Nghịch lý: Kinh tế toàn cầu "đang rất ổn" nhưng tại sao đó lại là tin xấu cho các Ngân hàng Trung ương?

Linh Anh | 09:47 05/03/2023

Những dấu hiệu đáng kinh ngạc về sức khỏe các nền kinh tế, từ Mỹ đến Trung Quốc, đang làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Nghịch lý: Kinh tế toàn cầu "đang rất ổn" nhưng tại sao đó lại là tin xấu cho các Ngân hàng Trung ương?

Nền kinh tế toàn cầu đang thể hiện một sức sống mãnh liệt. Các số liệu thống kê mới được tiến hành cho thấy một sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh ngay cả khi chi phí đi vay tăng, giá năng lượng và lương thực vẫn ở mức cao. Dấu hiệu này cho thấy các ngân hàng trung ương có thể cần nhiều thời gian hơn so với dự kiến để có thể kiểm soát được lạm phát.

Trong hành trình đó, những gáo nước lạnh có thể tiếp tục được các Ngân hàng Trung ương đổ vào nền kinh tế, vốn vẫn còn hơi nóng. Đó sẽ là những đợt tăng lãi suất trong năm 2023 nhằm ghì cương lạm phát. Trong kịch bản ấy, mục tiêu phục hồi trong năm 2024 sẽ càng trở nên thách thức.

Một chỉ số quan trọng mà các ngân hàng trung ương vẫn theo dõi chặt chẽ là thị trường việc làm – vốn vẫn đang mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà hoạch định chính sách đang xem xét kỹ lưỡng dữ liệu thị trường lao động nhằm tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy một sự hạ nhiệt, điều có thể làm giảm bớt áp lực lên các loại hàng hóa. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn quá mơ hồ.

“Chúng ta đã thấy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Hy vọng là đó sẽ là một mức tăng vừa đủ. Nếu không, chúng ta sẽ thấy họ tiếp tục tăng lãi suất mạnh hơn”, Madhavi Bokil của Moody cho biết.

Năm 2023, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng ngừa Covid-19. Vào tháng 2, sản lượng xuất khẩu toàn cầu lần đầu tiên gia tăng trong 7 tháng. Khảo sát với các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc và châu Âu, cũng chỉ ra sự tăng trưởng.

Tại Mỹ, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi chi tiêu và thu nhập của người dân tăng lên trong tháng Giêng. Châu Âu cũng bắt đầu một năm mới với cuộc khủng hoảng năng lượng không tồi tệ như họ lo ngại, một phần nhờ mùa đông ấm bất thường. Tuy nhiên, giá năng lượng, thực phẩm tăng cao cũng đẩy lạm phát ở châu Âu lên mức kỷ lục vào tháng 2.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất ở nhiều nhà máy tại các quốc gia châu Á khác. Nhưng các nhà kinh tế vẫn rất thận trọng, một phần bắt nguồn từ sự không chắc chắn về lợi ích của việc Trung Quốc mở cửa trở lại với các nền kinh tế trong khu vực.

Trong khi đó, cũng có những nghi vấn xung quanh việc kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ kiên cường đến mức nào. Trong một năm qua, lãi suất đã tăng rất mạnh và có thể các nền kinh tế cần thời gian để cảm nhận toàn bộ tác động từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại.

“Đơn giản là cần nhiều tháng để việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể tác động tới nền kinh tế thực. Chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Còn ở chiều ngược lại, nếu mức lãi suất cao kỷ lục nhiều năm trở lại đây vẫn không thể để lại bất kỳ tác động nào tới nền kinh tế, có lẽ chúng ta nên đóng cửa các ngân hàng trung ương”, Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng của ING Bank, cho biết.

Một lời giải thích khác cho sự phục hồi đáng kinh ngạc của các nền kinh tế chính tác động từ các ngân hàng trung ương chưa đủ mạnh. Mark Dowding, giám đốc đầu tư tại RBC Bluebay Asset Management, cho rằng việc tăng lãi có thể sẽ được tiếp tục thực hiện nhằm kiểm soát lạm phát.

Miễn là các ngân hàng trung ương vẫn quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu của họ, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế đang mạnh hơn đều có thể kích hoạt các phản ứng chính sách.

Tham khảo: WSJ


(0) Bình luận
Nghịch lý: Kinh tế toàn cầu "đang rất ổn" nhưng tại sao đó lại là tin xấu cho các Ngân hàng Trung ương?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO