Ngành hàng nghìn tỷ của Việt Nam được hàng loạt cường quốc đua nhau chốt đơn: Trung Quốc tăng mua hơn 100% nhưng Mỹ mới là khách sộp top 1

Khánh Vy | 07:19 27/06/2024

Mặt hàng này của Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngành hàng nghìn tỷ của Việt Nam được hàng loạt cường quốc đua nhau chốt đơn: Trung Quốc tăng mua hơn 100% nhưng Mỹ mới là khách sộp top 1

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,26 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 19,4% so với tháng 5/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 835 triệu USD, giảm 11% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 8,9% so với tháng 5/2023.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá nói chung và gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 54% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tích cực kể từ đầu năm. Cụ thể, trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 216 triệu USD, tăng 108% so với tháng 5/2023. Đây là tháng có mức kim ngạch cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về hơn 887 triệu USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2023. chiếm tỷ trọng 14,4% và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Việt Nam xuất khẩu hơn 30 nhóm mặt hàng gỗ và SPG sang Trung Quốc hàng năm, chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (HS44). Năm mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này là Dăm gỗ; Gỗ xẻ; Ván bóc, ván lạng; Ván ghép, đồ mộc xây dựng; và Ván dăm. Không những vậy, thị trường này còn là nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam. Các loại gỗ nguyên liệu là các mặt hàng chính trong thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, xuất khẩu hàng hóa nói chung và đồ nội thất bằng gỗ nói riêng của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận để thay thế nguồn cung từ các thị trường xa có chi phí vận chuyển cao hơn.

Mặc dù đạt được kết quả xuất khẩu tích cực, nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: Các đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng cao. Các rào cản thương mại tại thị trường nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải các-bon.

Nhiều thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải có chứng chỉ bền vững, minh bạch trong chuỗi nguồn cung đã tác động đến các nhà sản xuất. Một số thị trường nhập khẩu khác còn yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…


(0) Bình luận
Ngành hàng nghìn tỷ của Việt Nam được hàng loạt cường quốc đua nhau chốt đơn: Trung Quốc tăng mua hơn 100% nhưng Mỹ mới là khách sộp top 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO