Nhận diện sai phạm trong hoạt động thẩm định giá

Linh Khang | 23:00 21/12/2021

“Không có tội danh hình sự nào về thẩm định giá. Nhìn lại những vụ án liên quan đến thẩm định giá thời gian qua cho thấy các thẩm định viên về giá bị khởi tố liên quan đến các tội đồng phạm, giúp sức cho sai phạm…”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Nhận diện sai phạm trong hoạt động thẩm định giá
Thẩm định viên Hoàng Thị Tâm, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thẩm định giá Toàn Cầu (Hà Nội) bị khởi tố trong vụ án: "Nâng khống thiết bị y tế ở Hà Tĩnh".

Trước tình hình phát sinh những sai phạm liên quan đến hoạt động thẩm định giá thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động thẩm định giá.

Công văn của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhấn mạnh, Bộ Tài chính cần chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát ngay đối với các doanh nghiệp thẩm định giá để đánh giá lại năng lực, điều kiện kinh doanh hoạt động thẩm định giá.

Kịp thời đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp không đủ năng lực, điều kiện hoặc có vi phạm trong hoạt động thẩm định giá.

Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để ban hành văn bản quy định hoạt động thẩm định giá bắt buộc của cơ quan Nhà nước đối với những gói mua sắm tài sản công có quy mô lớn và sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Theo đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, trong thời gian qua cơ quan tố tụng đã khởi tố 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá.

Cụ thể, các vụ án đều được truy tố 1 trong 3 tội danh là: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó chủ yếu là đồng phạm cùng tội danh; “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chiếm tới 8 trong tổng số 11 vụ án.

Theo cục Quản lý giá, các sai phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật đôi khi còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Thông tin về thị trường tài sản, hàng hóa, dịch vụ còn hạn chế, ít công khai và minh bạch. Khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin về tài sản thẩm định giá chưa trung thực và đầy đủ. Việc đấu thầu, đấu giá chưa thực sự minh bạch, nảy sinh tiêu cực.

Còn về nguyên nhân chủ quan là do bắt nguồn từ những vi phạm đạo đức nghề thẩm định giá, xuất hiện tình trạng móc ngoặc, câu kết. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá dịch vụ sau đó cắt giảm chi phí thực hiện. Có sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật về thẩm định giá, trong đó chủ yếu là sai phạm ở các bước thu thập và phân tích thông tin.

Cũng theo Cục Quản lý giá, những năm vừa qua Bộ Tài chính đã xử phạt vi phạm hành chính 33 doanh nghiệp thẩm định giá.

Ngoài ra, năm 2019 đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá với 16 doanh nghiệp. Năm 2020 con số thu hồi là 18 doanh nghiệp và 11 tháng đầu năm 2021 thu hồi với 13 doanh nghiệp thẩm định giá.

Liên quan đến đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, năm 2019 Bộ Tài chính đã đình chỉ 12 doanh nghiệp, năm 2020 đình chỉ 3 doanh nghiệp và 11 tháng năm 2021 đình chỉ 6 doanh nghiệp thẩm định giá.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh, các doanh nghiệp thẩm định giá cũng như các thẩm định viên về giá phải bám sát 3 vấn đề: Độc lập – Khách quan – Đúng tiêu chuẩn, đúng luật.

“Nếu không đủ thông tin thì từ chối thực hiện thẩm định giá, sao cứ phải lấy thông tin từ chủ đầu tư, từ khách hàng thẩm định giá đưa?. Việc cố tình làm khi không đủ thông tin là vi phạm”, ông Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi?.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong năm 2022 Bộ Tài chính sẽ xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định giá gồm: Soát lại các tiêu chuẩn về thẩm định giá; Thực hiện trích phần thu thập thông tin trong quy trình các bước thẩm định giá ra thành tiêu chuẩn riêng. Theo đó sẽ phân loại tài sản ra thành các tiêu chuẩn, phương pháp định giá khác nhau; Xây dựng tiêu chuẩn về thẩm định giá các khoản nợ.

“Để tránh các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá, các doanh nghiệp thẩm định giá phải tự đào tạo cán bộ của mình, nâng cao hiểu biết về pháp luật… Các thẩm định viên về giá bị khởi tố hình sự từ trước đến nay là do đồng phạm, không phải do pháp luật…”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhận diện sai phạm trong hoạt động thẩm định giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO