Tháng 2 năm 2023, Tòa án Nhân dân Tiên Cư, tỉnh Chiết Giang đã giải quyết 1 vụ án liên quan đến trường hợp nợ thẻ tín dụng của 1 người đã khuất. Trước đó, vụ án này đã khiến cõi mạng của đất nước tỷ dân nhiều lần dậy sóng vì những tình tiết phức tạp. Cho đến nay, nó vẫn còn được nhiều người nhắc lại như một bài học để nhắc nhở mình khi sử dụng thẻ tín dụng.
Theo Finance.ce.cn, trước khi qua đời, một người đàn ông họ Trần ở Thái Châu, Chiết Giang còn nợ ngân hàng 58.000 NDT (hơn 200 triệu đồng) trong thẻ tín dụng. Sau khi ngân hàng biết chuyện đã yêu cầu vợ và con gái của người đàn ông này hoàn trả số tiền trên.
Phía ngân hàng cho biết anh Trần là khách hàng thường xuyên vay nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, người đàn ông này luôn trả nợ đúng hạn, chưa có ngoại lệ. Lần gần đây nhất, anh Trần vay nợ thẻ tín dụng là 58.000 NDT rồi vì bạo bệnh mà đột ngột qua đời. Vì vậy, họ chuyển hướng liên hệ với gia đình của anh để nêu vấn đề về khoản nợ trên.
Qua điện thoại, nhân viên ngân hàng cho biết nếu vợ con anh Trần không thay anh thanh toán khoản nợ này, họ có thể sẽ kiện gia đình ra tòa. Không đồng tình với cách giải quyết của đối phương, con gái anh Trần cho biết mẹ con họ không hề biết đến sự tồn tại của khoản nợ 58.000 NDT, đồng thời yêu cầu ngân hàng chứng minh khoản nợ này là nợ chung của 2 vợ chồng, rồi tức giận cúp điện thoại.
Ảnh minh họa: Internet
Sau đó, lãnh đạo ngân hàng đã tìm đến tận nhà cô Trần để xin lỗi về lời nói không đúng mực của nhân viên, đồng thời yêu cầu họ trả nợ theo quy định của pháp luật.
Trước mặt lãnh đạo ngân hàng, cô Trần cho biết không biết về khoản nợ tín dụng của chồng, cô và con gái hiện tại cũng không có đủ điều kiện để hoàn trả cho ngân hàng. Phía ngân hàng cho rằng người thân của anh Trần cố tình kiếm cớ không trả nợ nên đã trình báo sự việc cho cảnh sát Trung Quốc và làm đơn khiếu nại ra tòa án Trung Quốc, nhờ pháp luật can thiệp để thu hồi khoản nợ.
Trong trường hợp này, ngân hàng cho rằng vợ và con gái anh Trần là những người được thừa kế tài sản, do đó họ phải có trách nhiệm trả nợ thay cho người đã khuất. Tuy nhiên tại tòa, vợ anh Trần đã nộp giấy chứng nhận người vay và người phải trả khoản vay trên là chồng mình, do đó, cô và con gái không liên quan đến chuyện này.
Cuối cùng, sau khi xem xét tình tiết vụ việc, Tòa án Nhân dân huyện Tiên Cư (Trung Quốc) đã ra phán quyết rằng vợ và con gái của anh Trần không cần phải thay mặt anh hoàn trả số tiền 58.000 NDT. Phía ngân hàng không hài lòng với kết quả trên liền kháng cáo lên tòa án cấp cao nhưng vẫn không đảo ngược được tình thế.
Bàn luận về vụ việc này, cư dân mạng Trung Quốc chia thành 2 luồng ý kiến. Một bên đồng tình với phán quyết của tòa án, bên còn lại cho rằng giải quyết theo hướng ngân hàng đề xuất mới là đúng đắn.
Ảnh minh họa: Internet
Để tìm hiểu kỹ hơn về vụ việc, phóng viên Finance.ce.cn đã tìm gặp luật sư Lam Thiên Bân, đối tác tại một công ty luật ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Luật sư Lam cho biết theo Điều 1064 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, các khoản nợ do vợ, chồng cùng đứng tên hoặc do một bên - vợ hoặc chồng đứng tên nhưng được chi trả cho nhu cầu của gia đình trong thời kỳ hôn nhân thì đều là khoản nợ chung của 2 vợ chồng.
Trong vụ án này, sau khi khách hàng này nợ thẻ tín dụng rồi qua đời, ngân hàng có thể khởi kiện và yêu cầu vợ anh ta trả tiền thay chồng. Tuy nhiên, họ phải chứng minh số tiền nợ đó được sử dụng cho cuộc sống chung của 2 vợ chồng Trần. Nếu không thì phía ngân hàng có thể phải đối mặt với việc thua kiện.
Theo điều tra của cảnh sát và tòa án, vợ của anh Trần không hề biết rằng chồng mình đã từng nợ thẻ tín dụng 58.000 NDT. Phía ngân hàng cũng không chứng minh được khoản tiền 58.000 NDT là món nợ chung của hai vợ chồng anh Trần. Do đó, ngân hàng hoàn toàn có thể thua kiện.
Đến ngày 25/2/2023, luật sư Ngô Phong Diện, đại diện tranh tụng của phía ngân hàng trong vụ án cho biết phía ngân hàng đã từ bỏ việc kháng cáo vụ án trên và chấp nhận với phán quyết của tòa án địa phương.
(Theo Finance.ce.cn)