Theo SCMP, hiện tượng “những người trẻ mong đợi N+1” đã đứng đầu danh sách tìm kiếm trên mạng xã hội Xiaohongshu hôm 14/8. Thuật ngữ “N+1” ám chỉ khoản trợ cấp thôi việc cộng với một tháng lương mà các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ phải trả cho nhân viên.
Tại đại lục, nhiều người đang mong bị công ty đuổi việc để thoát cảnh áp lực ‘cơm áo gạo tiền’, sau đó theo đuổi lối sống “tang ping”. Trong tiếng Trung, “tang ping” nghĩa là “nằm thẳng” - lối sống mặc kệ đời thay vì nỗ lực cống hiến và trang trải cuộc sống.
Theo The Washington Post, giới trẻ Trung Quốc có rất nhiều kiểu “nằm thẳng”. Nó bao gồm từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm, và không làm việc bàn giấy. Trong một bài đăng đã bị xóa trên Tieba (MXH Trung Quốc) hồi tháng 4/2021, một phong trào cổ vũ chuyện “nằm thẳng” đã nổi lên, từ đó hình thành một cộng đồng ủng hộ khổng lồ.
“Người trẻ đang kiệt sức. Họ chẳng hiểu vì sao mình phải làm việc chăm chỉ như vậy”, Lim Woon-teak, giáo sư xã hội học tại ĐH Keimyung, Hàn Quốc.
‘Nghỉ hưu non’ theo đó dần trở thành lối sống mà giới trẻ Trung Quốc hướng đến. Sau khi tích lũy được một khoản tiền kha khá, nhiều người sẵn sàng nghỉ việc để không phải chịu áp lực, bon chen và đặc biệt, họ hoàn toàn hạnh phúc với quyết định ấy.
Một năm trước, Lý Chí, 39 tuổi sống tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, đã quyết định ‘nghỉ hưu non’ để kết thúc 15 năm làm việc vất vả. Trước đó, anh làm kỹ sư trong một công ty ô tô, bận đến mức nhiều khi “thở không ra hơi” và thường xuyên phải tăng ca đến 9-10h tối.
Thời gian thấm thoắt qua đi, vào một ngày tăng ca, Lý Chí như thường lệ gọi đồng nghiệp đi ăn tối, song cảnh tưởng trong phòng làm việc khiến anh bàng hoàng.
“Tôi chỉ nhìn anh ấy nằm đó, bất tỉnh nhân sự, có gọi thế nào cũng không chịu tỉnh”, Lý Chí nhớ lại.
Sự việc giáng vào tâm lý anh một đòn không hề nhẹ. Chuỗi ngày làm việc sau đó chỉ độc là sự kiệt quệ, héo mòn.
“Hôm nào cũng phải họp rồi bị ép công, nói khó nghe hơn thì là vắt kiệt sức lao động. Tôi đã vạch ra kế hoạch nghỉ hưu sớm cho bản thân”, Lý Chí chia sẻ.
Năm 2008, Lý Chí mua một căn hộ ở Thượng Hải. Anh bắt đầu để ý tới các loại cổ phiếu và một số danh mục đầu tư sinh lời để tạo nguồn thu nhập thụ động. Chia sẻ với tờ QQ, anh cho biết sau 1 năm nghỉ hưu, thành quả lớn nhất là sống không cần phải nhìn mặt sếp, thích làm gì là tùy ý mình.
Theo Cary Cooper, giáo sư tâm lý học tại Manchester (Anh), dịch COVID-19 đã chứng minh được rằng làm việc linh hoạt là hoàn toàn có thể và điều này càng khiến nhiều người trẻ từ bỏ công việc văn phòng gò bó.
“Các công ty đang phải tranh giành để thu hút và giữ chân nhân sự. Nhưng giới trẻ ngày nay không còn muốn chịu đựng một môi trường làm việc sẽ hủy hoại cuộc sống của mình”, ông Cooper nói.
Tại Mỹ, người trẻ cũng đang hình thành xu hướng nghỉ hưu sớm tương tự. The Guardian trích dẫn câu chuyện của Joe Olson, một giáo viên quyết định nghỉ hưu ở tuổi 29 sau khi đã tiết kiệm được một số tiền kha khá, làm ví dụ điển hình. Anh chia sẻ bạn bè mình cũng thường nói về các giá trị đích thực của cuộc sống thay vì cứ mãi theo đuổi vật chất.
“Chúng tôi đều đồng tình rằng ngoài công việc, cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị khác nữa”, Olson nói và cho biết bản thân nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. “Nghỉ hưu sớm không có nghĩa là buông xuôi hay bỏ cuộc. Chúng tôi chỉ không còn quan tâm nhiều đến tiền bạc nữa. Chúng tôi muốn một cuộc sống cân bằng hơn, hạnh phúc hơn”, anh kể.
Theo Eliza Filby, cựu giảng viên lịch sử tại King's College London, xu hướng nghỉ hưu sớm đang diễn ra bên trong thế hệ trẻ.
“Họ đang tiếp thu 'chủ nghĩa nhiệt thành' mới bằng việc sống theo cách của riêng mình. Đối với nhiều người trẻ ngày nay, những gì họ đang làm đôi khi không phản ánh con người thật”, bà Eliza Filby nói.
Không thể phủ nhận áp lực giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt. Ngay cả ra trường và đã tìm được việc, họ vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn, chẳng hạn như văn hoá 996 cùng lịch làm việc quá dày đặc.
Thế nhưng, trái ngược với điều này, nhiều bậc lão niên tại đại lục lại chưa tích lũy đủ để có thể nghỉ hưu, trong đó có bà Chen Qingling. Đều đặn 6 ngày/tuần, 13 tiếng/ngày, bà, 56 tuổi, lại cùng chồng làm công việc dọn dẹp hành lang và nhà vệ sinh cho một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh để nuôi sống bản thân và gia đình con trai.
Trong khi những người cùng tuổi có dư thời gian nghỉ hưu để đi du lịch, tham gia lớp học khiêu vũ hay trà đạo, bà Chen, một nông dân đến từ tỉnh Hà Nam, vẫn không đủ tiền tiết kiệm để nghỉ ngơi một cách thoải mái.
“Con trai tôi vẫn đang trong thời gian hồi phục sau chấn thương và vợ nó phải ở nhà chăm sóc 3 đứa con nhỏ. Nếu tôi không làm việc, ai sẽ nuôi 5 miệng ăn? Tuy khó khăn, nhưng tôi phải cố gắng để tiếp tục sống”, bà Chen nói.
Theo Yang Guofa, giám đốc điều hành một công ty chuyên giúp đỡ người lớn tuổi tìm việc làm, một số doanh nghiệp rất thích thuê những ông bà đến từ các vùng nông thôn không bằng cấp bởi đối tượng này không cần trả lương quá cao.
“Họ sẽ không phải trả bảo hiểm, phúc lợi hoặc lương hưu. Những người lớn tuổi này chủ yếu đến từ các vùng nông thôn và thường được thuê làm bảo vệ cổng, quét dọn…”, ông Yang nói.
Theo: SCMP