Trong một số cuộc họp của Chính phủ với các bộ ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14%.
Vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/7 đạt 9,42%. Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 5 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp mới đây, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các ngân hàng thương mại cho rằng, Chính phủ đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó có gói kích cầu quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại trong vòng 2 năm từ 2022-2023.
Ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay 14%, chỉ còn khoảng 500.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm. Như vậy, để triển khai chương trình này, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải tăng hạn mức tín dụng lên 15-16% cho năm nay.
Tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng với các bộ, ngành về ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan quản lý vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2022, dù nhận được một số kiến nghị về việc “nới” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15-16%.
Lý giải điều này, bà Hồng cho biết tăng trưởng tín dụng luỹ kế từ đầu năm tới 26/7/2022 là 9,42%. Con số này trong giai đoạn từ cuối tháng 7/2021 tới 26/7/2022 là 17%. Ngược lại, huy động vốn của hệ thống ngân hàng luỹ kế 7 tháng đầu năm ước đạt 4,21%.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng có chỉ đạo về việc tích cực phân bổ dòng tiền vào các ngành, lĩnh vực có vai trò thúc đẩy phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2022 như đầu tư công. Như vậy, một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào nền kinh tế thời gian tới.
“Với bối cảnh trên, cộng thêm áp lực lạm phát gia tăng thì không thể chủ quan. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%”, bà Hồng nói.
Ngân hàng nào được “gọi tên”?
Như trên đã nói, trong hơn 5 tháng cuối năm 2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2022, chưa có ngân hàng thương mại nào được cấp thêm room tăng trưởng tín dụng.
Với Vietcombank, dư nợ của riêng ngân hàng mẹ tăng 14,6%. BIDV được giao room tín dụng 10% và đã tăng trưởng chạm mốc 9,8%. Còn MBBank đã đạt 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng được cấp là 15%...
Còn Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), đến hết tháng 6/2022, ngân hàng đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng, bởi vậy, trong những tháng cuối năm, ABBank kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước mở rộng room tín dụng.
Phía Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết, hạn mức được cấp thêm bao nhiêu và khi nào được nới room phụ thuộc vào cơ quan quản lý. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ phải thích nghi, tìm giải pháp để bảo đảm tăng trưởng tổng thu nhập thông qua đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, kinh doanh dịch vụ.
Theo đánh giá của SSI Research, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
Giới chuyên gia cho rằng, để nới room tín dụng cho các ngân hàng, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng…).
Với những tiêu chí này, một số công ty chứng khoán đưa ra nhận định: MB, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank... là những ngân hàng có CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt. Hơn nữa, trong nhóm này, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng là 3 trong số nhà băng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn đại dịch Covid -19. Do đó, những ngân hàng này sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Ngoài ra, một số ngân hàng như: Vietcombank, MB, VPBank cũng có thể được nới ''room'' cao hơn mặt bằng chung khi ngân hàng này đã sử dụng hết hạn mức được tạm cấp từ đầu năm và có kế hoạch nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.