Thực tế, những nhà đầu tư cầm cố tài sản bất động sản tại ngân hàng đang khổ sở thời gian gần đây. Những sản phẩm giảm giá sâu mà môi giới rao bán đều đến từ các nhà đầu tư này. Tuy nhiên, người bán được, người rao mãi chưa ai mua đã khiến không ít nhà đầu tư chấp nhận vay ngoài để giải quyết phần lãi suất hàng tháng. Họ là những người bị động trong việc bán tài sản thu hồi vốn. Khả năng tiếp cận khoản vay ngân hàng khó, lãi suất cao đã khiến nhiều người gần như “tiến thoái lưỡng nan”.
Đây cũng là lý do khiến bất động sản ngộp giá xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Những nhà đầu tư vay ngân hàng, mua tài sản theo dạng lướt sóng từ thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 gần như hiện tại phải bán tháo, cắt lỗ sâu.
“Ngộp sâu lắm rồi!” “Kẹt quá rồi bán gấp” “giá rẻ như cho” “gấp gấp gấp lắm rồi!” “ngộp ngân hàng, bán lỗ luôn” “chủ ngộp”… là những cụm từ xuất hiện nhan nhãn và có xu hướng tăng mạnh trên các dòng trạng thái của môi giới bất động sản. Đáng nói, nếu quan sát kỹ, mức hạ giá bất động sản đang tăng dần đều theo thời gian rao bán.
Cụ thể, tại khu vực quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), có lô đất giảm giá đến 4 lần sau 4 đợt rao bán từ môi giới. Nghĩa là, chưa bán được, chủ nhà tiếp tục hạ giá với mong mỏi chốt sớm được giao dịch. Trường hợp như vậy, được xem là bán bằng mọi giá.
Tìm hiểu được biết, các nền đất giảm giá từ 400-800 triệu đồng/lô bán ra khá nhanh. Những nền giảm giá từ 100-300 triệu đồng thì giao dịch “lai rai”. Giải thích về điều này, một môi giới đất nền cho rằng, không phải vì nền đất đó không đẹp mà người mua chờ chủ đất giảm giá thêm mới “xuống tiền”. Có không ít trường hợp, người mua biết chủ đất cần tiền gấp nên vào “ép giá” hoặc liên tục thúc giục môi giới thoả thuận giá thấp hơn. Nếu chủ nhà “cứng”, người mua có xu hướng tìm nền khác.
Nhiều người mua cho rằng, sau một thời gian khó bán, chủ đất/nhà chắc chắn sẽ hạ giá thêm để thu dòng tiền. Điều này một phần xuất phát từ việc nguồn hàng ngộp trên thị trường bán ra đang khá nhiều. Sản phẩm bán nhiều hơn người đi mua.
Anh Vĩnh, một môi giới tự do khu Đông Tp.HCM cho biết, các nền đất giảm giá từ 100 -300 triệu đồng/nền chủ đất gửi, hiện khó bán ra. Người mua gần như xuống tiền với các bất động sản giảm giá sâu. Đã có những trường hợp nhà đầu tư cần tài chính gấp để giải quyết công việc như đáo hạn, trả lãi ngân hàng, gồng các tài sản khác…nhưng vì tiếc sản phẩm nên chỉ giảm 100-200 triệu đồng/lô. Nếu cách đây vài tháng, mức giảm này được xem là đáng kể thì hiện tại “không thấm vào đâu” so với các nền khác. Có vài trường hợp giảm tiền tỉ cho nhà đất để ra được hàng. Điều này có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường đất nền phía Nam.
Đáng nói, việc rao bán cắt lỗ không chỉ diễn ra ở đất nền mà ở cả nhà phố dân dụng, dãy nhà trọ, biệt thự dự án… khiến thị trường bất động sản đang chứng kiến những biến động chưa từng xuất hiện trong vòng 5-6 năm trở lại đây. Ngay cả thời điểm Covid -19 hành hoành, hiện tượng giảm giá sâu trên thị trường bất động sản cũng không diễn ra như hiện tại.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, thị trường đất nền Tp.HCM và một số khu vực lân cận ấm dần đến từ giao dịch hàng ngộp, giảm giá sâu. Nếu nhìn ở góc nhìn lạc quan, điều này là tốt khi suốt thời gian dài, nhà đầu tư chọn cách quan sát, không “xuống tiền”. Hiện tại, họ có xu hướng gom hàng ngộp, sẵn sàng mua vào đợi thị trường. Nhiều môi giới đã quay trở lại thị trường, tìm kiếm cơ hội từ các giao dịch ngộp. Nhà đầu tư muốn thu dòng tiền để giải quyết công việc cũng đã bán được.
Tuy nhiên, việc buôn bán chỉ diễn ra ở các sản phẩm ngộp sâu cũng khiến nhiều người sở hữu bất động sản “chạnh lòng” vì giá xuống quá nhanh. Việc giảm giá từ 400 triệu cho đến cả tỉ đồng/nền đất hay căn nhà khiến nhiều người sốc. Họ cho rằng, việc giá biến động lên – xuống mạnh thời qua đã ảnh hưởng đến giá trị bất động sản sở hữu. Nhiều người tỏ ra lo lắng khi khi hai năm trước mua nền đất giá gần 3 tỉ đồng, hiện chứng kiến giá giảm sâu còn 2-2.3 tỉ đồng/nền, mất đi hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng trong khoảng thời gian ngắn.
Báo cáo về thị trường đất nền mới đây của DKRA Group đã chỉ ra, với tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lãi suất vay đang ở mức cao, những vướng mắc pháp lý đang được tháo gỡ, thị trường đất nền sẽ khó có những đột biến trong ngắn hạn.