Trương Anh Ngọc là một nhà báo, phóng viên, bình luận viên bóng đá nổi tiếng. Niềm đam mê với bóng đá, khao khát xê dịch để tìm những chất liệu cho bài báo đã đưa anh đến với nhiều quốc gia để đưa tin về những giải đấu lớn. Năm 2010, anh Trương Anh Ngọc trở thành nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia được tạp chí France Football mời tham gia bình chọn danh hiệu Quả bóng vàng. Tính đến nay, anh đã đặt chân đến 5 châu lục, 90 đất nước trên thế giới.
Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với nhà báo Trương Anh Ngọc, lắng nghe về hành trình theo đuổi nghề báo và những chuyến đi thú vị của anh.
Những câu chuyện tuổi thơ luôn góp phần quan trọng đối với cuộc đời của mỗi người. Nhà báo Trương Anh Ngọc từng có một tuổi thơ như thế nào, thưa anh?
Đó là một tuổi thơ thú vị, hấp dẫn, cũng rất hỗn độn nhưng có lúc lại rất nhàm chán. Hồi nhỏ tôi không có nhiều bạn, suốt ngày loanh quanh ở nhà đọc sách và làm bạn với chúng. Vì ở trong nhà nhiều, đọc sách nhiều nên tôi hơi nhút nhát, không được mạnh mẽ như những cậu bé khác.
Ngày ấy, tôi đọc rất nhiều sách liên quan đến các địa điểm trên thế giới. Tôi cảm thấy rằng thành phố này rồi đến một lúc đã quá bé, mình phải đi ra khỏi thành phố này. Lớn lên thì nghĩ mình phải đi khám phá ngoài đất nước, đi xa hơn nữa, khám phá nhiều nơi khác. Bước ngoặt lớn đối với tôi là hồi năm tôi lớp 4,5, bác tôi cho tôi tấm bản đồ hàng hải thế giới. Nhờ tấm bản đồ mà định hình của tôi về thế giới nó rất rõ ràng từ khi tôi còn nhỏ. Tôi có thể biết rằng nước này nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, đóng đinh trong đầu mình rằng mình nhất định phải đi. Và khi trưởng thành, tôi đã đặt chân tới 5 Châu thật.
Cơ duyên nào đưa anh với nghề báo? Điều gì khiến anh quyết định trở thành một nhà báo?
Tôi đến với nghề báo chắc có lẽ là do gen từ bố. Bố tôi từng làm phóng viên ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Sau đó, bố tôi làm nhiều thứ liên quan đến công việc báo chí. Hồi còn nhỏ, tôi là người mơ mộng, đọc những bài báo mà bố lưu lại trên chiến trường, xem những bộ phim, đọc những cuốn sách liên quan đến nghề báo, cảm giác ngày xưa của tôi về nghề báo rất hùng hồn, lãng mạn.
Khi nói chuyện với bố về nghề báo, cộng thêm hồi đấy tôi thừa hưởng gen văn của bố và gen ngoại ngữ của mẹ, cộng với óc tưởng tượng từ những cuốn tiểu thuyết, bộ phim từng đọc, từng xem, tôi quyết định vào nghề báo.
Đã gắn bó với nghề báo nhiều năm, anh nghĩ, nghề báo đã dạy anh những điều gì?
Khi bươn chải, kiếm sống bằng nghề báo, tôi thấy nghề báo dạy cho mình rất nhiều điều hay. Nghề báo cho tôi phương pháp quan sát, thu thập thông tin, biên tập thông tin, cái gì cần lấy cái gì không, giúp tôi nhìn nhận tất cả mọi thứ một cách rất rõ ràng. Nghề báo dạy tôi không được phán xét, mình chỉ là người đưa ra thông tin, còn kết luận là để độc giả nhìn nhận.
Nghề báo dạy tôi cần phải sống nhẹ nhàng và bao dung. Càng viết nhiều, đi nhiều, càng phải bao dung. Tôi nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng, không bao giờ được kết luận vội vàng và không cho mình quyền phán xét. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn luôn như vậy.
Các cuốn sách du ký của rất nhiều nhà văn lớn trên thế giới góp phần định hình phong cách của tôi về sau này, đó là đi và viết. Tôi viết phóng sự dạng ghi chép, giao thoa giữa văn học và báo chí. Báo chí cho tôi quan sát và các phương pháp, tư duy, lập luận làm thế nào để bảo vệ mình khỏi những nơi khó khăn, sinh tồn trong nhiều hoàn cảnh. Văn học tạo cho tôi phong cách du ký, các chuyến đi. Tôi lồng ghép câu chuyện lịch sử về con người, về văn hóa cộng thêm cái tôi thành những bài báo như vậy.
Anh nghĩ như thế nào về những khó khăn, vất vả của nghề báo?
Nhiều người đọc bài viết của tôi và nhận xét rằng đầy năng lượng, nhiều kiến thức về thế giới. Để có được điều ấy không phải lúc nào tôi cũng thế hiện cho mọi người thấy quá trình vất vả như thế nào. Thường thì khi nói chuyện với các nhà báo trẻ về vất vả và khó khăn trên hành trình tác nghiệp, tôi luôn hỏi các bạn trẻ khi làm báo rằng: “Các bạn nghĩ kỹ chưa? Nếu các bạn nghĩ kỹ rồi thì các bạn phải đi tiếp không được ngã lòng còn không thì các bạn vẫn còn thời gian để nghĩ lại”.
Việc bạn ngồi ở nhà xem tivi, đọc báo rồi nghĩ ra một bài báo bình luận về sự việc đó thì quá đơn giản. Để được tác nghiệp ở nơi mà tivi đang quay thì bạn phải trang bị khối lượng kiến thức và thể lực cực lớn. Nghề báo là một nghề khó khăn và vất vả. Nếu không trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về cuộc sống, chuẩn bị thể lực tốt, mọi người sẽ trở thành những máy nói điều mà không hề biết.
Là một nhà báo nhưng mọi người thường biết đến anh với vai trò là BLV bóng đá nhiều hơn. Anh đến với công việc BLV như thế nào?
Đây là một cơ duyên. Tôi cũng đam mê bóng đá nhưng cho đến bây giờ tôi xem công việc này như bước đầu để bắt đầu sự nghiệp. Tôi được đào tạo là một phóng viên, nhà báo. Sau này tôi kết hợp giữa bóng đá và một nhà báo có vốn sống lớn về văn học, lịch sử, khi bình luận tôi cũng đưa câu chuyện văn hóa, lịch sử vào.
Thường xuyên đi công tác các giải đấu lớn nhưng mảng chính của tôi là bên lề câu chuyện bóng đá. Mọi người biết đến tôi với vai trò BLV rất nhiều. Một số người vẫn nghĩ tôi là BLV nhưng thực ra tôi là nhà báo. Tôi muốn mọi người biết đến tôi với tư cách một nhà báo hơn một người lữ hành. Nhưng chính công việc này cũng thúc đẩy tôi đi. Ngày xưa, cách đây hơn 20 năm, tôi chỉ ở trong phòng đọc vỏn vẹn 10m2, tivi nhỏ, mình nhìn thấy sân bóng, phía sau sân bóng và nghĩ rằng mình phải đến đó, mình không thể ngồi đây mãi được.
Theo anh một nhà báo cần có kỹ năng gì?
Nhiều người nói rằng phải có đam mê, ngoại ngữ… là điều hiển nhiên nhưng chẳng ai nói rằng người đó cần có sức khỏe hay không. Ngày xưa tôi tham gia đi tuyển BLV, luôn có câu hỏi được đặt ra là: “Các em có thức đêm được không, chịu đựng được áp lực không, chịu được cả việc người ta phê phán thậm chí chửi bới mình không?”. Những điều rất đơn giản nhưng không ai nghĩ đến, người ta nghĩ đến cái gì to tát. Bạn có đam mê, có kỹ năng, sức khỏe nhưng bạn không thể làm được những điều đó nếu không có sức khỏe.
Một mùa giải thể thao lớn diễn ra trong vòng 1 tháng, tôi luôn có mặt ở địa điểm công tác khoảng 35-40 ngày làm việc quần quật liên tục. Tôi phải chuẩn bị thông tin trước khoảng 1 năm. Tôi phải tập luyện thể dục thể thao, chạy rèn sức bền trước khoảng 6 tháng để lúc đó mình có thể làm việc ngay giữa ban đêm, thức đêm để viết bài, làm các chương trình truyền hình trực tiếp. Để rèn luyện thể lực, không phải câu chuyện ngày mai đi hay tháng sau đi bây giờ tôi mới tập, mà là cả quá trình để mình luôn trong quá trình vận động.
Tôi phải chuẩn bị tư liệu, làm kế hoạch rất kỹ, đi đâu, làm gì, gặp ai, thành phố này có gì, mình đọc tất cả mọi thứ. Nhiều khi xuống sân bay mình có biết được mình đi chuyến tàu số bao nhiêu, đi khoảng bao nhiêu phút, có mặt ở đấy như thế nào. Bằng việc chuẩn bị kỹ như thế rút ngắn thời gian ở một nơi mình cần phải tác nghiệp.
Anh đi tìm các chất liệu cho bài báo của mình qua những chuyến đi như thế nào?
Khi đi các giải đấu lớn, tôi không mô tả bóng đá. Ai đó cứ vào sân cứ viết về trận đấu, cầu thủ, cổ động viên, những gì mà họ nhìn thấy. Tôi sẽ viết về những điều không ai để ý, coi rằng đấy không phải điều gì đó quan trọng nhưng tôi sẽ khiến nó trở nên quan trọng.
Để đi tìm chất liệu cho bài viết, đã nhiều lần tôi gặp nguy hiểm đến tính mạng, 2 lần suýt chết và 1 lần bị đe dọa. 1 lần suýt bị giết ở Nam Phi, 1 lần suýt bị bắn ở Brazil, 1 lần bị dọa ở Pháp. Chỉ vì tôi vào khu nhiều vấn đề nguy hiểm để làm bài phóng sự của mình.
Tôi đi những nơi mà đa phần mọi người khuyên rằng không nên đến bởi vì nó quá nguy hiểm. Tôi sẵn sàng vào một nơi nguy hiểm chỉ để xem cuộc sống ở đó như thế nào. Tôi chui vào một khu ổ chuột ở Brazil để xem cuộc sống ở đó như thế nào, 35 ngày tôi ở Brazil thì tôi vào khu ổ chuột khoảng 10 lần. Tôi đi tìm các chất liệu cuộc sống, lần mò vào những khu nguy hiểm, phức tạp để chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn đôi khi chỉ để có được một câu “đắt” trong bài.
Động lực nào khiến anh sẵn sàng có những chuyến đi nguy hiểm như vậy để tìm kiếm chất liệu đôi khi chỉ là 1 câu trong bài báo?
Chính là sự tò mò từ bé. Bố tôi kể lại là hồi bé cái gì tôi cũng hỏi. Làm báo là mình phải luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao, như thế nào, bao giờ, ai?”. Sự việc xảy ra nhìn trước mặt như vậy nhưng bản chất của nó là gì, ở những góc nhìn khác nó ra làm sao. Tôi đến những nơi như vậy để có những góc nhìn khác. Trước khi đến những nơi vậy tìm hiểu, tôi phải nghiên cứu rất kỹ, đọc rất nhiều bài báo, cuốn sách, chuẩn bị cho mình bề dày thông tin rất lớn. Để mình có thể nói chuyện được với người dân, cảnh sát thậm chí là tội phạm.
Những chuyến đi lớn nhất của tôi thường là chuyến đi liên quan đến giải bóng đá, nhưng trên thực tế tuyến bài viết nhiều nhất thì viết về bên lề cuộc sống ở đó. Tôi quan niệm rằng bên lề sân cỏ là một thế giới hoàn toàn khác so với những gì bạn có thể biết. Trận đấu chỉ diễn ra trong sân cỏ, bạn sẽ nhìn thấy bàn thắng, ánh sáng, hào nhoáng nhưng phía sau sân vận động đó là gì?
Vì vốn kiến thức của tôi rất lớn, từ nhiều nguồn khác nhau nên khi đến các nước tôi đã trang bị kiến thức rất kỹ rồi.
Suốt nhiều năm làm báo, hành trang xê dịch gói ghém nhiều chuyến đi, những kỷ niệm, trải nghiệm đặc biệt nào mà anh đặc biệt ấn tượng?
Một kỷ niệm tôi đặc biệt ấn tượng là năm 2010, tôi chui vào những khu người da màu ở Cape Town. Tôi từng có bài viết rất lãng mạn về Cape Town nhưng khi ra khỏi đây được 25km, tôi lại thấy một câu chuyện khác: Sự nghèo đói, sự thất học, thất nghiệp và tỉ lệ tội phạm cao.
