Chính phủ vừa ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025. Trong danh sách 141 doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn trong giai đoạn 2022 – 2025 có 35 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đã liệt kê ra thông tin những doanh nghiệp thuộc danh sách và lưu ý về những cái tên tiềm năng.
Cụ thể, Tổng Công ty Viglacera -CTCP (mã chứng khoán: VGC) là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Hàng năm doanh nghiệp xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia với kim ngạch đạt 35 triệu USD. Các sản phẩm vật liệu xây dựng chính của công ty gồm: kính xây dựng; sứ vệ sinh; gạch ốp lát; đất nung.
Bên cạnh đó, công ty đã và đang triển khai 1.327 ha diện tích khu công nghiệp và dịch vụ, gồm 4 khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh và khu công nghiệp Phú Hà ở Phú Thọ. Ở mảng nhà ở thu nhập thấp, VGC tiên phong chuyển đổi dự án và là đơn vị đầu tiên được hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ
Vốn điều lệ đạt 4.484 tỷ đồng, kế hoạch thoái vốn Nhà nước 1.729,9 tỷ đồng tương đương 38,58% vốn cổ phần và thực hiện trong năm 2023 tới đây. Sau khi thoái vốn thì Nhà nước sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phần nào của VGC. Agriseco cho rằng VGC là mã cổ phiếu tiềm năng có thể hưởng lợi từ hoạt động thoái vốn trên.
Chốt phiên 8/12, thị giá VGC đạt 40.000 đồng/cp, giảm gần 20% so với thời điểm đầu năm 2022.
Bên cạnh đó,Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (mã chứng khoán: DBD) cũng được Agriseco đánh giá khả quan với việc Nhà nước sẽ thoái 76,8 tỷ đồng tương đương 13,34% vốn điều lệ, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2024-2025. Hiện vốn của DBD đạt 576 tỷ đồng. Được biết, DBD là doanh nghiệp dược trong nước đầu tiên nghiên cứu và sản xuất Thuốc kháng sinh tiêm, Dung dịch tiêm truyền kháng sinh, Vitamin, Acidamin và Thuốc điều trị bệnh Ung thư. DBD đang vận hành 01 nhà máy sản xuất thuốc với 07 xưởng sản xuất, bao gồm 12 dây chuyền công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-WHO, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và đã sản xuất gần 400 sản phẩm dược được Bộ Y Tế cấp số đăng ký cho phép kinh doanh và lưu hành. Ngoài ra, DBD cung cấp hơn 3.000 mặt hàng vật tư y tế tiêu hao trên cả nước, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu độc quyền như găng tay Bidiphar Gloves, máy đo huyết áp ALPK,...
Chốt phiên 8/12, thị giá DBD đạt 36.000 đồng/cp, tương ứng giảm gần 10% so với hồi đầu năm 2022.
Một mã cổ phiếu luôn xuất hiện trong danh sách những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề độc lạ trên sàn là Công ty Cổ phần Mai táng Hải Phòng (mã chứng khoán: CPH) cũng có tên trong nhóm DNNN sẽ thoái vốn trong thời gian tới đây. Toàn bộ 64,5% vốn điều lệ (28,4 tỷ đồng) trên tổng số VĐL 44 tỷ đồng sẽ được Nhà nước thoái vốn, dự kiến ngay trong giai đoạn 2022-2023 này. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của CPH đạt 137 tỷ đồng và LNST cả năm 2021 đạt 9 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, CPH là đơn vị duy nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng cung cấp dịch vụ mai táng, hỏa táng, quản lý chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang Ninh Hải và Nghĩa trang Phi Liệt. Đây là điều kiện thuận lợi để Công ty mở rộng và phát triển hoạt động của mình. Agriseco nhận định CPH sẽ có triển vọng tích cực từ hoạt động thoái vốn của Nhà nước, thúc đẩy giá cổ phiếu bứt phá.
Cổ phiếu CPH không hề ghi nhận giao dịch kể từ khi lên sàn UPCoM tháng 2/2017 tới hiện tại, thị giá đứng yên tại mức 300 đồng/cp.
Ngoài những cái tên kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ hoạt động thoái vốn Nhà nước, Agriseco Research cũng liệt kê toàn bộ doanh nghiệp có tên trong kế hoạch thoái vốn. Có thể kể tới như Truyền hình Cáp Việt Nam (mã CAB), Nhà nước dự kiến thoái 47,55% vốn và còn nắm giữ sau đó là 51% vốn điều lệ; Giầy Thượng Đình (mã GTD) sẽ được Nhà nước thoái toàn bộ gần 67% vốn trong giai đoạn 2024-2025; Công trình đô thị Vũng Tàu (mã MTV) dự kiến trong 2022-2023 Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 65% vốn, tương ứng hơn 35 tỷ đồng.