Phiên giao dịch 13/12 ghi nhận diễn biến tích của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi sắc xanh chiếm áp đảo. Kết phiên, toàn ngành ghi nhận 19 mã tăng, 3 mã giảm và 5 mã đứng giá tham chiếu.
Trong đó, EIB tiếp tục tăng trần lên 25.500 đồng/cp. Đây là phiên tăng trần thứ tư liên tiếp của cổ phiếu này với tổng tỷ suất sinh lời gần 31%. Cổ phiếu Eximbank liên tục tím trần trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 13/1/2023 để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025).
STB và TCB cũng bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm nay khi cùng xanh 5,9%, còn SHB và SGB xanh lần lượt 3,8% và 3,1%. Một loạt cổ phiếu ngân hàng khác ghi nhận mức tăng giá trên 2% như VPB (+2,7%), CTG (+2,6%), ACB (+2,4%), VIB (+2%).
Trong đó, lực cầu tăng mạnh về cuối phiên giúp VIB bật tăng gần 2% lên mức giá cao nhất trong phiên là 20.750 đồng/cp. Cùng với diễn biến giá, thanh khoản của VIB cũng cải thiện so với phiên hôm qua với 5,06 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn, giá trị gần 103 tỷ đồng. Với khối lượng giao dịch trên, VIB là một trong 8 mã có thanh khoản tốt nhất ngành ngân hàng.
Thanh khoản VIB có xu hướng tăng mạnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Kể từ phiên 30/11 đến nay, giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu này đạt khoảng 160 tỷ đồng/phiên, cao gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước.
Cùng với diễn biến giá, thanh khoản nhóm ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức khá với giá trị khớp lệnh đạt 2.455 tỷ đồng.
Trong đó, STB vẫn là mã hút tiền mạnh nhất khi có gần 26 triệu cổ phiếu được mua – bán khớp lệnh trực tiếp, giá trị 569 tỷ đồng. Đứng kế sau STB, lần lượt là SHB và VPB với khối lượng giao dịch đạt lần lượt hơn 21,2 triệu cổ phiếu và 18 triệu cổ phiếu.
Diễn biến tích cực tại nhóm ngân hàng trong khoảng 2 tuần gần đây xuất hiện sau nhịp giảm sâu hồi tháng 9 và tháng 10, đưa nhiều mã về vùng giá hấp dẫn.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán VnDirect cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, và ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử 1,0 lần P/B năm 2023 đang mở ra một cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. Với bối cảnh hiện tại, nhóm phân tích này ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động.
Tuy nhiên, VnDirect cũng lo ngại về khả năng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) bị thu hẹp do chi phí huy động tăng. Nhóm phân tích dự báo chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh trong năm 2023, và lợi suất tài sản (asset yield) khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng.
Theo VnDirect, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong danh sách nghiên cứu của VnDirect lần lượt ở mức 87% và 64%.
Trên phương diện CASA, Techcombank, MB và Vietcombank là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Trong khi Vietcombank đặc biệt gây ấn tượng khi đã là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm, với động lực chính đến từ chính sách “zero-fee” ngân hàng đã triển khai từ đầu năm nay.