Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đến năm 2025 ngành ngân hàng phải xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 của một số ngân hàng, đã nóng lên việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Theo đó, các ngân hàng này sẽ nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Đơn cử như mới đây, tại ĐHCĐ năm 2023 của MBbank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, hiện tại MBbank đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Việc định giá đã bắt đầu từ tháng 3/2023 nên dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ định giá xong và MBbank có thể triển khai nhận chuyển giao.
Tại ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), HĐQT đã trình cổ đông về việc sáp nhập một ngân hàng thương mại yếu kém. Chất vấn tại đại hội, cổ đông MSB băn khoăn về phương thức kinh doanh sau sáp nhập và liệu có phải hạch toán chung khoản nợ xấu hay không cũng như ngân hàng nhận sáp nhập là ngân hàng nào...
Trả lời các cổ đông, Tổng Giám đốc MSB khẳng định, HĐQT và ban điều hành rất thận trọng khi đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng nào đó. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị MSB cho biết, việc đưa ra xin ý kiến cổ đông tại đại hội mới là bước xin chủ trương ban đầu, còn việc sáp nhập ngân hàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước quyết định cuối cùng.
Còn tại ĐHĐCĐ năm 2023 của Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, ngân hàng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Đến nay phương án nhận chuyển giao đã được trình và đang chờ NHNN phê duyệt. “Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định”, ông Dũng nói.
Tại ĐHĐCĐ năm 2023 của VPBank, lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Trở lại với việc nhận chuyển giao bắt buộc, hiện có 4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cũng thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.
Còn với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10/2022, SCB được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các NHTM tham gia tái cơ cấu ngân hàng không chỉ được NHNN xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn, mà NHTM sáp nhập ngân hàng yếu kém có thể được nới trần “room ngoại” lên 49% so với mức 30% hiện nay. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với NHTM có vốn nhà nước sở hữu trên 50%.
Như vậy, trong 5 NHTM có ý định hoặc kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém nêu trên, ngoài Vietcombank là NHTM có vốn nhà nước sở hữu trên 50%, thì các NHTM còn lại có khả năng được nới “room ngoại” lên tối đa 49%.