Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm ngoái. Trong khi lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6 điểm %.
Khảo sát của MarketTimes cho thấy, lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà tại các ngân hàng từ 5-6,5%/năm cho vay ngắn và trung hạn, sau đó lãi suất sẽ thả nổi ở ngân hàng có vốn nhà nước khoảng 9-10%/năm, còn lãi suất thả nổi của ngân hàng tư nhân sẽ khoảng 10-12%/năm. Nếu so với mức lãi suất tiết kiệm phổ biến kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất cho vay hiện ngang hoặc cao hơn chỉ 1%.
Cụ thể, tại Vietcombank, khách hàng vay mua nhà, vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi từ 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung – dài hạn. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi khoảng 9%/năm và thay đổi 3 tháng/lần.
Tại VietinBank, lãi suất ưu đãi 5,8% /năm, kỳ hạn vay tối đa 20 năm, biên độ chênh lệch 3,5%, áp dụng cho khách hàng vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Đối với BIDV, lãi suất ưu đãi từ 5-5,5%, thời gian vay tối thiểu 36 tháng, kỳ hạn vay tối đa 30 năm, biên độ thả nổi 3,7%, phí phạt trả nợ trước hạn 1%.
Agribank có mức lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất trong khối ngân hàng thương mại quốc doanh. Theo đó, đối với khoản vay 3 tháng áp dụng từ 4,0%/năm, khoản vay trên 03 đến 06 tháng áp dụng mức 4,5%, đối với khoản vay từ 06 đến 12 tháng áp dụng 5% và từ 6,0%/năm với khoản vay trên 12 tháng. Các khoản vay trên 24 tháng áp dụng 6,5%/năm. Kể từ năm thứ 3, mức lãi suất cho vay sẽ thả nổi, mức lãi suất thả nổi ước tính theo gói vay này khoảng 8-9%/năm.
Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, BVBank đang có lãi suất vay ngân hàng thấp nhất chỉ từ 5%/năm áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà, biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi của BVBank dao động từ 9,5%/năm-10%/năm.
VPBank và VIB áp dụng mức 5,9%/năm cho 6 tháng đầu. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ lần lượt là 3% và 2,8%/năm. Lãi suất thả nổi của VPBank và VIB dao động từ 9,5%/năm - 10%/năm
Sacombank áp dụng cố định lãi suất 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng cho các khoản vay phục vụ đời sống (mua, xây, sửa bất động sản; mua ô tô; tiêu dùng). Hết thời gian cố định, lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần.
MSB vay ngắn hạn 5 tháng lãi suất 6,2%, vay ngắn hạn 6 tháng 6,8%, vay trung, dài hạn cố định 12 tháng 6,5% và vay trung, dài hạn cố định 24 tháng lãi suất là 8%.
TPBank áp dụng với khách hàng vay dưới 65% tổng tài sản với nhiều gói ưu đãi. Khách hàng có thể chọn gói lãi suất là 0%/năm cho 3 tháng đầu tiên, 9 tháng tiếp theo là 9%/năm, hoặc gói vay cố định 12 tháng: lãi suất là 7,5%/năm, gói cố định 24 tháng: 8,6%/năm và gói cố định 36 tháng: 9,6%/năm. Lãi suất thả nổi của ngân hàng này lên tới 12-12,5%/năm.
SeABank áp mức lãi suất chỉ 6,5%/năm, cố định trong 12 tháng. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi với biên độ từ 3,35%/năm, ước tính lãi suất thả nổi của ngân hàng này lên tới 10,5-11%/năm.
SHB ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,79% với gói vay trung dài hạn, 6,39% với gói ngắn hạn.
Đối với nhóm các ngân hàng nước ngoài, Wooribank áp lãi suất vay ưu đãi 5,1% cố định 1 năm đầu, 5,5% cố định trong 2 năm đầu và 5,7% cố định trong 3 năm đầu. Lãi suất thả nổi sau ưu đãi của Wooribank vào khoảng 8,7/năm.
Shinhanbank cũng là ngân hàng nước ngoài có mức cho vay hấp dẫn với 5,5%/năm cố định 6 tháng đầu và 7,5%/năm 54 tháng còn lại. Hoặc: 5,2%/năm cố định 12 tháng, 5,5%/năm cố định 24 tháng, 6%/năm cố định 36 tháng. Lãi suất thả nổi dao động ở mức 8,5-8,6%/năm.
Lãi suất cho vay cao nhất khối ngân hàng nước ngoài thuộc về HSBC, với mức lãi vay 9,75% trong 12 tháng đầu, 24 tháng tiếp theo là 10,25%, 36 tháng có mức 10,75%.