Andy Cunningham là một doanh nhân tiếp thị và truyền thông chiến lược người Mỹ. Bà có đóng góp trong việc ra mắt chiếc máy tính cá nhân Macintosh đầu tiên của hãng Apple. Andy cũng là người sáng lập và là chủ tịch của Cunningham Collective, tác giả của cuốn sách: "Get to Aha!: Discover Your Positioning DNA and Dominate Your Competition."
Trong một buổi phỏng vấn chia sẻ với Business Insider vào năm 2017, cô đã chia sẻ về khoảng thời gian "khủng khiếp" khi làm việc với Steve Jobs.
Nhà lãnh đạo thẳng tay sa thải nhân viên
"Tôi nghĩ rằng Steve Jobs đã sa thải tôi khoảng 5 lần... Lần đó, Jobs đã gọi tôi vào văn phòng làm việc, và khi bước vào tôi mới biết ông đang họp với Giám đốc tài chính của công ty. Sau đó, Jobs nhìn tôi và nói: "Tôi sẽ cắt hợp đồng với cô, vì cô làm việc quá tệ. Tôi sẽ buộc phải sa thải cô ngay bây giờ".
Tất nhiên rồi, lúc đó tôi đã vô cùng tức giận. Tôi đã suýt không làm chủ được cảm xúc của mình và gần như bật khóc. Tôi thật sự không hiểu mình đã làm gì sai. Tuy nhiên, lúc đó, tôi đã nói với Steve rằng: "Anh biết là anh vẫn còn đang nợ tôi 35.000 USD (tiền lương)...".
Andy Cunningham. Ảnh: Internet
Ngay lập tức, Jobs đã đứng lên bỏ đi và trước đó không quên ném vào mặt tôi 1 câu rằng: "Tôi sẽ không trả tiền cho cô, bởi vì những gì cô đã làm cho công ty không xứng đáng với số tiền đó!".
Nghe xong câu nói trên, tôi gần như chết trân tại chỗ", bà Andy nhớ lại.
Ngay sau đó, nhờ mối quan hệ với CFO của Apple, bà đã thành công hẹn gặp được Steve Jobs thêm một lần nữa. Andy bước vào phòng họp và nói rằng: "Steve, ông nợ tôi 35.000 USD và tôi cần số tiền đó".
Một lần nữa, cựu Chủ tịch Apple trả lời: "Tôi sẽ không trả tiền cho cô".
...Và những "tật xấu" không phải ai cũng biết
Đây không phải lần duy nhất Steve Jobs cư xử tệ bạc với nhân viên. Bà Andy tiết lộ, ông rất hay tức giận với tất cả đồng nghiệp cũng như nhân viên trong công ty, không có khái niệm về sự kiên nhẫn. Jobs luôn đưa ra các tiêu chí để bạn phải hoàn thành cho bằng được. Nếu bạn không thực hiện được đúng kỳ hẹn, hoặc không làm đủ tốt, chắc chắn bạn sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ ông.
Steve thường đổ mọi trách nhiệm vào những người nhân viên khi họ không hoàn thành công việc được giao. Thậm chí ông có thể ném một đống giấy tờ trên bàn làm việc, la mắng, hoặc phàn nàn về trang phục đi làm của nhân viên.
Dù vậy, bà Andy và nhiều nhân viên khác bày tỏ bản thân mãi biết ơn Steve Jobs: "Chính nhờ ông mà tôi đã có được những thành công như ngày hôm nay".
Cùng quan điểm với Andy, Sachin Agarwal - một kỹ sư công nghệ lâu năm tại Apple - đã học và thấu hiểu phong cách quản lý của Steve Jobs. Anh thú nhận thời gian 6 năm là quá đủ để thấy được những khả năng lãnh đạo tuyệt vời của nhà sáng lập Apple. Vậy rốt cuộc, đâu là yếu tố khiến nhân viên ngưỡng mộ Steve Jobs.
Trọng dụng nhân tài: Làm vì đam mê, đừng vì tiền
Một trong những tiêu chuẩn cao nhất yêu cầu nhân viên Apple phải luôn luôn sáng tạo, làm việc chăm chỉ và luôn trong tư thế sẵn sàng. Theo những lời kể lại của nhân viên, những giá trị này được Steve Jobs hết sức đề cao và luôn tuân thủ nghiêm ngặt.
Từ những ngày Apple mới được hình thành, bản thân Steve Jobs đã quan niệm rằng công ty của mình phải được xây dựng để thành công. Khi đó, Apple đã mời hai nhà quản lí "chuyên nghiệp" về làm việc. Nhưng sau đó Jobs ngay lập tức cho họ nghỉ việc.
Ông bật mí lý do đằng sau là vì "Cách làm việc chẳng mấy hiệu quả. Họ biết cách quản lí nhưng lại chẳng biết làm một cái gì cả". Sau khi sa thải những chuyên gia hàng đầu, Jobs chia sẻ rằng ông tìm kiếm nhân tài bằng một tiêu chuẩn rất khác: Sự đam mê.
Cố CEO của Apple giải thích: "Chúng tôi cần những người thể hiện sự cuồng nhiệt của họ trong những điều họ đã làm, chúng tôi không cần những chuyên gia nửa mùa. Những người vốn dĩ đã có kĩ năng và họ có đam mê lẫn sự hiểu biết về sự phát triển của công nghệ, những điều họ có thể làm được với những công nghệ đó".
Jobs không quan tâm đến những thành tích ấn tượng trong CV, hoặc các ứng viên đã từng làm việc ở đâu. Ông chỉ muốn có được những người chuyên giải quyết các vấn đề với tất cả sự đam mê.
Lúc này Jobs mới giải thích rằng những nhân viên tuyệt vời không nhất thiết phải bị quản lí bởi ai đó. Nếu họ có đủ đam mê, thông minh lẫn động lực, họ hoàn toàn có thể tự quản lí chính mình. Và những gì họ thực sự cần biết đó chính là tầm nhìn của công ty.
Theo BusinessInsider, CNBC, Forbes