Nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh thành: Các tỉnh chưa đáp ứng tiêu chí đang có kinh tế ra sao?

Dy Khoa | 22:01 22/02/2025

Có một tỉnh đạt GRDP bình quân đầu người vượt 460 triệu đồng/năm/người.

Nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh thành: Các tỉnh chưa đáp ứng tiêu chí đang có kinh tế ra sao?

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ban hành kết luận 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng ba tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện.

Cụ thể, tỉnh miền núi, vùng cao diện tích từ 8.000 km2, dân số 0,9 triệu; tỉnh còn lại diện tích 5.000 km2, dân số 1,4 triệu. Thành phố trực thuộc trung ương diện tích 1.500 km2, dân số một triệu. Tất cả tỉnh, thành phố đồng thời phải có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và cổng thông tin điện tử các tỉnh năm 2023, toàn quốc có 10 tỉnh chưa đạt đồng thời cả ba tiêu chuẩn dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện (dưới 9).

Ở miền núi, có ba tỉnh là Bắc Kạn, Tuyên Quang, Đăk Nông. Trong đó Bắc Kạn dân số ít nhất cả nước, chỉ 0,3 triệu; Đăk Nông 0,68 triệu; Tuyên Quang 0,8 triệu.

7 tỉnh còn lại không đáp ứng đồng thời ba tiêu chuẩn là Hà Nam, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu.

img_1434.jpeg
Tỉnh Ninh Bình.

Trong đó Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, ít nhất cả nước. Là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, Hà Nam chỉ rộng 862 km2, dân số 0,88 triệu. Ninh Bình rộng 1.400 km2, dân số hơn 1 triệu. Trước đây, Ninh Bình và Hà Nam từng thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.

Ninh Thuận rộng 3.358 km2, chỉ có 0,6 triệu người và 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Vĩnh Long rộng 1.526 km2, 1 triệu dân; Hậu Giang 1.622 km2 với 0,72 triệu dân; Bạc Liêu rộng 2.668 km2 với gần 1 triệu dân.

Các tỉnh không chưa đủ tiêu chí có quy mô kinh tế ra sao?

Trong 10 tỉnh này, một số tỉnh có mức tăng trưởng và GRDP rất cao. Nhưng một vài tỉnh còn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Bài viết này tập hợp số liệu tăng trưởng và quy mô kinh tế năm 2024 của các tỉnh trên, dựa trên công bố trên cổng thông tin của tỉnh hoặc các nguồn chính thống khác.

Năm 2024, Bắc Kạn có tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,35%. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 42 triệu đồng năm 2021 lên 57 triệu đồng năm 2024 và ước tính năm 2025 đạt 63 triệu đồng/người.

Tại Tuyên Quang, năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,04%, mức cao nhất trong 10 năm qua, xếp thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,92 triệu đồng/người/năm.

Với tỉnh Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2024 chỉ ước tăng 4,87%. Tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 81,66 triệu đồng/người/năm, tăng 21,34%, tương ứng tăng 14,36 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

img_1433.jpeg
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hà Nam ghi nhận tăng trưởng 10,93% so với năm 2023, đạt mức tăng trưởng cao thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người ước đạt 109,8 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2023.

Cùng 2024, Ninh Bình tăng trưởng 8,56%, xếp thứ 5 Đồng bằng sông Hồng, thứ 17 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng. 

GRDP năm 2024 của tỉnh Ninh Thuận tăng 8,74% so với năm trước, mức tăng trưởng cao thứ 16 so với cả nước và là mức tăng cao thứ 4 các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 98,2 triệu đồng, tăng 11% (tăng 9,7 triệu đồng) so với năm 2023.

Năm 2024, GRDP Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm gần đây. GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh ước là 460,63 triệu đồng/người/năm, giảm nhẹ 1,3% so năm 2023.

Tính chung cả năm 2024, Hậu Giang ghi nhận mức tăng 8,76% so với năm trước. GRDP bình quân đầu người 93,78 triệu đồng/người/năm.

Với tỉnh Vĩnh Long, GRDP năm 2024 ước 43.942 tỷ đồng, tăng 6,5%. Kinh tế của Bạc Liêu, năm 2024 ước tăng 6,62% so cùng kỳ, GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,66 triệu đồng/người/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh thành: Các tỉnh chưa đáp ứng tiêu chí đang có kinh tế ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO