Ngành du lịch bắt đầu “rã đông”

Lê Khang | 06:00 09/11/2021

Bước đầu mở cửa của Việt Nam dù còn khá dè dặt và thận trọng cũng đem lại tác động không nhỏ lên nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động đang lao đao và thặng dư tài khoản vãng lai đang bị thu hẹp.

Ngành du lịch bắt đầu “rã đông”
Việt Nam thận trọng trong việc mở cửa du lịch.

Đó là nhận định được các chuyên gia từ ngân hàng HSBC đưa ra trong báo cáo: Vietnam At A Glance tháng 11/2021 - Ngành du lịch bắt đầu “rã đông”.

Ngành du lịch đã gần như dừng hẳn

Dưới tác động của dịch Covid-19 hoạt động du lịch đã gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách vào năm 2020 và tổng lượng khách đến thời điểm hiện tại của năm 2021 còn chưa bằng 1% của năm 2019.

Do thiếu vắng sự hiện diện của khách quốc tế nên các dịch vụ liên quan, đặc biệt là lưu trú, vận tải và ăn uống, đã không thể phục hồi đúng nghĩa.

Du lịch nội địa đã gồng gánh ít nhiều trong những giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh nhưng rồi cũng chịu cảnh gián đoạn đột ngột khi đợt bùng dịch chủng Delta xuất hiện cuối quý 2/2021.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý 3/2021 sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của các đợt giãn cách kéo dài.

Khoảng 10% lực lượng lao động của Việt Nam tập trung trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vận tải và giải trí và đây là những ngành liên quan mật thiết đến du lịch.

Khi ngành du lịch rơi vào tình trạng ngưng trệ, khoảng 60% người lao động bị mất việc làm trong năm 2020, 90% đã nghỉ việc tính đến tháng 5/2021. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chi tiết tác động lên ngành du lịch, dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý 3/2021, thu nhập bị giảm 15% so với quý trước.

Thêm nữa, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đang dần thu hẹp. Trước đây, Việt Nam từng trải qua giai đoạn thâm hụt dịch vụ khoảng 3 tỷ USD bình quân mỗi năm nhưng thâm hụt đã giảm một nửa xuống còn 1,5 tỷ USD vào năm 2019 nhờ đón một lượng khách du lịch cao kỷ lục.

Tuy nhiên, với tình trạng du lịch ngưng trệ từ năm 2020, thâm hụt dịch vụ tăng cao càng khiến tài khoản vãng lai của Việt Nam dao động mạnh.

Mặc dù tác động có vẻ chưa rõ nét trong năm 2020, ngay cả khi thâm hụt dịch vụ cao kỷ lục lên mức 10 tỷ USD thì thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam vẫn ở mức rất tốt chiếm 5,5% tỷ trọng GDP trong năm, nguyên nhân sâu xa chủ yếu là nhờ xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc trong khi nhập khẩu bị thu hẹp.

Trong năm 2021, trong bối cảnh xuất khẩu chững lại trong quý 3 và nhập khẩu phục hồi nhờ hiệu ứng cơ sở thấp, thặng dư thương mại thu hẹp nhiều khả năng sẽ không đủ bù đắp cho những thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập thứ cấp.

Mặc dù chúng ta vẫn kỳ vọng nhìn thấy thặng dư thương mại trong năm 2021, thực tế cho thấy khả năng cao tài khoản vãng lai sẽ bị thâm hụt nhẹ ở mức 1,1% GDP. Điều đó sẽ tác động trực tiếp lên đồng tiền của Việt Nam, tài khoản vãng lai thiếu hụt tạo áp lực xuống giá của đồng VND.

Tác động sẽ hiện hữu rõ nét hơn trong năm 2022 khi đồng VND bị suy yếu thêm.

Việt Nam chưa thực sự tham vọng

Trong báo cáo của mình, các chuyên gia HSBC cho rằng, sự phục hồi ngành du lịch thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ lệ tiêm phòng toàn quốc còn thấp và tình hình Covid-19 vẫn còn tiếp diễn có thể tạo ra tâm lý e ngại.

Sự thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc, từng chiếm 1/3 tổng lượt khách đến Việt Nam, cũng cho thấy khả năng tăng trưởng trong tương lai gần có thể không xảy ra.

Du lịch trở thành một trụ cột tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua
Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam và Thái Lan đều chiếm tỷ lệ lớn


Do đó, để triển khai thực tiễn, cần thêm nhiều nỗ lực để nối lại các chuyến bay quốc tế. Điều đáng khích lệ là Việt Nam đang đạt được nhiều tiến triển để chuẩn bị đón khách du lịch trở lại.

Báo cáo của HSBC chỉ rõ, việc mở cửa lại biên giới và hồi sinh ngành du lịch gần đây đã trở thành chủ đề nổi cộm đối với các nước ASEAN. Với Việt Nam, mặc dù có kế hoạch mở cửa nhưng không thực sự tham vọng như các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Bước đầu mở cửa của Việt Nam dù còn khá dè dặt và thận trọng cũng đem lại tác động không nhỏ lên nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động đang lao đao và thặng dư tài khoản vãng lai đang bị thu hẹp.

Báo cáo của HSBC chỉ rõ, từ tháng 3/2020 Việt Nam đã đóng cửa phần lớn biên giới. Đến Quý 3/2021 bắt đầu nới lỏng các hạn chế ở biên giới khi số ca mắc mới trong ngày trở nên ổn định, nhưng vẫn còn khá thận trọng nên chưa mở cửa ồ ạt.

Từ tháng 8/2021 Việt Nam đã giảm một nửa yêu cầu về thời hạn cách ly tập trung từ 14 xuống còn 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, Việt Nam đã không đi theo lộ trình của Thái Lan là mở cửa toàn bộ đất nước với 63 quốc gia có nguy cơ thấp từ 1/11. Theo đó, giai đoạn 1 Việt Nam sẽ chỉ mở cửa 5 địa điểm thu hút du lịch là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh từ tháng 11.

Đây là một phần trong kế hoạch hồi sinh ngành du lịch của Việt Nam, trong đó, đảo Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa từ 20/11 đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến.

Ở Giai đoạn 2, du khách sẽ được tự do đi lại tại 5 địa phương này từ tháng 1/2022, nghĩa là giai đoạn 1 sẽ chỉ mở cửa phục vụ trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn cuối cùng sẽ là mở cửa toàn bộ du lịch tuy nhiên thời điểm mở cửa toàn bộ sẽ dựa trên tiến độ tiêm vaccine cũng như đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Mặc dù Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu mở cửa trở lại cho thấy dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên, nhiều tình huống khó lường thường xảy ra trong giai đoạn dịch bệnh và để hồi sinh thành công ngành du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tự  tin hơn cho thời kỳ mới

Quan sát của các chuyên gia HSBC cho thấy, khi đợt bùng dịch chủng Delta dần lắng xuống nhờ tỷ lệ phủ vaccine ngày càng tăng, các nhà hoạch định chính sách ở ASEAN bắt đầu tự tin hơn vào khả năng nới lỏng hạn chế phòng dịch và mở cửa lại biên giới.

Nguồn: CEIC, HSBC; NB: số lượt khách tính đến thời điểm hiện tại năm 2021: Philippines tính đến tháng 5, Malaysia tính đến tháng 6, Indonesia tính đến tháng 8, Thái Lan, Singapore và Việt Nam tính đến tháng 9.

Du lịch vốn là trọng tâm ưu tiên của nhiều quốc gia bởi ngành này có những tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường việc làm trong nước.

Thực tế ở các quốc gia như Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nơi các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới du lịch như hàng không, lữ hành, lưu trú… đã chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp siết chặt biên giới để kiểm soát đại dịch.

“Chúng tôi nhận thấy thời điểm Việt Nam mở cửa hoạt động trở lại là cơ hội phù hợp để cùng nhìn lại ngành du lịch của quốc gia này, đề xuất một số dự thảo, chính sách phát triển mới cũng như giúp bạn đọc hiểu vai trò của những đề xuất này này đối với sự hồi phục của Việt Nam…”, Báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngành du lịch bắt đầu “rã đông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO