Giờ đây, người phụ nữ ấy đang phải đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều: Đảm bảo Hàn Quốc vẫn có lợi thế trong cuộc cạnh tranh bán dẫn toàn cầu giữa các siêu cường như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Yang đã thăng tiến từ trợ lý của một nhà nghiên cứu tại Samsung lên người đứng đầu bộ phận chip của doanh nghiệp này. Bà hiện là kiếm trúc sư chính trong nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc.
Chia sẻ với Bloomberg, bà Yang nói rằng nhiệm vụ của bà ngày càng trở nên thách thức khi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đổ hàng tỷ USD vào xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn của riêng họ - điều có thể làm lu mờ tương lai của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp chip toàn cầu.
Lặp lại quan điểm phổ biến tại Washington và Bắc Kinh, những nơi đang nỗ lực thu hút nhân tài, tiền bạc và hỗ trợ chính sách cho ngành công nghiệp bán dẫn, bà Yang nhấn mạnh đây là vấn đề an ninh quốc gia. Với Hàn Quốc, chip chính là tương lai khi nó không thể thiếu trong mọi ứng dụng từ xe hơi, điện thoại cho tới trí tuệ nhân tạo, vũ trụ ảo và đặc biệt là quân sự.
“Chúng tôi đang trong cuộc chiến chip. Ưu thế về công nghệ là cách để đất nước chúng ta có thể dẫn đầu trong bất kỳ chương trình nghị sự nào liên quan đến an ninh, chẳng hạn các vấn đề ngoại giao và quốc phòng, mà không phải chịu tác động từ quốc gia khác”, bà Yang nói.
Ở thời điểm hiện tại, bà Yang đang lãnh đạo một ủy ban đặc biệt gồm 13 thành viên do đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol được thành lập trong năm nay nhằm tìm ra ưu thế cho Hàn Quốc trong ngành công nghiệp trị giá 550 tỷ USD. Yang cũng nằm trong số ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ công nghệ.
Đại dịch Covid-19 đã cho thây sự phụ thuộc của các nước vào nhau, đặc biệt là với các linh kiện điện tử quan trọng. Và bà Yang hiện có một đồng minh quan trọng là Tổng thống Yoon, người đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ chip nội địa của Hàn Quốc. SK Hynix Inc. và Samsung sẽ là yếu tố chủ chốt.
Tháng trước, Quốc hội đã thông qua đạo luật chip của riêng mình. Được dẫn đầu bởi Yang, động thái này đẩy nhanh quá trình phê duyệt xây dựng các nhà máy ở khu vực đô thị đồng thời tăng số lượng các trường chuyên về công nghệ. Một cách riêng biệt, Quốc hội đã thông qua dự luật cung cấp ưu đãi thuế 8% cho các công ty lớn đầu tư vào sản xuất bán dẫn, nhỏ hơn nhiều so với đề xuất 20-25% mà Yang đưa ra.
Yang nói rằng khoản trợ cấp này thấp hơn nhiều so với hàng tỷ USD mà các quốc gia khác tung ra để thúc đẩy sản xuất chip. Cùng với đó, nhiều công ty Hàn Quốc có thể chuyển các cơ sở quan trọng của họ sang Mỹ để hưởng ưu đãi và mang theo những kỹ sư giỏi nhất. Samsung có kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỷ USD ở Texas và đưa ra khả năng chi gần 200 tỷ USD cho một loạt nhà máy ở Austin và Taylor.
Và Hàn Quốc chỉ có một cơ hội duy nhất để chống lại xu hướng này. Đài Loan (Trung Quốc), nơi đặt trụ sở của TSMC, hiện đang sản xuất hầu hết các chip cho iPhone, máy chủ và các siêu máy tính thế hệ mới nhất. Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị có thể khiến nhiều bên phải nghĩ lại khi đặt tất cả trứng vào chiếc giỏ này.
“Samsung là công ty duy nhất trên thế giới có thể thay thế TSMC”, Yang nói.
Bà Yang bắt đầu tham gia chính trường Hàn Quốc năm 2016 dưới sự khuyến khích của của cựu Tổng thống Moon Jae-in. Trong vai trò người đứng đầu ủy ban đặc biệt về công nghệ và bán dẫn, người phụ nữ này nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng để cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều ưu đãi hơn nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước thay vì hoạt động ở nước ngoài. Hàn Quốc cũng cần làm nhiều hơn nữa để giữ chân người trẻ tài năng. Và công nghệ mới cũng sẽ là con đường duy nhất Hàn Quốc phải đi.
Tham khảo: Bloomberg