Khi nói chuyện với một nhà báo ở Nam Phi rằng tôi sẽ vào khu này thì cậu ấy bảo: “Đừng đến đó, cậu không có đường ra đâu”, điều đó làm tôi càng tò mò. Và ở đây tôi bị cướp đe dọa, may là chạy được. Trước mỗi chuyến đi tôi nhận được nhiều khuyến cáo. Khuyến cáo với thực tế rất khác. Đe dọa có thể đến bất cứ lúc nào mình không hề biết. Tôi cũng phải cảm ơn các thầy giáo thể dục đã rất khó tính với tôi. Tôi có thể lực tốt, chạy được và tỉnh táo thì mới có thể thoát ra khỏi những nơi như vậy.
Ngoài sự chuẩn bị tốt, thì còn sự may mắn nữa. Nhiều người hỏi lại là nếu được làm lại, tôi có tiếp tục chui vào khu như vậy hay không. Đương nhiên để bản thân rơi vào tình trạng nguy hiểm là điều nên tránh nhưng sự nguy hiểm ấy khiến bài viết của mình có thêm chất liệu, tôi vẫn sẵn sàng.
Là một người yêu xê dịch, anh đặt chân đến bao nhiêu quốc gia? Anh thường nhận được những câu hỏi như thế nào về các chuyến đi?
Đến bây giờ, tôi đã đặt chân đến khoảng 90 đất nước. Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ đi: “Đi khi ta còn trẻ”.
Câu hỏi luôn được đặt ra là: “Anh chỉ nói về thế giới thôi anh không nói tiền ở đâu mà đi?”. Tôi nghĩ đây là tư duy hoàn toàn sai lầm của giới trẻ vì điều họ nghĩ đến đầu tiền đó là tiền. Tôi ngồi nghĩ và bảo: “Em mà hỏi anh một câu đó có nghĩa em là một người rất tồi. Anh không cho em tiền được cũng không ai cho em tiền được. Em là người duy nhất trả lời được câu hỏi tiền ở đâu ra. Em phải lao động, kiếm tiền, tích lũy, tiết kiệm”. Để có thể đi được nhiều nơi, tiền chưa bao giờ là vấn đề quan trọng nhất, vấn đề là bạn có muốn đi hay không.
Các bạn chưa từng tự đặt câu hỏi rằng mình có kỹ năng sống không, có kỹ năng đi không? Mình phải luyện các kỹ năng đó từ những chuyến đi nhỏ, em ra khỏi nhà của em, khỏi tỉnh của em, đi những chuyến đi khác. Đó là cả một quá trình, sao lại đặt câu hỏi về tiền? Ngày xưa đi những chuyến đi tôi có nhiều tiền đâu. Những người đặt ra câu hỏi về tiền như vậy họ thiếu suy nghĩ độc lập, luôn sợ thất bại, muốn mọi thứ phải suôn sẻ trước mặt. Nếu có tiền đi được không? Không đi được đâu.
Vậy các chuyến đi thường được anh chuẩn bị như thế nào?
Một chuyến đi tôi thường chuẩn bị trước 1 năm, còn kế hoạch thì tôi đã lên trước từ rất lâu. Như hiện giờ tôi đã có kế hoạch đi đến năm 2026. Trước mỗi hành trình đi các đất nước trên thế giới, tôi sẽ bắt đầu mua sách viết về các hành trình. Tôi vẫn đọc nó, tôi vẫn mang nó, vẫn đọc các bản đồ, nó chỉ dẫn tôi đến nơi mà tôi chú ý. Tôi không nghe theo lời khuyên của bất cứ ai.
Anh nghĩ như thế nào về những chuyến đi?
Đi du lịch giống như một phần của cuộc sống, bạn nên đến một vùng đất mới để tái tạo năng lượng. Thường những người đã đi nhiều rồi, họ sẽ không dừng lại được vì thấy rằng thế giới này quá hay, quá đẹp.
Một lời khuyên dành cho những người họ chưa đi hoặc ít đi rằng: “Bạn đến một nơi mới đừng kỳ vọng nó giống như ở nhà, nếu mà tất cả mọi thứ bạn muốn giống như ở nhà thì tốt nhất bạn nên ở nhà. Nếu đến chỗ đó mà bạn ngồi chê phở không ngon bằng quán phở bạn hay ăn thì bạn nên ở nhà. Chúng ta đi để có những cảm nhận mới. Khi bạn còn so sánh là bạn tự hạn chế cảm nhận của mình. Bạn sẽ hiểu là phở Paris cũng có cái ngon của nó, vì nguyên liệu của nó cũng khác một chút, tâm trạng chúng ta khi ăn cũng khác. Vậy sao chúng ta có thể so sánh được”.
Nhờ có các chuyến đi mà tôi có rất nhiều “nhà” trên thế giới. Nhà ở đây mang nghĩa là nơi lưu giữ những kỷ niệm, có tâm hồn. Đó có thể là những căn nhà thiếu tiện nghi, sập xệ, nhà rất tối tăm, thuê chỉ 1000USD/tháng.
Sau những chuyến đi như vậy, anh chiêm nghiệm ra điều gì?
Tôi nhận thấy mình nghèo, rất nghèo. Từ câu chuyện lấy tiền đâu để đi, nhiều người có định kiến là phải giàu mới đi. Trên thực tế, những người đi nhiều là người nghèo. Nghèo cảm nhận về thế giới, về kiến thức, chính vì nghèo nên họ phải đi để lấp đầy những khoảng họ thiếu. Càng đi càng cảm thấy thế giới nó rộng, càng đi càng cảm thấy mình phải đi nữa và thế giới đa dạng thế nào. Chúng ta chỉ sống có một lần, chúng ta sinh ra không chỉ ở một nơi, chúng ta đi khắp nơi được mà. Vấn đề là cho mình các cơ hội để đi thôi.
Tôi luôn ở trong trạng thái rất nghèo. Bởi vì tôi nghèo nên tôi luôn khát khao được đi. Chứ mình cảm thấy không còn khao khát đi gì nữa, đó là lúc mình già và sắp chết. Đừng để mình trong trạng thái như vậy. Với tư tưởng như này, tôi sẽ đi đến khi tôi già. Tôi từng viết rằng: “Tôi thà nằm chết ở trong một cánh rừng ở Châu Phi dưới ánh trăng còn hơn là nằm quằn quẹo trong một bệnh viện mà không ai biết đến tôi cả”.
Anh nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý trên mạng xã hội. Anh cảm nhận như thế nào về sự nổi tiếng này của mình?
Tôi nghĩ đây là việc rất bình thường. Việc mình được mọi người quan tâm, chú ý đến dù là họ nhìn với một góc cạnh tiêu cực hay tích cực, thậm chí chỉ trích, troll mình, đây cũng là một sự quan tâm. Tôi cảm ơn tất cả mọi người quan tâm.
Chúng ta vẫn tồn tại nhưng chúng ta sẽ chết nếu không còn ai nhắc đến mình. Mọi người còn nhắc đến mình, đây là một điều hay. Còn việc mình làm họ, nhìn dưới một góc độ khác thì đó không phải vấn đề của mình mà là vấn đề của họ. Họ có một vấn đề gì đó về mặt định kiến, hiểu biết, họ không hiểu mình. Chúng ta không sống để đi giải thích cho cả thế giới biết. Rồi các bạn sẽ hiểu, các bạn không hiểu đó là việc của các bạn. Tôi vẫn đi theo con đường của tôi, nói những gì tôi suy nghĩ. Vậy nên tôi sống rất an nhiên, không quan tâm đến việc ai nói gì sau lưng.
Tôi chỉ bảo các bạn hãy cứ đi nhiều như tôi đi rồi các bạn sẽ thấy cuộc sống tốt như thế nào. Tôi bận bịu đến mức tôi không có thời gian để quan tâm những gì bạn nghĩ đâu. Trong khoảng thời gian các bạn ngồi tìm cách troll tôi, tôi đã ngồi nghiên cứu về những nơi tôi đi trên thế giới rồi. Tôi không bao giờ để bản thân tôi trong khoảng không gian hẹp như vậy. Chúng ta quan tâm quá nhiều đến người khác thì chúng ta sẽ bỏ quên chính mình, những người đang yêu mến ta. Ta sống cho bản thân ta đi.
Tôi không quan tâm họ nghĩ gì đâu vì tôi cảm thấy rất phí. Thời gian của mình để sống cơ mà. Đến một lúc nào đó các bạn sẽ hiểu. Ví dụ những bài viết về các chuyến đi, hashtag “đi khi ta còn trẻ” cũng truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ. Tôi cảm thấy rất vui.
Với những bình luận tiêu cực, thậm chí đùa cợt trên mạng xã hội, anh có xu hướng phản ứng ra sao?
Đây chuyện rất bình thường, không có gì quá nặng nề cả. Nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Bạn có thể làm việc đó ở nhà của bạn nhưng không thể làm ở nhà tôi nếu tôi không thích. Với một bài viết tôi đang nói về thế giới, bạn vào bạn hỏi những câu linh tinh, tôi block bạn ngay. Bởi tôi cảm thấy bạn không tôn trọng tôi, không tôn trọng chính bạn, bạn không quan tâm đến nội dung tôi viết. Tôi không muốn facebook của mình giống như quán nước, thích nói gì thì nói. Bạn có quyền nói nhưng quét rác là việc của tôi nếu những comment của bạn là rác. Đây là cách mình tự tôn trọng mình và tôi tôn trọng bạn.
Anh thấy cái hay và không hay khi mình nhận được sự chú ý như vậy là gì?
Điều này tôi quen rồi. Cách đây hơn 20 năm, hồi ấy bóng đá Ý rất nổi, tôi đi ra ngoài đường đi dép tông cũng lên các diễn đàn. Tôi không coi đây là một áp lực, tôi coi nó là một niềm vui. Kể cả người ta có nói xấu mình, không hiểu mình, ném đá mình, tôi vẫn coi là niềm vui. Tôi là nguồn cảm hứng cho bạn trong cả tích cực và tiêu cực. Nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải hiểu tất cả mọi thứ đều quy luật. Bạn quan tâm đến tôi nhiều quá thì bạn sẽ quên bạn và những người xung quanh.
Cũng có nhiều người hiểu mình, có người không hiểu. Tôi không có thời gian để giải thích cho từng người một. Bởi vì trong đời mình có những người mình chỉ nói nửa câu người ta đã hiểu, có người mình nói nghìn câu cũng không hiểu gì. Trang facebook của mình chính là tấm gương, bộ mặt của mình. Người tử tế đàng hoàng người ta sẽ biết và hiểu. Mình sẽ dùng mạng xã hội để truyền cảm hứng.
Nhiều bạn trẻ còn nói với tôi rằng: “Chú hay khoe quá!”. Tôi bảo: “Khoe thì có cái gì sai. Khoe cái hay cái tốt, điều người ta trải nghiệm để truyền cảm hứng là điều tuyệt vời. Bạn không có gì để khoe mới là một vấn đề. Tôi có rất nhiều thứ để khoe và tôi tự hào về điều đó. Tôi không ngại ngùng khi nói lên điều đó. Tại sao bạn phải nhìn câu chuyện theo khía cạnh xấu thế”.
Đây không phải câu chuyện khiêm tốn hay không khiêm tốn. Tại sao chúng ta phải giấu, giữ cho mình, với tư cách là người có ảnh hưởng, mình phải truyền cảm hứng chứ. Tại sao bạn lại nhìn theo một góc độ như vậy, nếu bạn nói tôi như vậy thì bạn không hiểu gì về tôi hết, tôi sẽ block bạn, rất rõ ràng.
Làm sao để trở thành một người có nhiều kiến thức, thưa anh?
Đó là cả quá trình mấy chục năm đi, đọc, viết, tự trang bị kiến thức. Tôi đọc từ khi còn bé, như một quá trình bồi bổ trí tuệ của mình. Bây giờ tôi vẫn đọc, nhà rất nhiều sách và tôi vẫn mua sách. Hàng ngày vẫn đọc để có thêm thông tin và kiến thức, tiếp tục các chuyến đi mới. Không dừng lại, đây là quá trình liên tục, tôi không bao giờ giới hạn mình trong khuôn khổ nào cả.
Động lực nào khiến anh luôn phải đi, đọc, viết như vậy?
Tôi nghĩ là mình nghèo và dốt. Thế giới quá rộng, tôi càng đi nhiều, tôi càng cảm thấy mình không biết gì về nó cả. Thế giới thay đổi mỗi ngày, mình cũng phải thay đổi mỗi ngày. Vậy nên mình phải luôn đọc, cập nhật kiến thức. Nếu mình cho rằng cái gì mình cũng biết thì mình đã sai rồi. Chúng ta còn sống được ngày nào thì mình phải bồi bổ những gì còn thiếu. Tôi càng đi nhiều tôi càng thấy mình dốt. Tôi rất dối tôi mới phải đi, rất dốt tôi mới phải đọc.
Steve Jobs có một câu rất hay: Hãy luôn sống khao khát, hãy luôn sống dại khờ” (Stay Hungry, stay foolish). Ở tuổi này rồi, tôi vẫn sống như thế. Chính vì như vậy mình vẫn tiếp tục đi, tiếp tục học. Học không bao giờ ngừng lại, bạn luôn luôn dốt, bạn luôn luôn nghèo.
Trong xã hội hiện đại, nhiều bạn trẻ luôn thiếu năng lượng, anh nghĩ như thế nào về điều này?
Bởi vì họ đang tốn năng lượng cho việc nào đó không đem lại lợi ích gì cho họ. Họ tốn thời gian ở trên mạng, tốn thời gian đi phán xét người khác nhiều quá, tham gia những diễn đàn để tranh cãi những vấn đề không có chân lý. Khi nói chuyện với các bạn sinh viên, tôi thường bảo rằng các em nên đi dạo, đi chạy, tập thể thao thay vì túm năm tụm ba chế này kia rồi ngồi cười với nhau. Điều này không tốt chút nào cả, chỉ khiến cho thế giới của mình ngày càng nhỏ hẹp lại.
Bản thân các bậc cha mẹ trẻ cũng nên rèn cho con thói quen đọc sách từ khi con còn nhỏ. Bản thân các bậc cha mẹ trẻ hãy tạo cho con thói quen đọc sách từ khi con còn nhỏ, tôi có thói quen đấy từ khi còn nhỏ và tôi muốn truyền cảm hứng cho các bậc cha mẹ trẻ. Tôi nhận thấy những đứa trẻ đọc sách nó hiền, không bị manh động. Sách là người bạn đồng hành rất tốt chứ không phải cái điện thoại.
Là một ông bố đọc sách từ bé, yêu xê dịch, anh rèn cho con gái mình những thói quen tốt này như thế nào?
Bạn ấy đi du lịch khắp nơi với vợ chồng tôi từ khi còn bé, mấy tháng tuổi đã đi rồi. Những đứa trẻ chỉ đọc sách khi trong nhà có sách và bố mẹ, ông bà chúng cầm cuốn sách lên đọc. Mình không thể ép một đứa trẻ đọc sách nếu mình không làm gương. Vợ chồng tôi đọc sách cho con ngay từ khi con còn bé. Ở trong nhà rất nhiều sách. Việc đọc sách còn tạo sự kết nối giữa bố mẹ và con cái. Con tôi từ bé đã thích sách, thư viện rồi. Bây giờ bạn vẫn đọc, không dùng mạng xã hội, làm thêm ở một hiệu sách ở bên Anh.
Là một nhà báo được nhiều bạn trẻ yêu mến, anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?
Hãy đi khi ta còn trẻ. Ngay trong câu này đã ẩn chứa nhiều yếu tố, để ta có thể đi được, trong đó có sức khỏe, tri thức, vốn sống, sự khát khao, hoài bão. Khi bạn còn trẻ, bạn có một kho tàng năng lượng khổng lồ, hãy tập trung năng lượng ấy vào những việc tốt. Đi ra thế giới, có những trải nghiệm tốt để giúp cho bạn về sau này.
Vậy tại sao chúng ta đi nên đi nhiều khi còn trẻ, thưa anh?
Khi còn trẻ bạn có rất nhiều thứ, bạn có sức khỏe, tuổi trẻ, có sự khát khao của một người tò mò muốn biết mọi thứ. Khi người ta trẻ sẽ đi được nhiều hơn. Trẻ có nghĩa là mình có nhiều thời gian, hoài bão, có thể làm những điều điên rồ. Trẻ ở đây còn trẻ về tâm hồn nữa. Những người 50-60 tuổi luôn nghĩ mình ở tuổi 22 thì người ta còn đi được nhiều lắm.
Trẻ là một lợi thế rất lớn. Không phải đi nước ngoài mới là đi, đi ra khỏi thành phố này cũng là đi. Vấn đề là đi một cách tích cực, đi để thay đổi cái nhìn về thế giới, để thấy rằng mình càng đi càng không hiểu gì về thế giới.
Những người đi nhiều họ rất bao dung, họ nhìn cuộc sống chậm rãi, không bị vội vã. Đi tốt cho cả chúng ta, bồi bổ và ta bớt kiêu ngạo đi, trở nên khiêm tốn hơn. Trẻ cần phải đi để biết rằng ta chẳng biết gì về thế giới. Những chuyến đi là thứ duy nhất mình càng mua sẽ càng giàu, giàu cảm xúc, trải nghiệm và vốn sống.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!