"Nhìn sâu" báo cáo ESG của ACB

Kim Ngân | 21:56 05/12/2023

ESG (Environmental, Social, and Governance, tức là Môi trường, Xã hội và Quản trị) bắt đầu được các doanh nghiệp tại Việt Nam chú trọng khoảng một vài năm trở lại đây.

"Nhìn sâu" báo cáo ESG của ACB
Báo cáo Phát triển bền vững 2022 của ACB với chủ đề CHANGE – Thay đổi

Theo báo cáo “Từ tham vọng đến hành động” được PwC thực hiện năm 2022 cho thấy, nhiều công ty Việt Nam đã đưa ra các cam kết hoặc kế hoạch ESG vì các công ty đã nhận biết được tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG khi tham gia vào thị trường toàn cầu. Báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của UOB cũng cho thấy xu hướng ESG được hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thức rõ mức độ quan trọng của phát triển bền vững và 51% đã chính thức thực hành ESG.

Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai ESG còn chưa rõ nét, việc thực hiện báo cáo ESG cũng chưa thực sự được chú trọng như báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Một khảo sát của EY mới đây đã chỉ ra rằng chưa đến 1/3 công ty Việt Nam thực hiện báo cáo ESG một cách kỹ lưỡng và toàn diện. Một báo cáo khác đến từ KPMG thì cho biết các doanh nghiệp Việt chưa biết cách làm nổi bật thông tin, nhiều dữ liệu không rõ ràng khiến tiềm lực sẵn có lại không thể thu hút nhà đầu tư. Thậm chí, những tiêu chuẩn quan trọng như SASB, TCFD … chưa được hiểu đúng khiến báo cáo kém hiệu quả.

Người tiên phong

Báo cáo ESG hay còn gọi là Báo cáo Phát triển bền vững hiện là một trong những công cụ giá trị của doanh nghiệp nhằm thể hiện năng lực cạnh tranh, khả năng sáng tạo, đáp ứng các xu hướng phát triển mới, đồng thời cải thiện mô hình, chiến lược hoạt động để trở nên nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh mới mà không bỏ qua các yêu cầu ngày càng cao đối với yếu tố bền vững. Do đó, việc một doanh nghiệp phát hành báo cáo ESG ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính và các bên hữu quan.

Báo cáo về “Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam: Mức độ cam kết ESG và thực hành Báo cáo phát triển bền vững” do PwC công bố cuối tháng 8 vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang thể hiện mức độ cam kết cao, tuy nhiên lại tỏ ra thận trọng triển khai ESG. Cụ thể, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%, song chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình là 44%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.

Đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 12/2023), các doanh nghiệp tại Việt Nam công bố báo cáo ESG vẫn còn chưa nhiều. Có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu và triển khai sớm như Tập đoàn Vinacapital, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Sợi Thế Kỷ, Tập đoàn PAN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…

Trong ngành tài chính ngân hàng, vốn là một ngành tiên phong trong các hoạt động cũng như tuân thủ sớm các quy chuẩn quốc tế, song mới chỉ có ACB là ngân hàng duy nhất công bố báo cáo ESG (hồi tháng 10). Dự kiến vào cuối năm nay sẽ có thêm 1 đến 2 ngân hàng nữa công bố báo cáo riêng ESG.

Báo cáo ESG của ACB có gì?

ACB đã triển khai ESG từ chục năm trước song đến bây giờ mới công bố chính thức ra thị trường. Trên hành trình tiên phong thực hiện ESG, cam kết về phát triển bền vững nhận được sự đồng lòng từ 93% nhân viên ACB và được lồng ghép vào chiến lược của ngân hàng, bao gồm việc tăng trưởng đều đặn và bền vững để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, xây dựng và duy trì môi trường làm việc có sức thu hút, động viên và giữ chân nhân tài. Đồng thời, với mục tiêu hướng tới Net Zero, ACB đang quyết tâm và nỗ lực thực hiện những hành động xanh, làm thay đổi nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường và lan tỏa các hoạt động này đến khách hàng, đối tác, cổ đông và cộng đồng. Một trong các kế hoạch tiêu biểu mà ACB đang triển khai là thực hiện thu gom 300 tấn rác nhựa trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2025.

acb.jpg

ACB đã gửi tặng hơn 13.000 nhân viên bộ ly giữ nhiệt Gần Lại O để góp phần thay đổi thói quen dùng nhựa một lần, giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường

Những thông điệp mà ACB đưa ra thị trường về ESG thời gian qua đều được đón nhận tích cực. Nếu như bình thường, cam kết của ngân hàng được triển khai tới đâu cũng phải chờ chính ngân hàng, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ thì bên ngoài mới nắm được. Tuy nhiên ACB đã minh bạch mọi hoạt động bao gồm cả ESG, khi tiên phong công bố báo cáo Phát triển bền vững từ tháng 10/2023, và dự kiến sẽ công bố đều đặn thường niên từ năm tới.

Và trong khi ESG vẫn nằm trong mục tiêu, định hướng của nhiều ngân hàng thì ACB đã có số liệu chứng minh. Trong năm 2022, nhà băng này đã tăng trưởng tới 43% về lợi nhuận, tỷ suất sinh lời trên vốn 26,5% - cả hai chỉ tiêu (nằm trong G) đều dẫn đầu thị trường, đồng thời 100% các nhà cung cấp mới tại ACB được đánh giá tác động môi trường và xã hội. Về môi trường (E), ACB đã âm thầm dọn được 32 tấn rác thải nhựa trong hành trình “Gần lại O”; ngân hàng có 215 tấn giấy tiết kiệm và tái chế trong năm qua nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ và tiết kiệm; và tương đương hơn 300 tấn CO2 phát thải khí nhà kính đã được giảm bớt thông qua việc thực hiện tiết kiệm điện và giấy. Về xã hội (S), mức độ hài lòng của khách hàng đối với ACB năm 2022 đạt thang điểm 8,39/10; thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng được nâng cao lên mức bình quân 417 triệu đồng/năm; ngân hàng có tổng cộng 760 nghìn giờ đào tạo phát triển nhân viên. Ngoài ra, ACB cũng tích cực với các hoạt động thiện nguyện.

acb2.jpg

Lãnh đạo và nhân viên ACB cùng tham gia dọn rác bãi biển tại Phú Quốc như một hành động góp phần nhỏ để giữ gìn môi trường

Báo cáo ESG của ACB còn có các thông tin liên quan đến định hướng, cách tiếp cận đối với các vấn đề về phát triển bền vững, phương thức quản trị các lĩnh vực trọng yếu và kết quả ACB đã đạt được. Báo cáo cũng ghi nhận các dự án, các cải tiến hệ thống, các sản phẩm dịch vụ xét trên các khía cạnh môi trường và xã hội có thể nâng cao hiệu quả, mang đến lợi ích cho hoạt động kinh doanh của ACB. Tựa đề của báo cáo ESG 2022 là “Change – Thay đổi” cũng là lời khẳng định chắc chắn của ACB về việc ngân hàng này đang thay đổi mỗi ngày hướng tới sự phát triển bền vững, đồng thời mong muốn nhân viên, đối tác, khách hàng cũng cùng thay đổi - “thực hiện một hành động tích cực nhỏ mỗi ngày sẽ dẫn tới những thay đổi lớn”.

Cơ hội cho những người đi trước

ACB đã triển khai ESG từ sớm, điều này đã được khẳng định và có minh chứng rõ ràng qua quá trình hoạt động và đặc biệt là báo cáo ESG gần đây. Việc công bố báo cáo ESG thường niên sẽ giúp không chỉ lãnh đạo ACB, người ACB biết được mình làm những gì, sẽ phải làm gì tiếp theo, mà còn giúp khách hàng, nhà đầu tư, cộng đồng “giám sát” được cam kết của ngân hàng về ESG.

acb3.jpg

ACB sẽ chủ động hơn trên hành trình phát triển bền vững lâu dài

Trên thị trường, hiện ACB đang nằm trong top những ngân hàng lành mạnh, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Bằng việc tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro chặt chẽ, ACB là một trong số ít những ngân hàng không những không bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế chung mà còn tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Người tiên phong chắc chắn có những khó khăn gian khổ ban đầu, sẽ phải từng bước khắc phục rồi mới có cơ hội hái trái ngọt. Trong câu chuyện ESG, ACB đã đi được 10 năm, những khó khăn đã đi qua, nguồn lực đã xây dựng vững vàng, chắc chắn ACB sẽ chủ động nắm bắt nhiều cơ hội phát triển hơn trên hành trình thực hiện ESG – điều mà cả thế giới đang chú trọng./.


(0) Bình luận
"Nhìn sâu" báo cáo ESG của ACB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO