CTCP Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công Thương, doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông lớn FDI trong lĩnh vực bất động sản là Phú Mỹ Hưng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư năm 2024.
Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm tại thị xã Thuận Thành được tỉnh Bắc Ninh duyệt đầu tư vào tháng 12/2010. Theo quy hoạch, dự án có quy mô gần 200 ha với tổng vốn 27.000 tỷ đồng, tương đương gần 1,1 tỷ USD.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy mô dân số tại dự án là gần 28.000 người. Dự án được thiết kế xây dựng với mô hình shophouse, liền kề, biệt thự đơn lập và song lập.
Sự góp mặt của ông lớn FDI trong lĩnh vực BĐS là Phú Mỹ Hưng tại dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm được thể hiện qua quá trình chuyển dịch cổ phần tại doanh nghiệp đứng tên chủ đầu tư dự án.
Theo đó, CTCP Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công Thương là doanh nghiệp do Công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) nắm đến 98,9% vốn. Sau đó, bắt đầu có sự xuất hiện và tiếp quản của các cổ đông liên quan đến Phú Mỹ Hưng.
Cụ thể, theo các thông tin được công bố, năm 2016, Phú Mỹ Hưng đã chi 319 tỷ đồng để mua lại gần như toàn bộ 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương - đơn vị thuộc Ngân hàng Vietinbank, chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm.
Thời điểm trước ngày 20/5/2015, Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương có ba cổ đông sáng lập là Công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (75% vốn), Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 36 - Handico 36 (5% vốn), Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội – Hateco (25% vốn). Tuy nhiên, sau đó, cả Handico 36 và Hateco đều đã thoái vốn.
Từ ngày 20/5/2015, cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam nắm giữ 98,9% và cổ đông khác nắm giữ 1,1% vốn.
Đến ngày 23/3/2016, Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã không còn nắm giữ cổ phần nào, thay vào đó, cổ đông khác lại chiếm tới 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đăng ký kinh doanh của công ty không thể hiện rõ cổ đông nào thâu tóm toàn bộ số cổ phần này.
Cũng tại thời điểm 23/3/2016, công ty thay người đại diện theo pháp luật mới là bà Nguyễn Mai Hoa, sinh năm 1969. Bà Hoa hiện được biết đến là một trong những lãnh đạo chủ chốt tại Tập đoàn Vingroup.
Ngày 27/4/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý về chủ trương Công ty Cổ phần đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương chuyển nhượng cổ phần thực hiện dự án Khu đô thị Hồng Hạc - Xuân Lâm.
Đến tngày 23/6/2016, cơ cấu cổ đông của công ty chính thức xuất hiện nhóm công ty Phú Mỹ Hưng gồm Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (99,68%), Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences (0,16%) và Công ty TNHH Tân Thuận (0,16%).
Người đại diện theo pháp luật của công ty cũng được thay thế bằng ông Tseng Fan Chih, sinh năm 1967. Ông này cũng là người đại diện của Phú Mỹ Hưng và một số công ty thành viên của Phú Mỹ Hưng.
Mới đây nhất, ngày 12/7/24, Công ty Cổ phần đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương đăng ký tăng vốn điều lệ từ 2.620 tỷ đồng lên 4.620 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences nắm 99,98% vốn, Công ty TNHH Phát triển Phú Thế Vượng nắm 0.01% vốn, Công ty TNHH Tân Thuận nắm 0.01%.
Về Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences, doanh nghiệp thành lập ngày 30/11/2010 hiện do ông TANG, TOR-TSAI làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Tại lần công bố thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 19/4/2022, Nam Sài Gòn Residences có vốn điều lệ 6.120 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm: Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng góp 99,91%, Công ty TNHH Phát triển Phú Thế Vượng góp 0.045%, Công ty TNHH Phát triển Phú Thế An góp 0.045%.