Nhiều người kiếm ra tiền nhưng thường rơi vào cảnh "chẳng biết tiền của mình đi đâu về đâu". Để không còn tình trạng kiếm được bao nhiêu tiêu hết sạch bấy nhiều, họ đã phải học cách tiết kiệm và quản lý tài chính chặt chẽ.
- Khoảnh khắc nào nhận ra bản thân cần tiết kiệm?
Hà Giang (26 tuổi) chia sẻ từ thời điểm nhận được mức lương 15 triệu sau 2 năm ra trường, cô đã bắt đầu ý thức hơn trong việc quản lý chi tiêu. Bởi khi đó thu nhập của Hà Giang không quá cao, song cũng không quá thấp như thời sinh viên, do đó cô cho rằng nếu biết quan tâm tài chính thì việc có được khoản tiết kiệm đầu tiên là có thể xảy ra.
Mức sống có thể thay đổi theo thu nhập, nhưng bạn luôn phải biết kiềm chế và kiểm soát chi tiêu của bản thân - chính là nguyên tắc sống của cô gái này.
Một trường hợp khác, Phương Trúc (27 tuổi, Hà Nội) cho hay bản thân là người nghiện tiết kiệm. "Không biết mọi người thì sao, chứ với mình thì việc nghiêm túc theo đuổi mục tiêu tiết kiệm nhiều nhất có thể giúp mình trưởng thành hẳn lên. Và mình mình mới thực sự trưởng thành được có 3 năm thôi".
Cuối năm 2019, Phương Trúc chia tay bạn trai. Khi đó, cô muốn đi Quy Nhơn một chuyến để "giải sầu" song không thể vì... hết tiền. "Cảm giác muốn đi một chuyến du lịch trong nước thôi mà cũng không có đủ tiền, mình thấy bản thân không chỉ thất tình mà còn thất bại nữa" - Trúc "tự thú".
Đó chính là khoảnh khắc khiến Trúc nhận ra mình phải "sống lại thôi". Từ một người kiếm bao nhiêu tiêu từng ấy, Trúc của hiện tại là cô gái có thể tiết kiệm tới 8 triệu/tháng với mức lương 15 triệu, trong khi hoàn toàn không có nguồn thu nhập khác.
Nguyên tắc tiết kiệm 50% lương của hai cô gái
Hà Giang chia sẻ, dẫu giờ đây thu nhập đã tăng lên so với mức 15 triệu đồng/tháng, song cô vẫn giữ thói quen tiết kiệm ít nhất 50% lương hàng tháng.
Ngoài biết chi tiêu tiết kiệm, Hà Giang còn có 2 mẹo nhỏ trong quản lý tài chính cá nhân. Giang cho biết: "Đây là cách mình tận dụng tài chính tương lai để không có khoản nợ nào ở hiện tại." Nhưng cô nàng cũng đưa ra lời nhắc nhở: Chỉ khuyến cáo dùng với những người kỷ luật và nghiêm túc với mục tiêu của bản thân. Cụ thể, hai mẹo tiết kiệm của cô như sau:
- Sử dụng thẻ tín dụng:
Hà Giang dùng thẻ tín dụng để trong trường hợp hết tiền mà muốn mua đồ thì không cần vay mượn, hoặc nảy sinh cảm giác "xót ví". Bên cạnh đó, cô còn tranh thủ tận dụng ưu đãi khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng.
"Mình học cách dùng thẻ tín dụng như phương án gia tăng tích lũy. Thường thì sau 30 - 45 ngày dùng thẻ mình mới cần thanh toán. Vậy nên có lương thì mình thường gửi trước phần tiết kiệm và chi tiêu vào ngân hàng trước. Sau đó sử dụng thẻ tín dụng thanh toán để nhận các khuyến mãi và không có cảm giác xót tiền khi tiêu trực tiếp vào lương", Hà Giang chia sẻ.
- Đầu tư vào thời gian và hiệu suất làm việc:
"Dù có thiếu tiền ăn thì mình cũng không ngừng đầu tư cho bản thân" - Đây là quan điểm khiến Giang gia tăng thu nhập nhanh chóng.
Thời điểm bắt đầu có dư, Giang cho biết trước khi đạt được thu nhập như ý, cô nàng sẽ ưu tiên mọi cách để kiếm tiền: "Ví dụ như việc định giá bản thân kiếm được 100k/giờ, thì mình sẽ chia nhỏ các đầu việc, sau đó sử dụng máy móc, phần mềm để khiến công việc đi nhanh hơn. Khoản đầu tư này có thể chiếm 50-60k/giờ nhưng mang lại hiệu suất cao. Làm phép tính đơn giản: Thay vì kiếm 100k/giờ, thì bây giờ mình có thể kiếm được 40k/15 phút. Con số sẽ ngày càng cao nếu bạn biết đầu tư hiệu quả."
Hơn nữa, việc có kế hoạch cụ thể cho từng giờ, từng ngày và từng tuần giúp Giang có định hướng rõ ràng trong việc kiếm tiền và quản lý tài chính tốt hơn. Cô nàng bày tỏ: "Tuổi trẻ tiết kiệm và dùng tiền đó để đầu tư đúng chỗ sẽ khiến cho tuổi trung niên của bạn có tài sản và trở nên dễ dàng hơn!"
Trong khi đó, bí quyết để Phương Trúc tiết kiệm đến 8 triệu/tháng từ lương 15 triệu được gói gọn trong 3 gạch đầu dòng sau:
- Thanh toán hết mọi chi phí cố định vào ngày được nhận lương:
Hiện tại, Trúc đang ở nhà thuê, với chi phí thuê nhà và tiền dịch vụ là khoảng 2,6 triệu/tháng. Ngoài khoản chi cố định này, ngay khi nhận lương, cô bạn sẽ thanh toán cả tiền cà phê và tiền ăn sáng, và rút tiền để đổ xăng cho cả tháng.
- Cố định chi phí mua thực phẩm theo tuần:
Sau khi trừ đi các chi phí cố định đã thanh toán và cả khoản tiền 8 triệu đổ vào tài khoản tiết kiệm, Trúc chỉ còn 3,205k để chi cho nhu cầu ăn uống.
"Mình đặt ra hạn mức cho việc mua thực phẩm, chỉ được tối đa 500k/tuần thôi. Như vậy tính ra mỗi ngày, mình có 70k để mua thịt thà, rau củ. Mình chỉ tự nấu bữa tối và bữa trưa, cũng không ăn quá nhiều nên thực ra mỗi tháng, tiền ăn của mình chỉ hết khoảng 2500k thôi, có khi còn không đến ấy" - Trúc chia sẻ và cho biết thêm thi thoảng cô bạn cũng sẽ đi ăn ngoài cùng bạn bè, chứ phải cả tháng chẳng biết mùi hàng quán là thế nào.
- Tự thưởng cho bản thân sau mỗi 3 tháng hoàn thành tốt mục tiêu tiết kiệm:
Để có động lực tiết kiệm, Trúc cho biết nếu thực hiện được mục tiêu tiết kiệm 8 triệu/tháng trong 3 tháng liên tiếp, cô sẽ cho phép mình được tiêu 3 triệu vào bất cứ việc gì mà bản thân cảm thấy thích.
"Ngày xưa hồi mới đặt mục tiêu tiết kiệm, mình chưa quen lắm với việc cả tháng không mua quần áo hay mua mấy món đồ linh tinh đẹp đẹp, nên mới đặt ra phần thưởng này. Nhưng thú thật là bây giờ, cũng không mấy khi mình tiêu hết 3 triệu ấy, vì đang quen tiết kiệm rồi" - Trúc vừa cười vừa kể.
Sau đó, cô bạn này còn cho biết thêm rằng nếu không tiêu hết số tiền "tự thưởng này", Trúc sẽ chuyển tiền thừa vào 1 tài khoản khác, không phải tài khoản chi tiêu hàng ngày hay tài khoản tiết kiệm. Số tiền này được cô dùng để phòng cho trường hợp đột xuất như xe hỏng hoặc mừng cưới bạn bè.
Trúc chia sẻ, trong khoảng 2 tháng đầu tiên theo đuổi mục tiêu tiết kiệm 8 triệu/tháng, cô bạn khá "vật vã" vì chưa quen với việc "tự dưng mất hơn nửa tháng lương". Tuy nhiên sau đó, khi mọi thứ đã "vào guồng", Trúc bắt đầu trở nên nghiện tiết kiệm.
"Mình đã sống quá lâu trong tình trạng chỉ còn 400-500k để sống trong vòng 10-12 ngày cuối tháng. Sau 2 tháng tự lên kế hoạch, tự kiểm soát chi tiêu, đến tận ngày nhận lương, có khi mình vẫn dư gần 1 triệu từ kỳ lương tháng trước. Mình bắt đầu nghiện tiết kiệm vì chính cảm giác này đấy" - Trúc kể và cho biết thêm, sau 3 năm sống tiết kiệm, hiện tại, Trúc đã đã có thể tự tin đi du lịch trong nước, thậm chí là nước ngoài bất cứ khi nào cảm thấy thích.