Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD năm 2022

Vân Anh | 00:21 29/12/2021

Mỹ đang là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất với khoảng 9 tỷ USD năm 2021, chiếm 59,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD năm 2022
Trị giá xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản...

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2021, 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, trị giá xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, trong đó riêng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 14,72 tỷ USD; xuất siêu cả năm ước đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2020.

Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng 3.300 ha so với năm 2020.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trị giá xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% trị giá xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Như vậy, trị giá xuất siêu lâm sản chiếm lớn nhất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào trị giá xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam với hơn 9 tỷ USD năm 2021, tăng 24,6% so với năm 2020 và chiếm tới 59,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Cả nước sẽ trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hướng đến là 16 tỷ USD.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, thời gian tới cần thêm các bộ giống cây lâm nghiệp chủ lực bên cạnh cây keo hiện nay để nâng cao chất lượng rừng và gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Ngoài ra, việc thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.100 tỷ đồng là cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng từ rừng.

“Chúng ta đang kỳ vọng vào việc bán tín chỉ các bon từ rừng. Đây là hướng phát triển lâu dài, bền vững, vừa đảm bảo công bằng vừa là động lực thúc đẩy hình thành vùng nguyên liệu, phát triển rừng. Ngành cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và bảo vệ rừng”,, ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Ngành gỗ hiện gặp 3 khó khăn chính: Một là giá cước vận chuyển tăng cao, đặc biệt là vấn đề thiếu container rỗng; Hai là chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí phòng chống dịch bệnh, đảm bảo “3 tại chỗ” khiến chi phí sản xuất tăng trung bình 15-20%; Ba là tình trạng thiếu lao động ở các trung tâm chế biến do công nhân về quê, hoặc chuyển ngành nghề.

Nhằm phát huy hơn nữa giá trị gia tăng của ngành gỗ cần chú ý: Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện cho ngành gỗ được tiêm vaccine Covid-19, vật tư y tế với chi phí hợp lý và sớm nhất; Thứ hai, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập khẩu gỗ vào Việt Nam, tránh tình trạng nhập khẩu trái phép; Thứ ba, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải có chính sách hỗ trợ việc vận chuyển, hàng hóa. Thứ tư, Bộ Ngoại giao chú trọng vào thị trường Mỹ, EU, Anh để thông tin kịp thời thông tin, chính sách, cảnh báo rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước.

Ông Cao Chí Công - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO