Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, lãi suất vay mua nhà thả nổi đối với các khoản vay mới tại các ngân hàng thương mại là 14%-15%/năm, tương đối cao so với 10-12%/năm trong nửa đầu năm 2022 do dư địa tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng bị hạn chế và việc NHNN tăng lãi suất điều hành 2 điểm % vào tháng 9-10/2022.
Sau khi NHNN cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới và giảm 1,25 điểm % trần lãi suất huy động từ đầu năm 2023 đến nay, VCSC ghi nhận lãi suất vay mua nhà thả nổi tại các ngân hàng tư nhân đã giảm xuống mức 13% - 13,5%/năm trong tháng 6 so với mức cao nhất khoảng 14,5%/năm vào tháng 2.
Theo VCSC, đợt giảm lãi suất mới đây của NHNN (có hiệu lực từ ngày 19/06) đã đến nhanh hơn và đáng kể hơn kỳ vọng. Nhóm phân tích dự báo lãi suất vay mua nhà thả nổi trung bình tại các ngân hàng tư nhân sẽ giảm xuống mức 12%/năm vào cuối năm 2023, giúp hỗ trợ niềm tin của người mua nhà và hoạt động môi giới bất động sản trong nửa cuối năm 2023.
Mặt khác, từ tháng 11/2022, nhiều nghị định và chỉ đạo của Chính phủ đã được ban hành để định hướng giải quyết vấn đề về thủ tục pháp lý dự án. Gần đây, VCSC nhận thấy có thêm các chỉ đạo hỗ trợ giải quyết các nút thắt pháp lý và các dự án cụ thể, bao gồm (i) Công văn số 469/CĐ-TTg (ngày 25/05) yêu cầu các Bộ liên quan báo cáo hàng tháng về tiến độ thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trình đề xuất Nghị định mới về quy định giá đất trong Quý 2/2023 và (ii) Văn bản 3899/VPCP-CN (ngày 30/05) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm việc trực tiếp với CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va để giải quyết các vấn đề pháp lý tại dự án Aqua City tại tỉnh Đồng Nai.
“Chúng tôi cho rằng những diễn biến này cho thấy Chính phủ đã quyết tâm hơn trong việc giải quyết các vấn đề trọng yếu trong quy định về giá đất và các dự án lớn”, VCSC đánh giá.
Trong khi đó, dự thảo Luật Nhà ở và Luật Đất đai sửa đổi đang được xem xét tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội (tháng 5 - 6/2023) và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội (tháng 10 - 11/2023). Các cải cách pháp lý nhằm giải quyết các chồng chéo pháp lý và thúc đẩy sự phát triển của Ngành Bất động sản.
Vì vậy, nhóm phân tích kỳ vọng chính quyền địa phương sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt cho các dự án mới và dự án tồn đọng khi bộ luật có hiệu lực vào năm 2024. Ngoài ra, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo định hướng giá đất phải phù hợp với nguyên tắc thị trường. Điều này có khả năng dẫn đến tăng chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư — đặc biệt đối với các dự án đang trong giai đoạn phát triển ban đầu hoặc các dự án đã triển khai mà chưa hoàn tất việc thanh toán tiền sử dụng đất.