Người đàn ông chuyển khoản nhầm 600 triệu đồng, không được trả lại nhưng người nhận khẳng định: “Tôi mới là người bị lừa”

Kim Linh | 10:37 04/10/2024

Khi cảnh sát liên hệ, người đàn ông Trung Quốc không chịu trả lại tiền cho người chuyển khoản nhầm với lý do bất ngờ.

Người đàn ông chuyển khoản nhầm 600 triệu đồng, không được trả lại nhưng người nhận khẳng định: “Tôi mới là người bị lừa”

Tháng 4/2024, người đàn ông họ Trương chuyên kinh doanh xe cũ ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) do bất cẩn đã chuyển khoản nhầm số tiền 180.000 NDT (634 triệu đồng). Ông Trương cho biết do thao tác chuyển khoản bằng FaceID quá nhanh, ông chủ quan không kiểm tra tên chủ tài khoản, cuối cùng dẫn đến sự nhầm lẫn này.

Ông tìm mọi cách từ việc chuyển khoản thêm kèm lời nhắn, đến liên hệ ngân hàng nhưng vẫn không thể lấy lại tiền. Ngân hàng cho biết thao tác chuyển khoản là do ông Trương chủ động nên họ không thể để lộ thông tin cá nhân của người nhận. Người đàn ông này đành tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát Trung Quốc.

“150.000 NDT (hơn 500 triệu đồng) trong đó là tiền tôi đi vay, tôi lo mất ăn mất ngủ mấy ngày nay. Trời đất như sụp đổ vậy”, người đàn ông này vừa khóc vừa nói khi khai báo với cảnh sát.

Ảnh minh hoạ

Cảnh sát địa phương tìm cách liên lạc với người nhận là anh Lý. Khi được yêu cầu chuyển khoản lại trong 2 tiếng đồng hồ, anh Lý từ chối trả lại tiền. “Các anh đừng nghĩ tiếp tục lừa được tôi, một lần mất tiền là quá đủ rồi”, anh Lý nói. Chỉ đến khi anh Lý được triệu tập đến đồn cảnh sát, người đàn ông này mới tin người gọi cho anh là cảnh sát “thật” và trả lại tiền cho ông Trương.

Hoá ra cách đây 1 tháng, anh Lý bị lừa khi nhận một khoản tiền “nhầm”. Người chuyển khoản liên hệ anh để đòi lại, nhưng yêu cầu anh Lý chuyển vào một số tài khoản khác. Anh Lý chủ quan làm theo. Kết quả, đối tượng lừa đảo vẫn báo lên ngân hàng và cảnh sát, yêu cầu anh hoàn trả lại thêm một lần nữa. Anh Lý bàng hoàng, không có bằng chứng vì mọi cuộc trao đổi đều thông qua điện thoại, không có tin nhắn chứng minh.

Ảnh minh hoạ

Trong thời gian này, anh thường xuyên bị các đối tượng lừa đảo gọi điện đe doạ, thậm chí liên lạc người thân và đồng nghiệp của anh Lý để “đòi nợ”. Cuối cùng người đàn ông này đành nhượng bộ, chuyển khoản lại để cho qua chuyện.

Vậy nên khi nhận được số tiền chuyển nhầm của ông Trương, anh Lý rất đề phòng vì cho rằng bản thân có thể bị lừa tiếp. Anh Lý cũng gửi lời xin lỗi ông Trương, cho biết bản thân không cố tình chiếm đoạt số tiền chuyển khoản nhầm đó.

Cảnh sát tỉnh Tứ Xuyên cảnh báo mọi người khi chuyển khoản nên kiểm tra kỹ các thông tin trước khi tiến hành thao tác và cần cảnh giác với một số chiêu trò chuyển tiền “nhầm” của các đối tượng lừa đảo.

Kẻ xấu có thể chuyển khoản, sau đó giả danh người thu hồi nợ của công ty tài chính, đòi người nhận phải trả thêm khoản lãi “cắt cổ” nếu không sẽ đòi gia đình, đồng nghiệp. Việc các đối tượng liên tục đe doạ, thậm chí phát tán thông tin cá nhân, hình ảnh trên mạng xã hội về “khoản nợ” có thể khiến các nạn nhân rơi vào bẫy.

Ảnh minh hoạ

Thủ đoạn thứ 2 các đối tượng lừa đảo có thể áp dụng, đó là mạo danh ngân hàng liên hệ người nhận tiền, yêu cầu truy cập theo đường link giả mạo để lấy cắp thông tin đăng nhập, nhằm chiếm đoạt số tiền trong tài khoản.

Vậy nên, dù chuyển khoản nhầm hay nhận được khoản tiền bất ngờ qua tài khoản, mọi người nên bình tĩnh liên hệ, đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng nhận được phương án giải quyết hoặc báo cảnh sát nếu có dấu hiệu lừa đảo để tránh “tiền mất tật mang”.

Theo Toutiao


(0) Bình luận
Người đàn ông chuyển khoản nhầm 600 triệu đồng, không được trả lại nhưng người nhận khẳng định: “Tôi mới là người bị lừa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO