VietinBank Chi nhánh 10 TP.HCM vừa thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phương Nam Nhi. Khoản nợ này đã được rao bán đến lần thứ 13.
Lần đấu giá này, VietinBank đưa ra giá khởi điểm là 20,3 tỷ đồng, chỉ bằng 22% giá trị khoản nợ (đến ngày 14/5/2023 là 93,5 tỷ đồng). Thậm chí giá khởi điểm còn thấp hơn cả dư nợ gốc (24,7 tỷ đồng).
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Phương Nam Nhi là quyền sử dụng đất Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất ở tại thửa đất tại thôn Ái Mộ, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn là nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số 56/3 (số cũ 25) đường Giải Phóng, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM. VietinBank từng muốn thanh lý khoản nợ này với giá tới 51 tỷ đồng vào hồi tháng 9/2022. Như vậy chỉ sau hơn nửa năm, giá khởi điểm khoản nợ đã giảm hơn một nửa.
Bên cạnh đó, VietinBank Chi nhánh Bắc Sài Gòn cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ lần 6 của Công ty CP Tấn Lộc với giá khởi điểm hơn 7,2 tỷ. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 14/5/2023 là 46 tỷ đồng gồm cả nợ gốc, lãi cộng dồn và lãi phạt quá hạn.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và khu đất tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, cuối năm 2022, khối tài sản này đã được Vietinbank thông báo đấu giá lần đầu tiên với mức giá khởi điểm hơn 11,74 tỷ đồng, ngang bằng với dư nợ gốc.
Nhiều ngân hàng khác cũng gặp phải tình cảnh rao bán tài sản nhiều lần nhưng không thành công. Chẳng hạn Agribank tiếp tục đem ra đấu giá Quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thửa đất số 756, tờ bản đồ số 68 tọa lạc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Giá khởi điểm hiện tại là 8,5 tỷ đồng, giảm nửa tỷ so với 1 tháng trước.
Trong khi các khoản nợ xấu cũ chưa được xử lý xong, ngân hàng vẫn đang tiếp tục rao bán thêm nhiều tài sản khác để thu hồi nợ.
Tại Hội thảo về nợ xấu do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chúc mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) bày tỏ lo ngại về chất lượng tài sản các ngân hàng khi việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá trị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay. Vấn đề kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng do đó gặp nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh vấn đề về giá và thanh khoản bất động sản, hành lang pháp lý cũng còn nhiều vướng mắc, khiến các ngân hàng khó chuyển nhượng tài sản đảm bảo, gây chậm trễ trong thu hồi nợ, xử lý nợ xấu.
Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc Eximbank cho biết, sau khi thực hiện việc thu giữ, để có thể chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản trong thực tế hiện nay các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong đó chủ yếu là văn phòng đăng ký đất đai không thực hiện đăng bộ, sang tên nếu bên bảo đảm không ký hợp đồng chuyển nhượng. Vì vậy, Eximbank kiến nghị bên cạnh việc ban hành Luật các TCTD, cơ quan Nhà nước nên bổ sung nội dung văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện thủ tục chuyển nhượng khi các TCTD (bên nhận bảo đảm) ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và trong hồ sơ chuyển nhượng phải bổ sung 1 bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật.