Ngân hàng tuần qua: Lãnh đạo NHNN nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giảm, cổ phiếu 'vua' nổi sóng

Quốc Thụy | 20:34 04/06/2023

Tăng trưởng tín dụng chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước, lãi suất huy động và cho vay đồng loạt giảm, cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh,... là những thông tin đáng chú ý trong lĩnh vực tài chính tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Lãnh đạo NHNN nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giảm, cổ phiếu 'vua' nổi sóng

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 3,17%

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra chiều 3/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà thông tin, tính đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

“Nhìn lại giờ này năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15% mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái”, ông Hà cho biết.

Theo lãnh đạo NHNN, có 3 nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.

Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó hhăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Phó Thống đốc: Lãi suất sẽ tiếp tục giảm

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc cho biết NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.

“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Hà cho hay.

Theo ông Hà, đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Còn dư nợ mới, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

“Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.

Thứ hai, ngoài giải pháp ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho rằng giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Lãi suất huy động 12 tháng dự báo giảm về 6,5%

Sau hơn 1 tuần liên tục điều chỉnh giảm kể từ khi NHNN giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 1 năm đang là 8,5%/năm tại ngân hàng GPBank. Ngoài GPBank, chỉ còn một số ngân hàng niêm yết lãi suất trên mức 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như ABBank (8,3%), VietABank (8,2%), VIB (8,2%), PVComBank (8,2%), OCB (8,1%), BaoVietBank (8,1%).

Các ngân hàng tư nhân lớn hiện áp dụng mức lãi suất 7,2 – 7,8% cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi nhóm Big4 huy động kỳ hạn này với lãi suất chỉ khoảng 6,8%.

Như vậy, chênh lệch lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữa các ngân hàng tư nhân và ngân hàng có vốn nhà nước hiện ở mức khá cao, trong khoảng 0,4 – 1,7 điểm %.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết, trong tháng 5, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã giảm 0,4 điểm % về mức 6,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,6 - 8,2%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với cuối tháng 4.

Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng bình quân giảm khoảng 100 điểm cơ bản trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân giảm khoảng 0,8 điểm %.

VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023 với các nguyên nhân chính như nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và; và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.

Lãi suất cho vay có diễn biến mới

Nhiều ngân hàng mới đây đã cập nhật lãi suất cơ sở theo xu hướng giảm. Như vậy, trong thời gian tới không chỉ các khoản vay mới mà các khoản vay hiện hữu cũng sẽ có lãi thấp hơn, giúp người dân doanh nghiệp được “dễ thở” trong quá trình trả nợ ngân hàng.

Cụ thể, kể từ 1/6, TPBank điều chỉnh giảm mức lãi suất cơ sở áp dụng cho tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Theo đó, lãi suất cơ sở khách hàng cá nhân kỳ 12 tháng (kỳ điều chỉnh) là 10,97%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 10,75%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cơ sở cũng được điều chỉnh xuống 8,9-9,7%/năm đối với ngắn hạn, 9,2-10%/năm đối với trung hạn và 9,3-10,1%/năm đối với dài hạn.

Tại Techcombank, từ ngày 31/5, lãi suất cơ sở chuẩn cho mục đích vay mua bất động sản là 8,8%/năm, thấp 0,6 điểm % so với mức 9,4%/năm được niêm yết trong tháng 4. Lãi suất cơ sở dự án (các khoản vay mua BĐS thuộc điều chỉnh theo LSCS dự án) cũng được điều chỉnh từ 9,4-9,85%/năm xuống 8,8-9,25%/năm.

Tại VPBank, lãi suất cơ sở khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm cũng được giảm về 10% kỳ hạn 6 tháng, 10,5%/năm kỳ hạn 12 tháng, trên 11%/năm đối với kỳ hạn từ 3 năm.

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng

Cổ phiếu ngân hàng vừa trải qua tuần giao dịch đầy thăng hoa với 26/27 mã tăng giá. Tuần qua, nhóm ngân hàng chiếm hơn một nửa Top 10 mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index.

Trong đó, KLB dẫn đầu về mức tăng giá (21,3%), kết tuần tại mức 13.800 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường UPCoM cũng tăng trên 12% như VAB, NAB và BVB.

Trên sàn HOSE, TPB tăng mạnh nhất (+11,2%), kết tuần tại mức giá 26.300 đồng/cp - mức cao nhất trong gần một năm trở lại.

OCB, TCB, VIB, TCB, MSB cũng có được mức tăng 7 – 10% trong tuần qua. Nhóm ngân hàng quốc doanh là BID, CTG, VCB có chung mức tăng khoảng 3%.

Thanh khoản nhóm ngân hàng tuần qua tăng mạnh với gần 1 tỷ cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch hơn 20.200 tỷ đồng.

Đúng đầu về khối lượng giao dịch tiếp tục là SHB với hơn 146 triệu cp. Trong khi, EIB dẫn đầu về giá trị giao dịch với mức 2.576 tỷ đồng nhờ một loạt giao dịch thỏa thuận lớn.


(0) Bình luận
Ngân hàng tuần qua: Lãnh đạo NHNN nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giảm, cổ phiếu 'vua' nổi sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO