Marc Bernays Randolph là một doanh nhân công nghệ, cố vấn, diễn giả và người ủng hộ môi trường của Mỹ. Ông là người đồng sáng lập và CEO đầu tiên của Netflix - ứng dụng xem phim trực tuyến được yêu thích trên tivi, laptop với kho phim khổng lồ và hấp dẫn mọi lứa tuổi.
Chàng trai trẻ nảy ra ý tưởng nhờ nhịn đói
Khi vừa tốt nghiệp đại học, Randolph đã tham gia một nhóm điều hành các hoạt động ở vùng hoang dã dành cho những thanh niên đam mê khám phá. Trước khi chương trình bắt đầu, mỗi người phải vượt qua một thử thách nhất định. Thử thách của Randolph là bị "thả" ở Hartford (Connecticut), không có tiền, giấy tờ tùy thân, điện thoại với yêu cầu sống sót trong ba ngày.
Sau khi nhịn đói trong ngày đầu tiên, ông buộc phải xin tiền những người đi đường để mua đồ ăn. Điều này đã dạy cho ông bài học quan trọng mà sau này ông áp dụng trong quá trình kinh doanh: Nếu muốn thứ gì đó, hãy nói ra.
"Khi là doanh nhân, bạn cần yêu cầu, đề nghị rất nhiều. Không phải lúc nào yêu cầu của bạn cũng được đáp ứng. Nhưng khi đã lang thang trên đường phố để xin 25 xu, việc đề nghị ai đó đầu tư 25.000 USD sẽ không khó khăn như bạn nghĩ".
Marc Bernays Randolph. Ảnh: Gentlemant's Journal
Nhân viên bất động sản 8 tháng không bán được nhà
Randolph cho biết ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, ông khởi nghiệp thất bại với vai trò là một nhà môi giới bất động sản.
Chia sẻ trên blog của mình, Randolph viết: "Khi tôi 23 tuổi, tôi có thể coi là đại lý bất động sản tệ nhất ở New York. Tôi lúc đó đang làm việc cho công ty của mẹ ở Chappaqua, và không một ai liên hệ với tôi để mua nhà. Trong vòng tám tháng, tôi không bán được căn nhà nào. Khi đó tôi đang thuê một căn hộ để sống".
Sau đó, Randolph trở thành trợ lý điều hành cho CEO của một công ty âm nhạc. Ông chia sẻ, mặc dù đây không phải là công việc tốt nhất, "nhưng tôi đã học được hàng ngàn thứ mỗi ngày từ nó: CEO sẽ làm những gì trong giờ làm việc, và sau giờ làm việc đến khi thực sự về nhà thì anh ấy sẽ làm gì. Tôi đã được tận mắt thấy cách một CEO giỏi sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các công việc như thế nào, hay cách anh ấy quản lý nhân viên của mình ra sao. Và quan trọng nhất là tôi đã thấy một công ty thực sự hoạt động như thế nào, ở mọi cấp độ". Những điều này là kinh nghiệm quý giá khi Randolph bắt đầu xây dựng Netflix ở tuổi 39 vào năm 1997 và điều hành công ty cho đến năm 2003.
Bên cạnh việc tuân theo các quy tắc của cha mình để thành công, Randolph khuyên những người trẻ nên tìm tòi và học hỏi từ những người thông minh.
Ông cho biết: "Nếu bạn học hỏi nghề nghiệp từ những người thông minh nhất, những người mà coi trọng bạn, thì bạn sẽ học được mọi thứ. Bạn có thể học ngôn ngữ đặc biệt của họ, bạn sẽ thấy người giỏi thì làm những gì. Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi phát hiện ra những sở thích của chính mình, chúng sẽ xuất hiện trong bạn. Và bạn sẽ có một vị trí tốt để tận dụng mọi cơ hội mà cuộc sống trao cho bản thân".
… Đến nhân vật dám chê công ty của Jeff Bezos như chuồng heo!
Mùa hè năm 1998, khi Netflix (lúc này là dịch vụ cho thuê phim qua thư) mới hoạt động được hai tháng, hai người sáng lập Reed Hastings và Marc Randolph nhận được một cuộc gọi từ Amazon.
"Jeff Bezos (người sáng lập, CEO của Amazon) muốn gặp chúng tôi", Randolph chia sẻ với CNBC.
Randolph, khi đó là CEO của Netflix, nhớ lại rằng ông và Hastings, đã vô cùng hào hứng khi được gặp nhà sáng lập Amazon, người đã phát triển startup bán sách trực tuyến của mình trở thành một trang thương mại điện tử lớn.
Lúc này, Amazon cũng mới hoạt động được 4 năm. Một năm sau đó (năm 1997), công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động được 54 triệu USD. Dưới áp lực của các nhà đầu tư, Bezos tích cực tìm kiếm các cơ hội thâu tóm để mở rộng hoạt động của công ty.
Randolph và Hastings đồng ý bay tới Seattle để gặp ông chủ Amazon và đội ngũ của ông. Tuy nhiên, họ đã kinh ngạc trước những gì thấy được ở Amazon.
"Chúng tôi bước vào và phát hiện văn phòng đó đó như một cái chuồng heo", Randolph kể. "Căn phòng đó lèn chặt người. Bàn làm việc là các cánh cửa cũ - những cánh cửa cũ kỹ - đặt trên các thanh gỗ. Và Jeff ngồi trong một văn phòng với 4 người khác".
Randolph cho biết ông và Hastings không mất nhiều thời gian để biết được ý định thâu tóm Netflix của Amazon - động thái nhằm đưa công ty này bước chân vào thị trường video.
Sau cuộc gặp, đội ngũ của Bezos đề nghị mua lại Netflix với mức giá "đâu đó dưới 8 con số", tức khoảng 14 - 16 triệu USD, Randolph kể lại trong hồi ký. Cuối cùng, Randolph và Hastings quyết định "lịch sự" từ chối đề nghị của Amazon. Tuy nhiên, cuộc gặp với đội ngũ của Amazon đã thúc giục họ thoát ra khỏi việc chỉ bán đĩa DVD và thay vào đó bắt đầu cho thuê đĩa. Bởi vì họ biết rằng Amazon chắc chắn sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn trong lĩnh vực bán đĩa.
“Hãy theo đuổi ước mơ" là lời khuyên tồi nhất
Theo Marc Randolph, đồng sáng lập Netflix, "lời khuyên sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại" cũng có thể là lời khuyên tồi tệ nhất.
Tại buổi lễ tốt nghiệp gần đây của Cape Cod Community College, Randolph đã chia sẻ với lớp sinh viên khóa 2022 rằng, câu phát biểu phổ biến ở các lễ tốt nghiệp - "hãy theo đuổi ước mơ của bạn" đã trở thành "lời khuyên khủng khiếp".
Randolph, 64 tuổi, nói: "Bản thân lời khuyên không phải là xấu. Nhưng thật tệ vì tất cả những người có ý tốt bảo bạn hãy theo đuổi ước mơ của mình đều bỏ qua một thứ quan trọng. Họ không bao giờ nói cho bạn biết làm thế nào để theo đuổi điều đó".
Đồng sáng lập Netflix cho rằng không có gì sai khi theo đuổi đam mê hoặc sở thích của bạn, nhưng rất khó để kiếm tiền từ chúng nếu không biết cách thực hiện mục tiêu của mình. Lời khuyên của ông cho các sinh viên mới tốt nghiệp bao gồm những cụm từ như "không có gì gọi là ý tưởng hay". Về cơ bản nó có nghĩa là bạn không thể biết liệu điều gì đó là ý tưởng tốt hay xấu cho đến khi bạn thử - và "ngừng suy nghĩ, hãy bắt đầu làm".
Tổng hợp