Mới đây, trong một sự kiện tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã có bài phát biểu quan trọng.
Theo tường thuật của tờ The Nation, Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành công nghiệp tương lai, đặc biệt là chất bán dẫn, và nhấn mạnh nhu cầu thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực này để củng cố kinh tế của Thái Lan.
"Chúng ta phải cân nhắc đến chi phí và năng lượng để duy trì khả năng cạnh tranh. Nếu chi phí của chúng ta có tính cạnh tranh, chúng ta sẽ không bị bất lợi so với các quốc gia khác. Về năng lượng sạch, chúng ta cần tìm ra cách để các ngành công nghiệp tương lai của chúng ta thân thiện với môi trường, tránh làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu. Chúng ta phải hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các hoạt động bền vững, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050", bà cho biết.
“Về khoản đầu tư của Google vào Thái Lan, chúng ta phải đảm bảo họ đào tạo nhân viên của chúng ta để trao quyền cho người lao động Thái Lan, vì vậy chúng ta không cần phải phụ thuộc vào lao động nước ngoài cho các công ty hàng đầu”, Thủ tướng Thái Lan nói thêm.
Nhu cầu cấp bách là phát triển con người
Câu chuyện nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Thái Lan là vấn đề nhức nhối. Tờ Thailand Business News dẫn báo cáo của Ngân hàng SCB (Thái Lan) cho biết thị trường lao động ở Thái Lan cho thấy những điểm yếu về mặt cơ cấu, bao gồm năng suất lao động phục hồi chậm, chuyển dịch sang công việc đòi hỏi kỹ năng thấp và tiền lương giảm.
Trước đó, việc Nvidia chọn Việt Nam đầu tư với lý do nguồn nhân lực cũng đang khiến các nhà kinh tế Thái Lan chú ý. Jensen Huang đã “quyết định đầu tư thật sự vào Việt Nam vì ông nhận thấy tiềm năng của sinh viên Việt Nam, những người tài năng trong lĩnh vực AI và kỹ sư STEM. Đây là một minh chứng phản ánh thực tế đau lòng mà chúng ta (người Thái Lan - PV) phải đối mặt”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Aksornsri Phanishsarn, Khoa Kinh tế thuộc ĐH Thammasat - Thái Lan, phân tích trong một hội nghị hồi tháng 1 năm nay.
Bà nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách của Thái Lan hiện nay là phải tập trung phát triển "con người" và nguồn nhân lực một cách nghiêm túc.
“Việt Nam có rất nhiều nhân tài, với hơn 50.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm”, Tổng Giám đốc Howard Silby của NAB Innovation Centre Vietnam trả lời Tuổi Trẻ hồi tháng 5/2024. “Điều chúng tôi thấy tại Việt Nam là đối với các kỹ sư công nghệ trẻ mới tốt nghiệp, thật đáng kinh ngạc là họ có thể học các bộ kỹ năng mới rất nhanh khi bước vào môi trường làm việc này”.
Theo chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh.
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.