Nhiều ngân hàng thương mại “rục rịch” tăng lãi suất huy động, liệu dòng tiền tiết kiệm có quay lại?

PV | 10:30 19/04/2024

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng một lượng tiền tiết kiệm lớn đang hưởng lãi suất 5-6%/năm đã đến kỳ đáo hạn và không có dấu hiệu quay lại nên các ngân hàng quyết định nâng lãi suất tiền gửi từ đầu tháng 4/2024.

Nhiều ngân hàng thương mại “rục rịch” tăng lãi suất huy động, liệu dòng tiền tiết kiệm có quay lại?
Một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động. (Ảnh: Int)

Từ giữa năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất huy động và cho đến đầu năm 2024 được đánh giá là chưa bao giờ lãi suất huy động xuống “đáy” như thế.

Việc lãi suất thấp đã không hấp dẫn người dân quay trở lại gửi tiền mà tìm các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán… nguy cơ các ngành sản xuất thiếu vốn để hoạt động.

Động thái gần đây cho thấy, một số ngân hàng "rục rịch" tăng lãi suất trở lại nhằm khuyến khích người dân gửi tiền. Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố biểu lãi suất mới với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1% lên 2,6%/năm. Đây cũng là kỳ hạn duy nhất được VIB điều chỉnh lần này.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 10/4. Theo đó, nhà băng này tăng thêm 0,3% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-36 tháng. Đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động thứ hai của VPBank trong vòng nửa tháng qua.

Cùng đó, ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) cũng công bố tăng thêm 0,2% lãi suất cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng từ 10/4; Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng lãi suất huy động 0,1 - 0,2 % tại kỳ hạn 4 và 5 tháng.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) thì tăng lãi suất huy động mới kỳ hạn 6 - 9 tháng lên thêm 0,2 %, đạt mức 4,1%/năm; Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đồng loạt tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 -11 tháng thêm 0,2%, lên mức 4,1%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng cũng được MSB tăng thêm 0,2% lên 4,5%/năm; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) điều chỉnh tăng 0,2 % lãi suất tiết kiệm đối với các kỳ hạn từ 12-18 tháng.

Trong nhóm ngân hàng Big 4 có duy nhất Vietinbank vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên.

Theo đó, nếu gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng ở các kỳ hạn 1-12 tháng và từ 24 tháng trở lên, khách hàng cá nhân sẽ nhận được mức lãi suất tăng thêm 0,2 %.

Ở kỳ hạn 12 tháng đến dưới 24 tháng, mức lãi suất tiết kiệm được VietinBank giữ nguyên ở 4,7%/năm. Đáng chú ý, lãi suất các kỳ hạn 24-36 tháng tại ngân hàng này đã được tăng quay trở lại mốc 5%/năm.Từ kỳ hạn 11-36 tháng, mức lãi suất tiết kiệm VietinBank áp dụng tương tự như khách hàng có khoản tiền gửi 300 triệu đồng trở lên.

Sau lần điều chỉnh này, hiện mức lãi suất của VietinBank đang nhỉnh hơn so với 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank, BIDV và Agribank.

Theo các chuyên gia, động thái tăng lãi suất tiết kiệm đến từ nguyên do một số lượng tiền tiết kiệm lớn sau khi hết thời gian gửi mặt bằng 5-6%/năm nay đến kỳ đáo hạn đã có ý định không quay lại. Nguyên nhân chính, bởi mức huy động hiện tại được xem là xuống thấp nhất lịch sử 20 năm qua.

Theo báo cáo vừa công bố, WiGroup cho biết dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều. Đây cũng là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm "đáy". Trong khi nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tiếp tục giảm lãi suất, một số ngân hàng tư nhân đã bắt đầu tăng lãi suất huy động.

WiGroup đánh giá, nguyên nhân chính của việc tăng lãi suất một phần do tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng giảm (-0,76%), trong khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương (0,6%).

Theo WiGroup, vào tuần cuối của tháng 3, dưới tác động của đợt hút ròng liên tục 15 ngày của Ngân hàng Nhà nước, cùng với tăng trưởng tín dụng dương trở lại khiến thanh khoản bị thắt chặt đột ngột dẫn tới việc lãi suất liên ngân hàng giật tăng mạnh vào cuối tháng.

Tính đến thời điểm 25/3, tăng trưởng tín dụng đạt 0,26%, dù con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng nó cho thấy sự cải thiện của tín dụng sau hai tháng đầu năm giảm. Tín hiệu này cũng phản ánh sự phục hồi của hoạt động cho vay trong nền kinh tế, bất chấp việc tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm 2024 ghi nhận ở mức khá thấp, thậm chí là âm tại nhiều ngân hàng lớn.


(0) Bình luận
Nhiều ngân hàng thương mại “rục rịch” tăng lãi suất huy động, liệu dòng tiền tiết kiệm có quay lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO