Ngân hàng có đang đổ vốn quá nhiều cho lĩnh vực bất động sản?

Thu Thủy - Dương Hùng | 09:42 25/08/2022

Đó là vấn đề được TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính đưa ra tại diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” diễn ra chiều ngày 24/8.

Ngân hàng có đang đổ vốn quá nhiều cho lĩnh vực bất động sản?
Bất động sản đang chiếm tỷ trọng cao trong dư nợ tín dụng ngân hàng.

Dòng tiền chậm quay về

Theo TS. Đinh Thế Hiển nền kinh tế Việt Nam đang có xu thế phát triển từ thâm dụng vốn. Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây. 6 tháng đầu năm tín dụng đã tăng 9,35% so với cuối năm 2021 - cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn khát vốn quá?. Nguyên nhân là nợ xấu tại các ngân hàng tăng, nguồn thu nợ chậm khiến ngân hàng giảm mức cho vay. Đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, khiến cho dòng tiền chậm quay về. Việc này đã ảnh hưởng dây chuyền đến vốn cho các ngành khác.

“Làm việc với các doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận hiện có đến 80% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn về vốn. Có doanh nghiệp chỉ cần vài tỉ đồng để quay vòng, tình hình kinh doanh rất tốt nhưng khi đến vòng quay vốn mới thì ngân hàng bóp lại, doanh nghiệp ngơ ngác không biết tại sao? Điều này dẫn đến việc cả doanh nghiệp có tài chính mạnh vẫn có thể đứt gãy khi gặp rủi ro từ tác động dây chuyền do đứt thanh toán trong chuỗi cung ứng” TS. Đinh Thế Hiển nói.

Cũng theo lời TS. Đinh Thế Hiển vốn tín dụng cung ứng cho ngành BĐS đã nhiều hơn mức cần thiết và nhiều hơn các ngành khác.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đang hạn chế tín dụng vào BĐS, nhưng ngành này vẫn nhận được nhiều vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 280.641 tỉ đồng.

“Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng tín dụng cho công ty BĐS sẽ càng tăng thâm dụng vốn vì vốn ngân hàng chiếm đến 70% giá trị vốn BĐS, thời hạn thu hồi bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh nên thực chất nó có tác động gấp 3 - 4 lần so với các ngành khác cùng khoản vay. Do vậy về lâu dài, điều này sẽ gây bất ổn. Bên cạnh đó, hơn 70% nhà đầu tư là lướt song, BĐS khai thác chiếm tỉ lệ nhỏ. Do vậy khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng tức thời tới dòng tiền thu hồi của ngân hàng”, TS. Đinh Thế Hiển cho hay.

Cần nới hạn mức để “cứu” doanh nghiệp

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm nới hạn mức (room) tín dụng để "cứu" doanh nghiệp khỏi cảnh thiếu vốn hiện nay.

c3161d0accd6098850c7.jpg
Bài toán vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, vấn đề chính hiện nay của các doanh nghiệp là vốn. Dù có gói hỗ trợ 2% lãi suất nhưng doanh nghiệp không tiếp cận vì điều kiện quá khó và do ngân hàng không muốn, không dám cho vay. Một số ngân hàng hỗ trợ lãi suất từ thời kỳ năm 2009-2010, nhưng đến giờ có một số ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong.

Ông Hưng chia sẻ thêm “Nói như Chuyên gia Đinh Thế Hiển, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần 2-3 tỉ đồng là có thể phục hồi nhưng hiện nay không có điều kiện tiếp cận được vốn tín dụng, và ngược lại, ngân hàng không muốn hỗ trợ gói lãi suất 2%. Đó là lý do vì sao Chuyên gia Cấn Văn Lực nói rằng mới chỉ 1% doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Chúng tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp vừa và lớn mới vay được gói hỗ trợ này”

Đồng tình với quan điểm trên, Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Theo ông Lực, không nên chờ đến quý 4, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát êm rồi… mà cần linh hoạt nới room để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất.

“Nếu chờ đến quý 4 sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Chưa kể nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới”, Chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiệp BĐS có một số kênh huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các Ngân hàng Thương mại chính là bà đỡ của nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng là nguồn vốn mồi quan trọng hàng đầu với các doanh nghiệp BĐS.

Theo ông Châu, nguồn vốn cần thiết với doanh nghiệp là nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp và vốn thông qua các quỹ đầu tư BĐS.

Đặc biệt, nguốn vốn qua quỹ BĐS, quỹ tín thác đang là nguồn vốn khiếm khuyết khi hiện nay chỉ có một quỹ duy nhất tại Việt Nam là quỹ của Techcombank, còn được gọi là TechREC. Nhưng quỹ này cho đến nay vẫn còn rất nhỏ bé với số vốn là 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị trường vốn Việt Nam còn sơ khai. Tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 1%, và 99% còn là là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chính vì vậy, thị trường trái phiếu còn thiếu minh bạch và thiếu bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng có đang đổ vốn quá nhiều cho lĩnh vực bất động sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO