Vào tối thứ Ba, Li Jiaqi đã xuất hiện trở lại trên Taobao Live của Alibaba, một nền tảng livestream (tạm dịch: phát trực tiếp) của gã khổng lồ thương mại điện tử.
Buổi livestream của anh ngay lập tức thu hút hàng nghìn người xem chỉ trong vòng vài phút đầu tiên mặc dù trước đó Li không đưa ra thông báo nào trên các tài khoản mạng xã hội. Sau buổi bán hàng trực tuyến kéo dài 2 giờ đồng hồ, số lượng người xem đã đạt con số 63 triệu, cao hơn hầu hết các buổi livestream trước đó của chính anh nhưng vẫn thấp hơn lượng truy cập trong các lễ hội mua sắm lớn.
Livestreamer 30 tuổi này còn có tên gọi khác là Austin Li. Anh là một trong những người nổi tiếng nhất trên mạng xã hội của Trung Quốc với 64 triệu người theo dõi trên Taobao của Alibaba. Anh từng bán được 15.000 thỏi son chỉ trong vòng 5 phút trong một cuộc cạnh tranh bán hàng với Jack Ma - người sáng lập Alibaba. Từ đó, anh đã giành được biệt danh "Vua son môi Trung Quốc".
Trong buổi livestream hôm thứ Ba, Li đã không giải thích lý dó vì sao anh biến mất hay bản thân mình đã ở đâu trong 3 tháng qua.
Anh chỉ tập trung giới thiệu những món hàng bao gồm mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da và quần áo thời trang. Các "fan cuồng" đã nhanh chóng đặt mua hết những món hàng này. Một trong những mặt hàng bán chạy nhất là kem dưỡng da mặt với số lượng bán được lên tới 50.000 lọ với tổng doanh thu là 12,3 triệu NDT (1,75 triệu USD).
"Cuối cùng thì anh cũng đã xuất hiện rồi! Chào mừng anh trở lại!" - những dòng bình luận của người hâm mộ hiện lên trên màn hình ngày càng nhiều.
Các fan quá phấn khích nên đã mua hết hàng nhanh hơn dự kiến, buộc Li phải kết thúc buổi livestream sớm hơn thường lệ. Các buổi livestream trước đây của anh thường kéo dài 3 giờ đồng hồ.
"Hôm nay, các mặt hàng được chuẩn bị khá vội vàng nên nhiều cô gái đã không thể mua được. Chúng ta đành phải kết thúc thôi nhỉ. Tôi sẽ tiếp tục livestream khi có đủ hàng nhé. Hẹn gặp lại ngày mai, các cô gái," Li nói.
Sự trở lại của ngôi sao livestream đã nhanh chóng trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội và đón nhận được sự chào đón cuồng nhiệt. "Tôi đã bật khóc khi gặp lại anh ấy trên màn ảnh. Tôi đã đợi rất lâu đó," một người nói.
"Tôi đã sẵn sàng để mua thật nhiều," một người dùng Weibo khác cho hay.
Li không phải là ngôi sao livestream duy nhất biến mất trong những tháng gần đây.
Cô gái gần đây được gọi là "nữ hoàng livestream" tên Viya đã không xuất hiện trên mạng xã hội kể từ tháng 12, khi nhà chức trách phạt cô 210 triệu USD vì tội trốn thuế. Cô gái 36 tuổi này có hàng triệu người theo dõi trên các nền tảng mua sắm và truyền thông xã hội lớn của Trung Quốc, bao gồm Weibo, Taobao và Douyin. Nhưng tài khoản của cô đã bị xóa vào tháng 12.
Sự lên xuống đột ngột của những người có sức ảnh hưởng nổi tiếng nhất Trung Quốc cho thấy sự "chìm nổi" của những người phụ thuộc vào Internet để kiếm sống trong đất nước tỷ dân.
Vào tháng 5, chỉ hai tuần sau khi Li biến mất, Bắc Kinh đã tăng cường sự quản lý và giám sát chặt chẽ đối với ngành công nghiệp livestream đang bùng nổ ở nước này. Các nhà quản lý đã đưa ra các quy định mới cấm 31 "hành vi sai trái" trong việc livestream và yêu cầu các livestreamer "tôn trọng các giá trị chính trị và xã hội đúng đắn."
Nhưng việc này có thể không phải là một tin tốt cho nền kinh tế Trung Quốc. Tình trạng chi tiêu của người tiêu dùng yếu trong khi tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tuổi đang gần ở mức cao nhất trong lịch sử.
Các nhà hoạch định chính sách hiện đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng và việc làm ổn định, khu vực tư nhân gặp khó khăn và bất động sản gặp khủng hoảng đang gây ra nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng.
Nguồn: CNN