Ngày 27/2/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG).
Dù quá trình thanh tra chỉ mới bắt đầu và chưa đi tới kết luận cuối cùng, song phản ứng của nhà đầu tư đang không mấy tích cực trước những thông tin trên. Đáng chú ý, cổ phiếu DIG khởi đầu tháng 3 giảm sàn “trắng bên mua” ngay sau ATO. Tuy lực bán sàn đã được hấp thụ gần hết với hơn 34,6 triệu đơn vị được khớp lệnh, thị giá DIG kết phiên 1/3 vẫn còn dư bán sàn gần 800 nghìn đơn vị.
Thương vụ thoái vốn từng tốn nhiều "giấy mực"
Nhắc tới DIC Corp, nhà đầu tư đều biết rằng có xuất phát điểm là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1990, sau đó chuyển đổi mô hình thành Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch (năm 1993) và Công ty Đầu tư Phát triển – Xây dựng (năm 2001). Nhờ vậy, đơn vị này sở hữu quỹ đất tương đối lớn từ Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Hà Nam,…
Năm 2008, DIC Corp được chuyển đổi thành công ty cổ phần, với vốn điều lệ 370 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng chiếm chi phối (65,06%), cổ đông chiến lược Vina Capital (7,84%), còn lại là 27,1% thuộc về nhóm cổ đông khác.
Đầu năm 2009, DIC Corp tăng vốn lên 600 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Ngày 19/8/2009, 60 triệu cổ phiếu DIC Corp lên sàn HoSE với mã DIG và trở thành hiện tượng của thị trường lúc bấy giờ khi liên tiếp tăng trần.
Cuối năm 2009, DIC Corp thực hiện phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Sau nghiệp vụ phát hành riêng lẻ này, tỷ lệ sở hữu nhà nước từ 65% giảm về còn hơn 55,7%.
Không dừng lại ở đó, DIC Corp liên tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Vào giữa năm 2015, DIC Corp đã chào bán riêng lẻ 19,9 triệu cổ phần, trong đó phát hành 15 triệu đơn vị cho Vietnam Enterprise Investments Limited, quỹ thuộc Dragon Capital, và phát hành cho CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân 4,9 triệu đơn vị, cùng với giá 10.600 đồng/CP. Thiên Tân là pháp nhân có nhiều liên hệ tới chính Chủ tịch HĐQT DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn. Tỷ lệ sở hữu của nhà nước thông qua Bộ Xây dựng đã giảm về 51,04%.
Một năm sau đến tháng 12/2016, công ty tiếp tục phát hành riêng lẻ 6,5 triệu cổ phiếu với giá bán 10.000 đồng/CP, phần lớn trong số đó (5 triệu đơn vị) bán cho chính ông Thiện Tuấn. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước theo đó tiếp tục “pha loãng” giảm về còn 49,65% và không còn là cổ đông chi phối tại DIC Corp.
Tháng 11/2017 sau khi không còn là cổ đông chi phối, Bộ Xây dựng đã thoái toàn bộ 118,26 triệu cổ phiếu, tương ứng 49,65% cổ phần DIC Corp và DIC Corp chính thức chuyển sang công ty tư nhân.
Cần nhấn mạnh rằng, phiên 28/11/2017, có tới 128,4 triệu cổ phiếu DIG được giao dịch khớp lệnh, phần lớn ở mức giá trần, với tổng giá trị 2.468 tỷ đồng. Tạm tính theo mức giá trung bình, Bộ Xây dựng thu về xấp xỉ 2.274 tỷ đồng.
DIC Corp trở thành một hiện tượng khi đó với việc bán “nửa” công ty chỉ trong vòng vài phút trước khi kết thúc phiên ATC. Lượng cổ phiếu DIG trong giao dịch trên cũng nằm top kỷ lục về khối lượng giao dịch cổ phiếu trong một phiên của lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Nổi sóng cùng những “siêu cổ phiếu” từng được tung hô,.. song lại "chìm" về đáy
Sau thương vụ thoái vốn tốn nhiều giấy mực, nhà đầu tư chắc hẳn chưa thể quên được “cơn sốt” nhà đầu kéo theo đợt sóng tại nhóm cổ phiếu bất động sản, tiêu biểu là DIC Corp khi được bàn tán rôm tả giai đoạn cuối năm 2021.
