Tiết kiệm là thói quen tốt vì chúng giúp bạn tránh lãng phí tiền bạc vào những khoản chi không cần thiết, xây dựng sự giàu có và tích lũy tài chính cho những trường hợp khẩn cấp. Thế nhưng, có những người càng sống tiết kiệm càng thấy mình... nghèo đi.
Nguyên nhân sâu xa là do họ đang "tiết kiệm ngược", tức lầm tưởng những lần mình "rút ví" rất tiết kiệm nhưng trên thực tế lại vô cùng lãng phí.
Sắm nhiều đồ dự trữ trong nhà
Ngọc Hà (Hà Nội) được bạn bè nhận xét là người thường xuyên "quay cuồng" với công việc. Do vậy, cô nàng không thể dành nhiều thời gian để chăm sóc cho cuộc sống cá nhân bao gồm chuyện nhà cửa.
Cũng vì thế, mỗi lần đi siêu thị, Ngọc Hà thường mua đủ thực phẩm cho cả tuần, cũng như tận dụng hết mức mã giảm giá khi sắm với số lượng lớn. Tuy nhiên, do mua quá nhiều thực phẩm nên Ngọc Hà thường xuyên chi "quá tay" so với khẩu phần ăn. Có những thời điểm, do Ngọc Hà có công việc bận rộn, không có thời gian ăn tại nhà nên hơn một nửa thực phẩm đã bị hỏng.
Ngoài chuyện quá tay mua thực phẩm, Ngọc Hà còn thích sắm đồ theo combo, đồ giảm giá hay hàng được tặng đính kém. Tưởng chừng cách mua sắm này sẽ tiết kiệm hơn vì Ngọc Hà mua được nhiều sản phẩm với giá hời.
Song Ngọc Hà tiết lộ, phần lớn các món đồ mua về thường bị lãng quên theo thời gian do cô nàng không có nhu cầu dùng đến. Hoặc cho đến ngày cần chúng, Ngọc Hà không thể nhớ được đã để những món đồ đó ở đâu.
"Trước đây, mình có cảm giác mua nhiều đồ sẽ được chiết khấu lớn, và những sản phẩm có hàng tặng kèm cũng khiến mình thấy vui vì 'tranh' được một món hời. Mình đã từng cho rằng đây là những khoản chi khôn ngoan, nhưng trên thực tế lại vô cùng lãng phí. Do vậy, mình đang cố gắng kiểm soát cảm xúc và mua sắm lí trí hơn", Ngọc Hà bày tỏ.
Săn đồ sale "mù quáng" trên livestream
Phương Ngân (25 tuổi, Hà Nội) có sở thích mua hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử. Cách đây 1 năm, Phương Ngân từng mê mẩn “chốt đơn” trên các phiên livestream của sàn thương mại điện tử, đến mức có thời điểm hầu như tối nào cũng thấy cô nàng xem livestream.
Cô từng lầm tưởng, mình vừa mua được với giá hời mà còn không cần phải đi đến cửa hàng trực tiếp. Ngân nói thêm: “Một nguyên nhân lớn nhất khiến mình từng bị ‘nghiện’ mua đồ trên livestream là do thực sự đã từng săn được các deal giá hời. Ví dụ với một chiếc áo để ý từ lâu và trong phiên livestream của nhãn hàng, mình đã mua được chúng cùng mức giá giảm 30%. Hay một chai dưỡng ẩm ngày thường bán 380k thì trên phiên livestream, mình mua được với giá 169k".
Tuy nhiên, sau một thời gian bị cuốn theo vòng xoáy mua hàng trên livestream, Phương Ngân nhận ra bản thân đã tốn 3-5 triệu đồng/tháng so với trước đây và không thể tiết kiệm tiền từ mức lương văn phòng còn chưa quá dư dả.
Đó là chưa kể, ưu đãi mua hàng trên livestream không hời giống như những gì nhà bán đã nói. Ngân giải thích: “Sau vài lần dính ‘cú lừa’, mình phát hiện ra mức giá trên livestream cũng không hề rẻ hơn quá nhiều so với giá bán thông thường của nhãn hàng và nhiều mặt hàng khác trên thị trường.
Thêm nữa khi mua hàng quốc tế, người bán nói nếu khách chốt đơn trên livestream thì họ sẽ gửi đi luôn và thời gian giao hàng chỉ là vài ngày. Nhưng thực tế, mình phát hiện kể cả khi đã bấm nút mua thì 2 ngày sau bên bán mới gửi hàng đi, và kết quả mình mất hơn 1 tuần mới nhận được hàng. Điều này rất bất tiện trong trường hợp mình cần hàng luôn”.
Cho đến vài tháng gần đây, Phương Ngân đã phải rèn thói quen chỉ thực sự mua những món đồ cần thiết khi dùng sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cô đã giảm bớt tần suất xem livestream bán hàng, vừa để tiết kiệm tiền mà còn dư dả thời gian làm những việc ý nghĩa khác.
Mua đồ công nghệ secondhand
Khánh Linh (Hà Nội) khi vừa mới ra trường đã mua 1 chiếc laptop cũ phục vụ cho công việc. Thời điểm đó ngân sách còn hạn chế, xem một số review trên mạng cũng như nghe lời khuyên từ bạn bè, Khánh Linh đã quyết định mua một chiếc máy tính cũ.
Với số tiền 11 triệu, nếu lựa chọn laptop mới, cô bạn chỉ có thể mua 1 chiếc máy có hệ điều hành khá thấp. Vì sợ không đáp ứng được khối lượng công việc, Khánh Linh mua 1 chiếc máy mới 85% có hệ điều hành cao hơn, tốc độ xử lý cao.
Tuy nhiên, do không kiểm tra đồ kỹ càng nên chỉ sau 9-10 tháng sử dụng, máy tính của Khánh Linh có hiện tượng bị đơ. Sau khi bỏ số tiền lớn sửa chữa nhưng không thành, cô nàng lại phải mua laptop mới vào năm ngoái.
Tổng kết lại, với 11 triệu đồng ban đầu, nếu cô chịu khó dành thêm số tiền sửa chữa máy tính thì giờ cô đã mua được máy mới, còn không phải thấy tiếc nuối với quyết định mua máy cũ.
Từ trường hợp của 3 bạn trẻ trên có thể thấy, để sống tiết kiệm thì mua đồ giá rẻ thôi chưa đủ, mà bạn còn phải biết mua sắm thông minh và phù hợp với nhu cầu cá nhân. Chỉ bằng cách lựa chọn tiêu dùng phù hợp với bản thân, bạn mới có thể để dành được nhiều tiền và xây dựng sự giàu có bền vững!