Người đàn ông "huy động" 2 máy xúc đào khúc gỗ "đen sì" dài 10m tỏa hương thơm ở sau nhà: Mất 8 ngày mới "lôi" được lên khỏi mặt đất, giá trị ước tính hơn 350 tỷ đồng

Ánh Lê | 16:29 19/04/2024

Sau hơn 30 năm, người đàn ông Trung Quốc mới biết mình sở hữu loại gỗ được mệnh danh là “Đông phương thần mộc” quý hiếm.

Người đàn ông "huy động" 2 máy xúc đào khúc gỗ "đen sì" dài 10m tỏa hương thơm ở sau nhà: Mất 8 ngày mới "lôi" được lên khỏi mặt đất, giá trị ước tính hơn 350 tỷ đồng

Năm 2018, tin tức một người dân ở làng Đại Đồng, thị trấn Đàm Bá, Lạc Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc, đào một cây gỗ kỳ lạ phía sau nhà khiến dư luận vô cùng chấn động. Đài truyền hình địa phương đã cử nhiều phóng viên đến tận nơi để đưa tin và cập nhật tình hình vụ việc. 

"Anh đến đây để xem cây gỗ quý à?"

 Phóng viên còn chưa kịp nói gì thì người dân ven đường đã đoán được mục đích chuyến ghé thăm của họ. Sau khi đi vòng qua một sườn đồi, phóng viên nhìn thấy 2 chiếc máy xúc đang làm việc trên một sườn đồi gần đó. Khi đến gần hơn, họ phát hiện có nhiều dây thép quấn quanh chiếc máy xúc và một khúc gỗ dài tầm 10m đang nằm vắt ngang sườn đồi. Nó được đào lên từ một cái hố sâu, có đường kính 10m ở phía sau ngôi nhà của người đàn ông họ Lý. 

Qua thăm hỏi, anh Lý cho biết nhà của anh vốn ở bên kia núi. Hơn 30 năm trước, cha mẹ anh đã chuyển ngôi nhà đến vị trí hiện tại. Thời điểm đang xây nhà, gia đình họ phát hiện một khối gỗ đen sì đang chắn mất phần móng. Tuy nhiên, vì nó nằm ở vị trí khó đào lên nên gia đình anh quyết định vẫn để nó nằm yên ở đó và tiếp tục việc xây nhà. 

Sau khi xây xong, anh Lý phát hiện phía sau nhà vẫn còn một đoạn khúc gỗ nhô lên khỏi mặt đất khoảng 20cm, tỏa ra mùi thơm rất dịu. Tuy nhiên, vì không biết khúc gỗ này là loại gỗ gì và vị trí của nó cũng không gây ảnh hưởng tới việc sinh hoạt nên gia đình anh cũng chẳng để tâm đến. 

Nhiều năm sau đó, anh Lý nhìn thấy một mẫu gỗ trong viện bảo tàng địa phương giống hệt khúc gỗ ở nhà nên mới bắt đầu chú ý đến nó nhiều hơn. Sau đó, thông tin một người dân trong làng đào được gỗ quý khiến anh càng tin tưởng rằng khúc gỗ ở sau nhà của mình cũng có thể là “báu vật” giúp đổi đời.

ewrfwegf.jpg

Ảnh minh họa: Kknews.cc

Mùa hè năm 2018, gia đình anh Lý có việc cần phải dùng một khoản tiền lớn. Lúc này, người đàn ông này mới nhớ đến khúc gỗ sau nhà và quyết định bán nó. Hôm đào nó lên, dân làng trên xóm dưới biết tin đều lũ lượt đến xem, đứng chật kín quanh nhà gia chủ. Anh Lý cũng vô cùng ngạc nhiên khi khúc gỗ kia đào lên lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của anh, dài đến tận 10m.

Sau khi quan sát hiện trường, phóng viên cho biết ngoài khúc gỗ đó, ông Lý còn xác nhận có một khúc gỗ ở dưới nền móng ngôi nhà đang ở. 2 máy xúc vẫn đang làm việc, cố gắng đào nốt khúc gỗ còn lại. Lúc đó tất cả mọi người đều nghĩ 2 khúc gỗ đó khác nhau. Thế nhưng đến khoảng 5 giờ chiều hôm đó, khi khúc gỗ thứ 2 được đưa lên, người ta mới phát hiện nó là một gốc cây khổng lồ có đường kính hơn 4m, dài 2m và cũng chính là phần gốc của khúc gỗ 10m đã đào lên trước đó.

Vậy là trong vòng 8 ngày, toàn bộ cây gỗ dài khoảng 12m nằm sâu dưới mảnh đất nhà anh Lý đã lộ diện. Sau khi quan sát kỹ nó, thương gia cho biết đó là cây gỗ âm trầm quý hiếm và đưa ra mức giá hơn 100 triệu NDT (hơn 350 tỷ đồng) để mua nó.

Ảnh minh họa: Kknews.cc

Việc gia đình anh Lý phát hiện ra cây gỗ quý và bán lấy tiền đã trở thành chủ đề bàn tán của người dân địa phương. Nhiều người cho rằng hành động đó là vi phạm pháp luật vì việc mua bán gỗ quý là hành vi bị pháp luật Trung Quốc nghiêm cấm. Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra ghen tị, thậm chí là hơi tiếc nuối vì họ từng tìm thấy nhiều mảnh gỗ vụn tương tự loại gỗ này. Tuy nhiên vì không biết đó là gỗ quý nên họ đều nghĩ đó là củi khô và cho vào bếp lửa.

Theo các chuyên gia, gỗ âm trầm không đề cập cụ thể đến một số loài cây nhất định mà là một dạng cây gỗ. Nó được từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm thậm chí hàng vạn năm, bị chìm, vùi lấp xuống sông do các nguyên nhân tự nhiên. Bị cách ly với không khí, dưới điều kiện axit và vi sinh vật, cây như được “tái sinh”, dẫn đến kết cấu gỗ được thay đổi. Vì bị cacbon hóa nên màu gỗ chuyển sang đen sẫm nhưng vẫn có độ bóng rất tự nhiên.

Vào các triều đại phong kiến ở Trung Quốc, gỗ âm trầm đã trở thành loại gỗ quý chuyên được dùng cho tất cả các cung điện hoàng gia và được dùng làm quan tài cho vua chúa. Vì là nguồn tài nguyên quý hiếm không tái tạo và có giá trị văn hóa phi vật thể cực kỳ cao nên loại gỗ này còn được mệnh danh là “Đông phương thần mộc”.

(Theo Kknews.cc)


(0) Bình luận
Người đàn ông "huy động" 2 máy xúc đào khúc gỗ "đen sì" dài 10m tỏa hương thơm ở sau nhà: Mất 8 ngày mới "lôi" được lên khỏi mặt đất, giá trị ước tính hơn 350 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO