Nhanh như một cơn gió: Trung Quốc tuyên bố sắp ra mắt 'ChatGPT made in China', tích hợp thẳng vào dịch vụ tìm kiếm có hàng trăm triệu người dùng/ngày

Mộc Tiên | 09:32 31/01/2023

Trên thực tế các ứng dụng nổi tiếng như Facebook, Google, Amazon đều có "phiên bản tương tự" tại Trung Quốc.

Nhanh như một cơn gió: Trung Quốc tuyên bố sắp ra mắt 'ChatGPT made in China', tích hợp thẳng vào dịch vụ tìm kiếm có hàng trăm triệu người dùng/ngày

ChatGPT đang là cái tên đang rất được chú ý trên thế giới trong thời gian này. Đây là một chatbot do công ty OpenAI phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT đã thể hiện khả năng trả lời đầy đủ các câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, sáng tác thơ, soạn thảo văn bản pháp lý, viết mã hay thiết kế. Thậm chí, nhiều người đã dùng công cụ này để làm những việc trên, khiến nó ngày càng thông minh hơn.

Trong bối cảnh đó, mới đây, theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg, tháng 3 tới, gã khổng lồ công nghệ Baidu của Trung Quốc sẽ ra mắt phiên bản chatbot ứng dụng thuật toán machine learning vận hành y hệt ChatGPT. Nguồn tin cho biết công cụ này vẫn chưa có tên chính thức và khi ra mắt, nó sẽ được tích hợp thẳng vào dịch vụ tìm kiếm trực tuyến của Baidu.

Thời điểm hiện tại, nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã và đang đầu tư rất nhiều tiền để phát triển các công cụ AI tương tự. Tuy nhiên, xét về quy mô của Baidu với ố lượng người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 9/2022 là 634 triệu, sự tham gia của gã khổng lồ này cho thấy đây là thời điểm mang tính bước ngoặt trong một lĩnh vực có tiềm năng to lớn để chuyển đổi nhiều ngành công nghiệp.

china-based-baidu-likely-launch-a-chatgpt-replica-bot-in-march.jpg
Ảnh: Internet.

Theo Bloomberg, Baidu đã đầu tư một khoản tiền lớn vào việc phát triển hệ thống Ernie của mình - công cụ AI mà họ đã nghiên cứu trong vài năm. Đây sẽ là nền tảng cho phiên bản tương tự ChatGPT sắp tới của Baidu.

Theo Digital Trends, ChatGPT đã đưa công nghệ chatbot lên một tầm cao mới. Công cụ này đã được đào tạo bằng cách sử dụng lượng dữ liệu web khổng lồ và sử dụng dữ liệu này để tạo phản hồi cho câu hỏi của người dùng. Theo một báo cáo, ChatGPT đã khiến ban điều hành của Google tuyên bố tình trạng báo động đỏ cho hoạt động kinh doanh tìm kiếm của mình.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng ChatGPT được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để một ngày nào đó có thể thay thế luật sư, giáo viên, nhà văn... Nó thậm chí có thể viết mã và trở thành mối đe dọa với các lập trình viên.

Các công cụ AI tương tự cũng đang đe dọa phá vỡ các ngành công nghiệp sáng tạo, với việc các nghệ sĩ ngày càng lo ngại về các trình biến văn bản thành hình ảnh và văn bản thành video.

Ngày 23/1 vừa qua, Microsoft đã quyết định đầu tư thêm hàng tỷ USD vào OpenAI. Theo Bloomberg, khoản tiền này có thể lên tới 10 tỷ USD và sẽ được Microsoft phân bổ trong nhiều năm, bao gồm việc phát triển siêu máy tính và hỗ trợ điện toán đám mây. Đồng thời, Microsoft cũng lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing để tăng tính cạnh tranh với Google Search.

Không kém cạnh, công ty mẹ của Google là Alphabet cũng đang đầu tư mạnh để phát triển các hệ thống tương tự vì lo ngại Microsoft có thể sử dụng ChatGPT để tăng lợi thế cho công cụ tìm kiếm Bing – việc có khả năng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập chính của Google.

Tuy nhiên, CEO của Google - Sundar Pichai từng nói với các nhân viên rằng mặc dù Google có các khả năng tương tự như ChatGPT nhưng công ty vẫn chưa cam kết đưa ra các phản hồi tìm kiếm do AI tạo ra vì nguy cơ cung cấp thông tin không chính xác - điều có thể gây bất lợi cho Google về lâu dài.

Và với việc gã khổng lồ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc gia nhập cuộc chơi, tiềm năng cho mảng này được đánh giá là sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới.

Nguồn: Digital Trends


(0) Bình luận
Nhanh như một cơn gió: Trung Quốc tuyên bố sắp ra mắt 'ChatGPT made in China', tích hợp thẳng vào dịch vụ tìm kiếm có hàng trăm triệu người dùng/ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO