Từng có quan niệm cho rằng người trẻ sau khi trưởng thành thì không thích ở gần bố mẹ vì muôn vàn lý do như sợ bị phụ huynh kiểm soát, khó tụ tập vui chơi xuyên đêm cùng bạn bè,... Nhưng thực tế, ngày càng nhiều người thích chuyển về sống gần gia đình, mà lý do quan trọng nhất chính là... tiết kiệm được tiền.
Ở một mình, lương 20 triệu nhưng tháng nào cũng tiêu hết sạch
Mọi người thường cho rằng, khi sống xa gia đình và phải tự làm chủ cuộc sống, nhiều người sẽ có xu hướng biết quản lý tài chính hơn. Tuy nhiên, thực tế có thể hoàn toàn trái ngược.
Tuấn Linh (25 tuổi) cho biết anh thường xuyên tiêu hết sạch lương tháng 20 triệu đồng của mình. Anh chia sẻ về các khoản tiêu dùng hàng tháng: 5 triệu đồng tiền thuê nhà; 5 triệu đồng chi phí ăn uống; 7 triệu đồng cho khoản tiêu dùng cần thiết, mua sắm đồ yêu thích; 3 triệu đồng còn lại là dành cho vui chơi cuối tuần, đầu tư vào bản thân,...
Theo Tuấn Linh, khi sống xa gia đình, anh có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Chàng trai nhận định: "Theo những gì quan sát được, không riêng mình mà nhiều người sống một mình khác thường chi rất nhiều cho thú vui cá nhân. Thêm nữa, ở một mình tức là bất kỳ khi nào bạn bè rủ đi chơi, du lịch thì bản thân đều có thể đi luôn, không vướng bận tài chính và sự cấm cản của phụ huynh.
Tuy nhiên, phần lớn lý do khiến mình không tiết kiệm được là vì chưa có động lực tích góp, dẫn đến chi tiêu quá tay. Nếu bên cạnh mình có ai đó nhắc nhở cần tích luỹ tiền nong, để dành cho con cái hay mua tài sản để an cư lạc nghiệp, mình sẽ có xu hướng tiêu tiền có mức độ kiểm soát hơn".
Một trường hợp khác, Thảo Vân (26 tuổi, Hà Nội) cũng có mức thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu đồng. Khi còn ở riêng, cô nàng sẽ đưa cho bố mẹ 5 triệu đồng, còn 15 triệu đồng dành cho chi tiêu sinh hoạt cá nhân hàng tháng. Cũng vì thế, cuối tháng Thảo Vân sẽ không còn một đồng nào để tích luỹ, gửi tiết kiệm hoặc đầu tư.
"Sống tách với bố mẹ đòi hỏi bạn cần phải có kế hoạch chi tiêu chặt chẽ, bởi vì giờ mình có rất nhiều khoản chi cho cuộc sống phải tự gánh hết như tiền nhà, tiền ăn uống,... Khi còn sống một mình, mình thường xuyên tiêu hết sạch lương 20 triệu đồng/tháng. Có những tháng mà mình lỡ mua nhiều quần áo hay đi du lịch, tiền lương kiếm được còn chẳng đủ để chi trả cho nhu cầu chi tiêu", cô nàng bộc bạch.
Chuyển về sống cùng bố mẹ, lương 10 triệu cuối tháng vẫn có dư
Thảo Vân tiếp lời, 2 năm trước, có thời điểm cô nàng chuyển đổi công việc mới nên tiền lương chỉ bằng 1/2 so với trước đây, tức kiếm được 10 triệu đồng/tháng. Thu nhập sụt giảm mạnh khiến Thảo Vân không thể duy trì cuộc sống một mình đắt đỏ mà buộc phải chuyển về ở cạnh gia đình.
Đáng nói, khi thuê nhà ở riêng, dẫu lương 20 triệu đồng nhưng tháng nào Thảo Vân cũng tiêu hết sạch, thậm chí cần vay nợ. Tuy nhiên, sau khi dọn về ở cùng gia đình, cô nàng còn tiết kiệm được 1/3 từ lương 10 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân lớn nhất là bởi những khoản chi phí chiếm trọn tiền lương hàng tháng của Thảo Vân trước đó là nhà cửa và thực phẩm đều được phụ huynh hỗ trợ.
Tuy nhiên, cô nàng cũng nhận định một nguyên nhân khác giúp mình tiết kiệm được là khi ở với cha mẹ, áp lực phải biết cách chi tiêu gia tăng, từ đó khiến cô nàng tích luỹ được nhiều tiền hơn.
"Ở với bố mẹ, mình mới biết thế nào là sống có trách nhiệm với từng đồng tiền kiếm được. Chẳng hạn hồi trước, mình bỏ 1 triệu đồng mua cái áo không thấy tiếc, giờ về nhà, mình thấy mẹ tính mua cái áo 300 ngàn đồng thôi mà cân lên đặt xuống tính toán đủ đường,... Cứ như thế, mình không còn dám vung tiền phung phí nữa, vì bạn sẽ không biết ngày mai tiền nong của mình sẽ ra sao.
Bên cạnh đó, khi ở cùng bố mẹ thì tức là có giờ giới nghiêm. Mình không đi chơi, ăn uống bên ngoài nhiều như trước. Điều này giúp mình tiết kiệm được nhiều hơn bởi bản thân có thể giảm bớt các cuộc tụ tập vô nghĩa ở bên ngoài, tập trung đầu tư tiền của cho các mối quan hệ xứng đáng hơn".
Cùng hoàn cảnh, hàng tháng Minh Ngọc (24 tuổi) tiết kiệm đến 4 triệu đồng dù mức lương chỉ 10 triệu đồng. Và bí quyết của cô nàng không gì khác là sống cạnh phụ huynh. Hàng tháng, Minh Ngọc dành 50-70% thu nhập để chi tiêu cho bản thân, 10% biếu phụ huynh và còn lại để tiết kiệm.
"Ở với cha mẹ chính là cách tiết kiệm hiệu quả nhất. Vì mình không chỉ được hỗ trợ tiền nhà cửa và thực phẩm, mà còn học nhiều mẹo mua sắm tiết kiệm. Dù mình cũng muốn chuyển ra sống riêng để tự lập, nhưng nhìn lương còm cõi thì vẫn phải chấp nhận ở cùng cha mẹ. Đến khi nào thu nhập gia tăng để tự lo cho cuộc sống cá nhân, mình sẽ tính đến chuyện làm chủ cho cuộc sống và tài chính. Còn bây giờ, nếu còn dựa được vào tài chính từ gia đình thì mình còn tranh thủ. Nhờ đó, mình mới có tiền tiết kiệm để đầu tư vào bản thân và tương lai", Minh Ngọc bộc bạch quan điểm.