Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ Sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam

PV | 10:11 03/11/2022

Sáng 3/11, tại Vườn quốc gia Cát Bà, Thành phố Hải phòng, Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ Sinh quyển lần đầu tiên đã được khai mạc trọng thể với nhiều nội dung bàn thảo quan trọng.

Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ Sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại sự kiện.

Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 03 tháng 11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Năm nay, ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức trên toàn thế giới.

Thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới và nhằm hưởng ứng sự kiện này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức trọng thể Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển tại Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (địa điểm tại Vườn quốc gia Cát Bà - vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển), huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Mục tiêu của Lễ Mít tinh là nhằm tuyên truyền sâu rộng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tầm quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với nhân loại; nâng cao nhận thức của các đối tượng về vai trò của khu dự trữ sinh quyển trong điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Tham dự Lễ mít tinh có Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển, đại diện các cơ quan trung ương, Lãnh đạo UBND Thành phố Hải phòng, các cơ quan, tổ chức và người dân tại địa phương cùng sự hiện diện của 11 Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

tay-nghe-an.jpg
Nhiều hoạt động hỗ trợ đã được UNDP tổ chức tại khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan trung ương và địa phương đã khẳng định tầm quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển đối với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ thiên nhiên, môi trường; đồng thời các Khu dự trữ sinh quyển cũng đã và cần tiếp tục thể hiện sự quyết tâm trong việc trở thành những mô hình điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, triển khai các sáng kiến và giải pháp nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, môi trường, tăng cường sự hợp tác trong mạng lưới nhằm chia sẻ các thông tin, bài học kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả quản trị khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ).

Tại Lễ Mít tinh, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu DTSQ tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.

Cùng với Lễ mít tinh là chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh” tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam và Lễ tổng kết hoạt động Mạng lưới khu dự trữ sinh quyển năm 2022. Đây là hoạt động định kỳ hàng năm do Ủy ban Con người và Sinh quyển của Việt Nam (MAB Việt Nam) tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

cu-lao-cham-nguon_-trong-dat.jpg
Cù Lao chàm là 1 trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận tại Việt Nam

Tại Việt Nam, KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận là KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000, sau 22 năm phát triển, Việt Nam đã có một hệ thống bao gồm 11 KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm: KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), KDTSQ Đồng Nai (2001, 2011), KDTSQ Quần đảo Cát Bà (2004), KDTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (2004), KDTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), KDTSQ Miền Tây Nghệ An (2007), KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (2009), KDTSQ Mũi Cà Mau (2009), KDTSQ Lang Biang (2015), KDTSQ Núi Chúa (2021) và KDTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021). Trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được UNESCO công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, nước có 19 KDTSQ.

Tổng diện tích của 11 KDTSQ thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước). Các KDTSQ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu bền vững của quốc gia.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý.


(0) Bình luận
Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ Sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO