Nội dung chính:
- NISA - tài khoản đầu tư miễn thuế dành cho người dân Nhật Bản sẽ được nới rộng hạn mức từ tháng 1/2024 - với mục đích thu hút thêm nguồn tiền vào thị trường chứng khoán.
- Chủ trương này nằm trong kế hoạch hiện thực hóa Chủ nghĩa tư bản mới do Thủ tướng Nhật khởi xướng từ năm 2021.
Chính phủ Nhật Bản đang hướng khoản đầu tư từ NISA sang các tài sản mạo hiểm hơn như cổ phiếu, thay vì chỉ tập trung vào quỹ hoán đổi danh mục (ETF), quỹ tín thác bất động sản (REIT) và quỹ tương hỗ. Chủ trương này nằm trong kế hoạch hiện thực hóa “Chủ nghĩa tư bản mới” của Thủ tướng Fumio Kishida - giúp tài sản người dân có thể tích lũy tốt hơn, sinh lợi nhiều hơn.
NISA - tài khoản tiết kiệm cá nhân tại Nhật Bản - là một loại tài sản đầu tư miễn thuế của Chính phủ nước này dành cho công dân.
Nhật Bản ra mắt chương trình NISA vào năm 2014, học hỏi hệ thống Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân (ISA) của Anh.
Có hai loại tài khoản NISA: NISA thông thường và Tsumiate NISA.
Danh mục của tài khoản NISA thông thường có thể bao gồm cổ phiếu trong và ngoài nước cũng như các ETF, REIT và quỹ tương hỗ. Trong khi Tsumitate NISA chỉ cho phép người dân ủy thác vào quỹ tương hỗ để đầu tư dài hạn.
Hiện tại, các cá nhân có thể đầu tư lên tới 1,2 triệu yên (8.020 USD) mỗi năm vào tài khoản NISA thông thường hoặc lên tới 400.000 yên vào tài khoản Tsumitate. Lợi nhuận từ những khoản đầu tư này sẽ được miễn thuế lãi vốn (capital gain tax) 20%. Việc miễn thuế có hiệu lực trong 5 năm đối với NISA thông thường và 20 năm đối với NISA Tsumitate.
NISA sắp thay đổi như thế nào?
Từ tháng 1/2024, NISA thông thường và Tsumitate NISA sẽ có sự thay đổi. Hạn ngạch đầu tư hàng năm cho các tài khoản NISA sẽ tăng lên 3,6 triệu yên, trong đó hạn ngạch với tài khoản NISA thông thường tăng gấp đôi, lên 2,4 triệu yên.
Mỗi cá nhân sẽ được đầu tư 18 triệu yên với NISA, và được miễn thuế vĩnh viễn.
Tại sao lại có sự thay đổi này?
Trong một xã hội đang già đi, nơi hơn một nửa tài sản tài chính của hộ gia đình ở Nhật Bản được tích trữ dưới dạng tiền mặt. Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập của hộ gia đình từ các khoản đầu tư và giúp người dân giảm sự phụ thuộc vào quỹ hưu trí công.
Các hộ gia đình tại Nhật Bản nắm giữ tới hơn 1.000 tỷ yên tiền mặt.
Theo Ngân hàng Nhật Bản, các hộ gia đình Nhật Bản nắm giữ tới 2.115 nghìn tỷ yên tài sản tài chính tính đến tháng 6, tăng 4,6% so với một năm trước đó. Hơn một nửa là tiền mặt.
Ai đầu tư vào NISA?
Theo Cơ quan dịch vụ Tài chính Nhật Bản (Financial Services Agency - FSA), tính đến tháng 6 năm nay, số lượng tài khoản NISA đạt 19,4 triệu. Con số này là 7,27 triệu vào tháng 6 năm 2014.
Trong tổng số tài khoản, người ở độ tuổi 40 chiếm 18,9%, người ở độ tuổi 50 chiếm 18%. Những người ở độ tuổi 80 chiếm 6,7% trong tổng số.
Chủ sở hữu tài khoản NISA đang đầu tư gì?
Theo FSA, tính từ năm 2014 đến tháng 6 năm nay, các chủ tài khoản NISA đã chi 32,8 nghìn tỷ yên để mua cổ phiếu và các sản phẩm tài chính khác. Chỉ riêng trong năm nay, họ đã chi 2,7 nghìn tỷ yên.
Các sản phẩm phổ biến nhất là quỹ tín thác đầu tư, với giá trị cho đến nay là 19 nghìn tỷ yên, tương đương 58,8% tổng giá trị đầu tư, tiếp theo là cổ phiếu riêng lẻ trị giá 12,4 nghìn tỷ yên, tương đương 38%. Nhà đầu tư đã chi 793 tỷ yên vào quỹ ETF và 239 tỷ yên vào REIT.
Hầu hết các ước tính của các nhà phân tích cho thấy số tiền này chủ yếu chảy vào các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ và các cổ phiếu riêng lẻ của Mỹ.
Theo Reuters