Không hiếm các diễn đàn chứng khoán, hội nhóm hay nhà đầu tư hô hào mua vào bên cạnh DIG còn có CEO hay L14,.. với kỳ vọng vượt trội so với giá trị doanh nghiệp, mơ về những mức giá không tưởng. Nhân vật được chú ý là ông Nguyễn Mạnh Tuấn (hay còn được biết đến với cái tên A7), vị này thường xuyên chia sẻ, phân tích về việc đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản, từng tuyên bố trên mạng xã hội rằng: "Cổ phiếu bất động sản tốt như DIG hay CEO, nó phải 500.000 đồng/cp vẫn là “giẻ rách"".
Nhờ hiệu ứng FOMO, thị giá DIG tăng gấp 4 lần sau 5 tháng, có thời điểm vượt ngưỡng ba chữ số. Chính sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền rẻ thậm chí khiến ĐHĐCĐ của DIG gặp khó trong khâu tổ chức vì quá đông cổ đông tới tham dự, cổ đông ngồi tràn ra hành lang phòng họp vì không đủ hội trường.
Tuy nhiên, niềm vui chẳng được tày gang khi con sóng đất nhanh chóng rút đi, kéo theo đó là các cổ phiếu này giảm mạnh. Rồi liên tục những thông tin tiêu cực từ vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm tới những động thái thanh lọc thị trường chứng khoán, trái phiếu hay thắt chặt tín dụng bất động sản khiến bối cảnh ngành bất động sản khó khăn, thị giá cổ phiếu rơi hàng chục phần trăm từ đỉnh, trôi dần về đáy hàng chục tháng.
Hiện tại, giá cổ phiếu DIG từ vùng đỉnh 9x.000 đồng/cp đã rơi xuống giao dịch tại vùng giá 12.600 đồng/cp, tương ứng giảm tới 87%. DIG "lình xình" trong vùng giá 10.000 – 12.xxx đồng kể từ tháng 11/2022 và cũng là vùng giá thấp nhất trong vòng 28 tháng. Thành quả tăng giá của con sóng đầu cơ trước đó cũng bị triệt tiêu toàn bộ.
Chủ tịch HĐQT khẳng định hoạt động thanh tra là rất bình thường trong giai đoạn hiện nay
Trở lại với thông tin thanh tra việc chấp hành quy định cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của DIC Corp, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn đã gửi tâm thư phản hồi về thông tin này. “Đây là hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIG mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát”, văn bản ông Tuấn ký tên nêu rõ.
Cũng theo ông Tuấn, sơ lược quá trình thực hiện nêu trên có thể thấy công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIG đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra… và đã có kết luận. Trong các quá trình thanh tra nêu trên, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, triển khai tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.
"Ban Lãnh đạo DIG đang nỗ lực tối đa để đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời căn cứ trên thực tế quỹ đất và hiện trạng triển khai đầu tư tại các dự án thì Hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch SXKD năm 2023 với con số tương đối khả quan và đã tổ chức lễ ra quân đầu năm" - Thông tin từ thông cáo.
Theo DIG, các nội dung liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm toán… và đã được các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn, tham gia ý kiến cũng như điều tra của Cơ quan công an kết luận DIC thực hiện theo đúng quy định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tình hình kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan với doanh thu ghi nhận 1.909 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 197 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 84% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty mới chỉ thực hiện được 38% kế hoạch doanh thu và 1/10 mục tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2022.
Thông tin thêm, DIC Corp đã thông qua nghị quyết điều chỉnh một số nội dung của phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tại Nghị quyết 234/NQ-HĐQT ngày 6/12/2022. Theo đó, thời điểm chào bán 100 triệu cổ phiếu DIG cho cổ đông hiện hữu với mức giá 15.000 đồng/cp sẽ được lùi từ quý 1/2023 sang quý 2 đến quý 3/2023, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức hồi tháng 4/2022, cổ đông DIC Corp đã thông qua phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 30.000 đồng/cp. ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra hồi tháng 10/2022 đã thông qua phương án điều chỉnh giá chào bán xuống còn 15.000 đồng/cp sau khi ĐHĐCĐ bất thường lần 1 tổ chức bất thành.