn nhiều".
Hơn ai hết, người dân như ông Ba Nghĩa hay những người ở vùng sâu, vùng xa khó khăn thấm thía sự vất vả và bất tiện mà cách trở giao thông gây ra. Nhờ các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết thực như chương trình của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, họ đã nhẹ gánh phần nào những lo toan trong cuộc sống để từ đó yên tâm sản xuất.
Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Ngã 3 Kênh Ba Nhiễu, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: "Thấu hiểu những khó khăn trong việc giao thương, đi lại của bà con trong ấp Mỹ Trinh, nhất là những người lớn tuổi và học sinh đi lại trong mùa mưa gió, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã nỗ lực đóng góp để xây dựng được năm cây cầu tại ấp trong vài năm qua để bà con có thêm điều kiện giao thương, phát triển kinh tế bởi ‘Có trách nhiệm với cộng đồng’ là một trong bảy giá trị cốt lõi mà Tập đoàn Tân Hiệp Phát luôn nỗ lực thực hiện kể từ ngày thành lập đến nay.
Trước đó, vào giai đoạn 2016 – 2018, 24 cây cầu thép dây văng kiên cố đã được Tập đoàn Tân Hiệp Phát xây dựng và đưa vào sử dụng tại những vùng sâu, vùng xa trên khắp các tỉnh thành miền Tây, góp phần hỗ trợ giao thương đi lại, tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn người dân có thêm cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
"Trao cần câu hơn trao xâu cá" là câu nói quen thuộc ở Việt Nam nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao phương tiện để tạo dựng và phát triển hơn là trao thành quả có sẵn. Bên cạnh cơ sở hạ tầng, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cũng chú trọng tạo sinh kế để người dân ở những khu vực khó khăn thoát nghèo bền vững.
Đơn cử, khi hỗ trợ nhân dân các huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa), Đakrông (Quảng Trị), Tập đoàn Viettel từng tặng hơn 1.000 con bò giống, 23 tấn ngô giống, hỗ trợ 60 tấn phân bón NPK... cho người dân. Cùng với đó, tập đoàn đã tổ chức 22 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để người dân sử dụng hiệu quả những món quà đó.
Hay một trong những chương trình đầy thiết thực và tạo được tiếng vang lớn mà Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã tổ chức là Lục Lạc Vàng. Giai đoạn 2011-2016, chương trình đã đến với hơn 2.018 hộ dân tại 37 tỉnh thành, trao được 3.266 con bò. Từ số bò trao tặng đã có 550 bò mẹ đang mang thai, 637 bê con được sinh ra, trở thành phương tiện phát triển kinh tế cho các gia đình khó khăn trên cả nước.
Cắt băng khánh thành cầu Ngã 3 Kênh Ba Nhiễu
Đối với một vài cá nhân, việc xây dựng cơ sở hạ tầng hay hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương không hề đơn giản nhưng với sự dẫn dắt của các cơ quan Nhà nước và sự chung tay của doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, điều này đã trở nên dễ thực hiện hơn rất nhiều.
Trong suốt 29 năm qua, Tân Hiệp Phát luôn hoạt động và phát triển với phương châm gắn liền với giá trị cốt lõi có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nổi bật trong số đó là các chương trình tạo sinh kế bền vững cho người dân ở các khu vực khó khăn.
Trên khắp Việt Nam, ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng được xây mới ở vùng sâu, vùng xa để phục vụ đời sống của người dân. Cùng với đó, ngày càng nhiều sinh kế bền vững cũng được tạo ra từ hoạt động có trách nhiệm với cộng đồng của các doanh nghiệp. Nhờ vậy mà giấc mơ học con chữ của những cô cậu học trò nhỏ và giấc mơ thoát nghèo của người nông dân giờ đây đã gần tầm với hơn bao giờ hết!