Tháng 9/2023, truyền thông thế giới rầm rộ đưa tin về chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tiết lộ, để sắp xếp được chuyến công du Việt Nam “chưa từng có tiền lệ”, phía Mỹ đã điều chỉnh chương trình hoạt động đối ngoại của cả Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt Nam và Mỹ đã ra Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững - cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam. Trước Mỹ, Việt Nam mới chỉ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Mối quan hệ được tăng cường mang ý nghĩa chiến lược khi cho phép cả hai nước bỏ lại phía sau những nghi ngại lịch sử từ cuộc chiến trước đây và hướng tới lợi ích cùng tầm nhìn dài hạn. Song song với đó, một loạt thỏa thuận thương mại và hợp tác ở “tầm mức mới” trong ngành công nghệ cao, khoa học, đổi mới sáng tạo và hợp tác khai thác đất hiếm giữa hai bên cũng bắt đầu trở thành hiện thực.
Gần như ngay lập tức, thành quả từ nỗ lực nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ đã được cảm nhận bởi chính những người trong cuộc. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT – một trong những doanh nghiệp công nghệ Việt đang bắt tay hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn với các đối tác tới từ Mỹ - nhấn mạnh: “Việt Nam có tên trên bản đồ các quốc gia sản xuất chip là không thể đảo ngược, chắc chắn các hãng bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ lần lượt vào Việt Nam. Chiến lược của Mỹ và các cường quốc là tìm thêm một quốc gia mới trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn và Việt Nam chúng ta đã được chọn”.
Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Không dừng lại đó, Nghệ An tiếp tục bứt tốc, vươn lên, liên tục thuộc nhóm 10 tỉnh, thành đón dòng vốn FDI nhiều nhất trong năm 2023. 11 tháng đầu năm 2023, Nghệ An thu hút khoảng tỷ 1,2 tỷ USD vốn FDI (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 8/63 tỉnh, thành và tiếp tục đón nhà máy của nhiều đại gia công nghệ lớn.
Từ cuối năm 2022 đến nay, 4 ông lớn công nghệ là Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng đã rót hơn 1,2 tỷ USD vào Nghệ An, dự kiến tạo ra 68.000 việc làm.
Để đạt được thành tựu như vậy, Nghệ An đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. “Đứng trước những làn sóng đầu tư mới, Nghệ An luôn nhìn nhận và phân tích, đánh giá được những thuận lợi, khó khăn và chuẩn bị điều kiện để trở thành điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ mà Nghệ An gọi là 5 sẵn sàng” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết.
Đáng chú ý, là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam và dân số đứng thứ 4 cả nước, Nghệ An có nhiều dư địa để phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Do đó, Nghệ An nỗ lực bảo đảm có đủ quỹ đất khu công nghiệp, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp lớn để đón nhà đầu tư.
Nếu được hỏi đâu là doanh nghiệp tăng trưởng cao, đều đặn và ổn định nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, chắc chắn hầu hết mọi người sẽ lựa chọn FPT. Ngoại trừ một vài quý gặp chút khó khăn khiến tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức con số, hầu như mỗi kỳ công bố kết quả kinh doanh, FPT đều đặn báo cáo mức tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ. Thậm chí là quý sau hầu như luôn cao hơn quý liền trước.
Khi sự chú ý luôn có xu hướng tập trung vào những ngành nghề hot, những đơn vị tăng trưởng đột biến thì sự tăng trưởng ổn định của FPT có phần “nhàm chán”. Nhưng trong giai đoạn nền kinh tế trong và ngoài nước gặp khó khăn thì câu chuyện tăng trưởng bền vững của FPT thực sự là điểm sáng nổi bật.
Hiện FPT đang là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của một loạt quỹ đầu tư chủ động nội địa có quy mô lớn như Dragon Capital VSF, VinaCapital VEOF… cũng như nằm trong top holdings của một loạt quỹ ngoại lớn khác.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tập đoàn tuyển thêm hơn 4.600 người nâng tổng số nhân viên lên 47.000 người; doanh thu tăng trưởng 22% lên hơn 37.900 tỷ và lãi trước thuế tăng 19% lên 6.800 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ xuất khẩu phần mềm – đóng góp gần một nửa doanh thu và tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Năm nay mảng kinh doanh này của FPT có thể lần đầu tiên đạt được cột mốc 1 tỷ USD.
FPT hiện là công ty công nghệ niêm yết duy nhất trực tiếp tham gia sản xuất linh kiện bán dẫn trong bối cảnh năm 2023, Việt Nam đã nổi lên thành một lựa chọn cực kỳ hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành bán dẫn sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.
Tháng 7/2023, màn biểu diễn ca hát của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của ngân hàng đã trở thành chủ đề “gây sốt” trên toàn mạng xã hội. ACB đã có một năm kỷ niệm đầy ý nghĩa khi hình ảnh một ACB năng động, khác biệt chưa bao giờ có sự lan toả rộng rãi đến vậy.
Trong hoạt động kinh doanh, ACB xứng đáng là “ngân hàng của năm” với bảng cân đối tài chính mạnh mẽ. Năm 2023 là năm đầu tiên ACB dự kiến lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi ngành ngân hàng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chưa từng thấy và câu chuyện sân sau, thao túng nổi lên, ACB đã đứng vững và khẳng định được vị thế của mình – là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hoạt động kinh doanh lành mạnh.
Chiến lược đúng đắn không chỉ giúp ACB đạt khả năng sinh lời cao, tỷ lệ ROE thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng với gần 25%, mà còn có chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết.
Ngoài ra, ACB còn là gương mặt nổi bật trong xu hướng phát triển bền vững những năm gần đây. Tháng 10/2023, ACB trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về ESG.
Năm 2023 ghi dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường chinh phục thị trường vốn quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam khi VinFast niêm yết thành công và gây được tiếng vang lớn trên Nasdaq – sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới. Sự kiện cũng điểm thêm một mốc son trên hành trình “go global” của VinFast sau 6 năm hình thành và phát triển với nhiều kỳ tích.
Thương vụ niêm yết thành công chính thức đưa VinFast sánh ngang với những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp ô tô. Vốn hóa VinFast thậm chí có thời điểm đạt xấp xỉ 160 tỷ USD, đứng thứ 2 trong top các nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau Tesla. Đây là một sự khẳng định cho hướng đi đúng đắn của VinFast nhưng cũng là khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới với rất nhiều cơ hội khi bước ra sân chơi toàn cầu.
Hơn cả những con số hàng tỷ USD vốn hóa, thương vị niêm yết “vô tiền khoáng hậu” còn mở rộng cánh cửa tiến sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế không chỉ với riêng VinFast. “Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới” - Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Tổng Giám đốc Toàn cầu VinFast chia sẻ về cột mốc quan trọng này.
VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế là một tham chiếu quan trọng và uy tín để định giá các doanh nghiệp khác của Việt Nam. Sự hiện diện của một thương hiệu Việt trên sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ dần trở nên quen thuộc với các tổ chức quốc tế, qua đó thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tìm đến trong tương lai.
Chỉ hai năm sau thương vụ lịch sử bán 49% vốn FE Credit, VPBank tiếp tục tạo nên một bom tấn khác khi phát hành thành công 15% cổ phần cho SMBC (công ty thành viên của SMFG) với tổng giá trị gần 1,5 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Khoản đầu tư từ SMFG giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank. Trong hoạt động ngân hàng, vốn chủ sở hữu càng lớn, lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn, hệ số an toàn vốn và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng càng cao.
Giới phân tích đánh giá, việc cải thiện nguồn vốn cấp 1, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn CAR lên mức cao hơn sẽ giúp VPBank đáp ứng được room tăng trưởng tín dụng lớn. Bên cạnh đó, hợp tác chiến lược với SMFG là cơ hội để VPBank có thể tiếp cận các nguồn vốn vay offshore chi phí thấp trong tương lai, qua đó cải thiện NIM của ngân hàng. Đồng thời, VPBank sẽ có thế mạnh khai thác tệp khách hàng FDI có mối quan hệ với SMFG.
Với một "hậu phương" như SMFG - xếp hạng 12 trên 100 ngân hàng lớn nhất toàn cầu về tổng tài sản, cùng với quy mô vốn được nâng cao, VPBank có nhiều nguồn lực và cơ hội để sánh ngang với nhóm bốn ngân hàng quốc doanh, hay còn gọi là nhóm Big 4.
Ngày 14/4/2023, mạng xã hội tại Việt Nam bị phủ kín bởi sắc xanh cyan của một hãng taxi mới xuất hiện mang tên XanhSM. Đó là ngày CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM chính thức đưa hãng Taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động sau 1 tháng chạy thử trên các con đường của Hà Nội.
GSM được thành lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chỉ một tháng rưỡi trước ngày chạy. Là một trong 3 cổ đông sáng lập, ông Vượng đã dùng 50,8 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn cho GSM. Sau 2 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của GSM hơn 5.947 tỷ đồng, trong đó Vingroup nắm 5%.
38 ngày thần tốc làm dự án nghìn tỷ, chỉ mất 51 ngày để có mặt tại 2 thành phố lớn và tuyển dụng 1700 nhân viên là một số điều mà CEO Nguyễn Văn Thanh của GSM tự hào chia sẻ.
Đúng 4 tháng sau, GSM tiếp tục cho ra mắt XanhSM Bike - Hãng xe ôm công nghệ thuần điện đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, app Xanh SM đã đạt hơn 1 triệu lượt tải xuống trên CH Play và đứng top 1 BXH du lịch trên App Store.
Không dừng lại ở Hà Nội, Tp.HCM, Xanh SM đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động đến Tây Ninh, Gia Lai, Quảng Ngãi, Ninh Bình và Thái Bình… Cho đến nay XanhSM đã hiện diện tại 25 tỉnh, thành phố. Đến cuối năm nay, hãng dự kiến sẽ vận hành đội xe quy mô 30.000 ô tô điện và 90.000 xe máy điện, phủ xanh 27/63 tỉnh thành.
Đầu tháng 11/2023, GSM chính thức khai trương dịch vụ Taxi thuần điện tại thủ đô Viên Chăn và hé lộ kế hoạch sang Campuchia. Ngoài dịch vụ taxi, xe ôm điện, GSM còn ký kết cho thuê xe VinFast với nhiều đối tác. Hãng cũng hợp tác với Be, VNPay để cung cấp dịch vụ gọi xe điện.
Tháng cuối năm, GSM chưa nghỉ, tiếp tục nhảy vào thị trường Giao hàng.
Cuối tháng 10/2023, một sự kiện đánh dấu những thay đổi đáng kể trong công cuộc ĐMST nước ta đã diễn ra: Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) kết hợp Lễ Khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc), thủ đô Hà Nội.
Điểm khởi đầu cho sự kiện là Lễ khánh thành NIC Hòa Lạc dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo cấp cao. Tiếp đó, loạt doanh nghiệp ĐMST hàng đầu tại thế giới và Việt Nam như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Viettel, VNPT, Sovico, Masan,… đã hiện diện tại 200 gian hàng triển lãm với vô số công nghệ mới lạ, đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự “diệu kỳ” mà công nghệ mang lại.
Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm về ĐMST, mang lại nhiều cơ hội và giá trị cho các bên tham gia. Sau sự kiện, NIC Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam; đồng thời góp phần tạo nên một biểu tượng mới cho Việt Nam, là điểm đến của ĐMST.
“NIC Hòa Lạc sở hữu những điểm khác biệt riêng, như là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do nhà nước làm chủ phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế và chính sách ưu đãi đặc thù được đã được quy định tại Nghị định riêng của Chính phủ và được đầu tư, vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là một cơ chế tốt để phát huy năng lực sáng tạo của trung tâm. NIC Hòa Lạc sẽ được tiếp thêm rất nhiều động lực, nhờ sự đánh giá cao từ các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào kinh tế, tiềm năng đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, GS. TSKH Nguyễn Mại nhận định bên lề sự kiện.
Trong tương lai, NIC Hòa Lạc không chỉ kết nối hệ sinh thái ĐMST trong nước, mà còn kết nối với mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao vị thế trong bản đồ ĐMST nói riêng và trên hành trình trở thành “con hổ" châu Á mới nói chung.
2023 là một năm không dễ dàng với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, có một sản phẩm được xem là điểm sáng tỷ USD của toàn thị trường – đó là trái sầu riêng.
9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đi 9 quốc gia với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022 - mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm trái cây. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu hàng đầu của sầu riêng Việt Nam với sức tiêu thụ 1,57 tỷ USD trong 9 tháng, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu loại quả này và tăng đến 1.400% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt cũng đang hút khách Mỹ và Canada. 9 tháng đầu năm, sức mua tại 2 thị trường này tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kim ngạch dự kiến năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, sầu riêng nhanh chóng trở thành “trái cây vua”. Việt Nam hiện sở hữu sản lượng sầu riêng đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ xếp sau Indonesia và Thái Lan. Diện tích trồng đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2017, với hơn 110.000 ha vào cuối năm 2022.
Trong những năm tới, sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi các doanh nghiệp trong nước đang dồn vốn đầu tư mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao.
Năm 2023 đánh dấu một năm đầy sôi động của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Theo đó, các khoản đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn nổi bật phải kể đến dự án của Hana Micron Vina, tập đoàn chuyên về sản xuất chất bán dẫn và đóng gói chip từ Hàn Quốc. Được biết, tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam trước năm 2025.
Bên cạnh đó, Synopsys (trụ sở tại California) cũng triển khai một trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn phối hợp với Khu công nghệ cao TP.HCM. Không chỉ vậy, một trong những tập đoàn dẫn đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn, Tập đoàn Marvell cũng quyết định thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP.HCM.
Theo báo cáo của Gartner, quy mô của thị trường bán dẫn toàn cầu ước tính sẽ đạt khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Nếu tham gia thị trường này, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.
Bên cạnh các dự án nước ngoài, Việt Nam một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như FPT Semiconductor, Viettel…. Đơn cử, năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên kỹ sư người Việt tại Viettel đã phát triển thành công dòng chip phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G. Bên cạnh đó, FPT đã tuyên bố thiết kế sản xuất thành công chip thương mại cung cấp cho nhiều thị trường và mục tiêu vươn tới vị trí công ty thiết kế chip lớn nhất Đông Nam Á.
Theo ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Các khoản đầu tư của Synopsys, Amkor… tại Việt Nam là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển lĩnh vực bán dẫn của quốc gia.
Bài viết: Ban Biên Tập
Thiết kế - Minh hoạ: Hải An
Interactive: P.A