Những chuỗi đồ uống đang âm thầm đe doạ The Coffee House, Phúc Long...: Katinat được đại gia Sài Gòn "đỡ đầu", Mixue "một mình một ngựa" khai thác phân khúc giá rẻ

Hoàng Thùy | 07:00 21/05/2023

Dù hầu hết có quy mô còn rất nhỏ so với các "anh lớn" nhưng nhờ được lòng khách hàng trẻ, đặc biệt chú trọng vào genZ, những thương hiệu này ít nhiều cũng đang làm cuộc chiến F&B trở nên sôi động và khốc liệt hơn.

Những chuỗi đồ uống đang âm thầm đe doạ The Coffee House, Phúc Long...: Katinat được đại gia Sài Gòn "đỡ đầu", Mixue "một mình một ngựa" khai thác phân khúc giá rẻ

Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực năm 2022 do iPOS công bố, hơn 53% đáp viên được hỏi cho biết đi cà phê 1-2 lần/tháng, 22,6% đi từ 1-2 lần/tuần và 14,6% đi cà phê 3-4 lần/tuần. Văn hóa và nhu cầu lớn đã giúp ngành kinh doanh đồ uống trở thành thị trường sôi động, thậm chí trở thành phương án hàng đầu khi khởi sự kinh doanh bởi rào cản gia nhập thấp, dễ tiếp cận về vốn và mặt bằng.

Những năm qua, các thương hiệu “top of mind” đã chiếm lĩnh thị trường kinh doanh đồ uống bao gồm Highland Coffee (605 cửa hàng), Phúc Long (114 cửa hàng flagship, 23 cửa hàng mini), The Coffee House (155 cửa hàng), Trung Nguyên Legend (77 cửa hàng), Trung Nguyên E-Coffee (700 cửa hàng). Đây đều là những chuỗi được hậu thuẫn bởi các tập đoàn có tiềm lực. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản các thương hiệu khác liên tục mọc lên như nấm sau mưa.

Trong đó, một vài tên tuổi mới cũng đã mở rộng số lượng cửa hàng nhanh chóng và đang trở thành hiện tượng được người tiêu dùng trẻ yêu thích. Dù hầu hết có quy mô còn rất nhỏ so với các "anh lớn" nhưng nhờ được lòng khách hàng trẻ, đặc biệt chú trọng vào genZ, những thương hiệu này ít nhiều cũng đang làm cuộc chiến F&B trở nên sôi động và khốc liệt hơn. 

Mixue

Quy mô: 1.000 cửa hàng

Thời gian hoạt động: 5 năm

Thị trường: 43 tỉnh/thành

Phân khúc: Bình dân

Mixue là chuỗi bán kem và trà sữa giá rẻ nổi tiếng đến từ Trung Quốc, có tên đầy đủ là Mixue Bingcheng. Tại quê hương, thương hiệu này đã có tới 21.619 cửa hàng (tính đến 31/3/2022), trong đó 99,8% là cửa hàng nhượng quyền. Tờ Nikkei Asia Review cho biết, doanh thu của Mixue Bingcheng đã đạt 10,3 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,6 tỷ USD theo tỷ giá đầu năm 2022.

Việt Nam là thị trường quốc tế đầu tiên mà Mixue phát triển, vào năm 2018. Sản phẩm chủ đạo tại Mixue là những cây kem giá chỉ 10.000 đồng, trà sữa có giá trung bình 25.000 đồng/ly. Thương hiệu này hướng đến đối tượng khách hàng thuộc phân khúc bình dân, trong khi các chuỗi lớn hiện nay như The Coffee House, Highland Coffee, Trung Nguyên,… hướng đến phân khúc tầm trung – với mức giá khoảng 40.000-70.000 đồng/ly.

Các cửa hàng Mixue cũng tập trung tại khu vực đông dân cư, diện tích mặt bằng khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào bán mang đi thay vì tìm kiếm các vị trí đắc địa và đắt giá.

Nhờ mô hình khá tinh gọn và phát triển theo hình thức nhượng quyền, Mixue đã nâng quy mô của mình lên 1.000 cửa hàng vào tháng 4/2023, chỉ sau 5 năm. Theo tìm hiểu, tổng chi phí đầu tư nhượng quyền một cửa hàng Mixue khoảng 700 – 800 triệu đồng, chưa tính chi phí thuê mặt bằng và nhân viên. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô ồ ạt gây ra tình trạng có quá nhiều cửa hàng trong cùng một khu vực, khiến chính các cửa hàng cùng thương hiệu Mixue này phải cạnh tranh với nhau.

Katinat Saigon Kafe

Quy mô: 50 cửa hàng

Thời gian hoạt động: 7 năm

Thị trường: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Lạt, Cần Thơ, Tiền Giang

Phân khúc: Trung cấp

Thành lập từ năm 2016 nhưng Katinat Saigon Kafe chỉ mới thực sự trở thành một tên tuổi đáng chú ý từ năm 2021. Đến cuối năm 2021, thương hiệu này mới chỉ có 10 cửa hàng, nằm rải rác ở trung tâm Quận 1 và Quận 3 (TP.HCM). Tuy nhiên, ngay trong dịch Covid-19, thời điểm thị trường F&B chịu ảnh hưởng nặng nề, Katinat đã tận dụng cơ hội, âm thầm “thu gom” nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa.

Cửa hàng của Katinat đều nằm trên những trục đường lớn, với không gian rộng và cao 2-3 tầng, thiết kế mang hơi thở hiện đại, hướng đến nhóm khách hàng trẻ tuổi. Menu đồ uống được cải tiến liên tục, với giá dao động trong khoảng 40.000 -70.000 đồng/ly.

Đầu tháng 4/2023, Katinat chính thức Bắc tiến, mở liên tiếp hai cửa hàng và tiếp tục chọn địa điểm đắt giá tại khu phố Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng - cũng là trung tâm ‘ăn chơi’ của giới trẻ và gần với khu vực văn phòng. Ngay lập tức, hai cửa hàng này đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ Hà Nội khi hàng dài người sẵn sàng xếp hàng chờ đợi vào những ngày đầu khai trương. Ở thời điểm hiện tại, các địa điểm này vẫn liên tục đông khách, dù có đến 2 tầng phục vụ.

Katinat được “đỡ đầu” bởi D1-Concept, là doanh nghiệp F&B đứng sau nhiều hệ thống nhà hàng khác như San Fu Lou, Dì Mai, Sorae, nhà hàng Sens.

Phê La

Quy mô: 18 cửa hàng

Thời gian hoạt động: 2 năm

Thị trường: Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt

Phân khúc: Trung cấp

Trong khi các thương hiệu thuần về trà sữa đang có dấu hiệu thoái trào, lép vế hơn so với cà phê thì Phê La như thổi vào một làn gió mới, đặc biệt tại thị trường Hà Nội. Giới thiệu mình là thương hiệu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tập trung vào phát triển dòng trà Ô Long đặc sản Đà Lạt, Phê La mở cửa hàng đầu tiên trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) vào tháng 3/2021. Cửa hàng này có diện tích nhỏ, phù hợp mua đồ take-away.

Hai tháng sau, Phê La khai trương cửa hàng thứ hai tại Hà Nội, với quy mô lên tới 200m2. Đây cũng là khởi đầu cho công cuộc “bành trướng” của thương hiệu mới nổi này. Các chi nhánh với không gian rộng, mật độ chỗ ngồi dày đặc liên tục được mở ra, hiện đã chạm mốc 18 cửa hàng. Thiết kế các cửa hàng đều hướng theo concept cắm trại, xu hướng đang thịnh hành trong giới trẻ và khá khác biệt so với các thương hiệu “cây đa cây đề” hiện có trên thị trường.

Menu nổi bật của Phê La là dòng trà sữa, bên cạnh đó cũng có cà phê, mức giá khoảng 55.000-65.000 đồng/ly. Các cửa hàng Phê La tại Hà Nội đều duy trì được lượng khách đông đảo uống tại quán, thậm chí hết chỗ ngồi vào cuối tuần.

Theo tìm hiểu, chuỗi Phê La được vận hành bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La, có địa chỉ tại số 24 ngõ 128C Đại La, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Công ty đươc thành lập vào 24/3/2020, do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện pháp luật. Bà Nguyễn Hạnh Hoa cũng là người đại diện của Công ty cổ phần Tmore – địa điểm kinh doanh Tmore, doanh nghiệp đang vận hành thương hiệu Tiệm trà Tmore. Tmore từng mở rộng tới 176 cơ sở trong thời điểm trào lưu trà chanh lên ngôi. Cả Tmore và Phê La đều đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bởi bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La.

Cheese Coffee

Quy mô: 20 cửa hàng

Thời gian hoạt động: 7 năm

Thị trường: TP.HCM, Hà Nội

Phân khúc: Trung cấp

Cheese Coffee là một trường hợp có nhiều điểm tương đồng với Katinat Saigon Kafe, đều là những thương hiệu đang được lòng người tiêu dùng trẻ tại TP.HCM và vừa có động thái Bắc tiến.

Cheese Coffee hướng đến phong cách hiện đại, không gian rộng và có nhiều điểm checkin. Thương hiệu này cũng khá chăm chỉ trong việc nghiên cứu ra mắt món mới, trong đó đã có những món được nhiều người tiêu dùng yêu thích như Arabica Hạt Dẻ Macchiato, Trà Sữa Bơ, Trà Sữa Nguyên Lá, Cafe Hạnh Nhân Macchiato, Trà Cam Quýt… Hướng đến phân khúc trung cấp và những khách hàng trẻ, đồ uống tại đây có mức giá dao động trong khoảng 55.000-80.000 đồng.

Cheese Coffee được sáng lập bởi John Trung Nguyễn - Giám đốc điều hành (CEO) và Jenny Tiên Nguyễn (Phó giám đốc phát triển sản phẩm). 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những chuỗi đồ uống đang âm thầm đe doạ The Coffee House, Phúc Long...: Katinat được đại gia Sài Gòn "đỡ đầu", Mixue "một mình một ngựa" khai thác phân khúc giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO