Ngân hàng cân đối chỉ tiêu lợi nhuận, tăng cường đầu tư cho nền tảng

Thanh Bình | 18:18 05/04/2023

Nhiều ngân hàng thương mại bước đầu đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay thấp hơn nhiều so với mức bình quân toàn ngành đạt được năm trước, trong khi đẩy mạnh đầu tư cho các giá trị nền tảng đang là hướng ưu tiên.

Ngân hàng cân đối chỉ tiêu lợi nhuận, tăng cường đầu tư cho nền tảng

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang bước vào mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Bức tranh kế hoạch tại nhiều thành viên bước đầu định hình khá thận trọng.

Thấy trước để bước qua?

Dữ liệu tổng hợp từ một số công ty chứng khoán cho thấy, lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng năm 2022 tăng khoảng 33% so với năm 2021. Dù vậy khá nhiều thành viên không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm qua, kết quả nửa sau năm 2022 cho thấy sự giảm tốc rõ rệt.

Bối cảnh nền kinh tế và các thị trường không nhiều thuận lợi. Trả lời báo chí tại buổi họp báo tổng kết năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng nhìn lại rằng, nhiều dự báo đầu năm 2022 đã bị đảo lộn, khi có nhiều biến động lớn vượt dự báo và gây tác động khó khăn đối với nền kinh tế, cũng như đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của các NHTM.

Những khó khăn đó tiếp tục nối sang đầu năm 2023. Thực tế tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Việt Nam đã xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua; tăng trưởng tín dụng quý 1 cũng chỉ mới hơn 2%, bằng phân nửa so với tốc độ cùng kỳ năm trước (4,03%).

Trong bối cảnh đó, nhiều NHTM bước đầu xây dựng các chỉ tiêu năm nay khá thận trọng. Đơn cử như tại Vietcombank, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận được xác định tối thiểu 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 39% năm 2022.

Tại 2 ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên của lĩnh vực ngân hàng năm 2023, các cổ đông Nam A Bank đã chốt thông qua chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng 5-6% trong khi năm trước tăng 26,1%. Tương tự, VIB cũng được cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 15,3%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng đạt được năm ngoái (31%).

ACB cũng khá thận trọng khi đặt mục tiêu tổng tài sản năm nay chỉ tăng khoảng 10%; chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận 17,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 40% năm 2022.

Hay tại Eximbank, chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay khá cao với 34,5% nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức đột biến 207,2% của năm trước.

Tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngay trong thông điệp đón năm mới dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo ngân hàng này cũng đã thấy trước những khó khăn và thử thách chung đặt ra cho năm nay. Theo đó, bước đầu các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 của SHB trong thông điệp đó cũng khá thận trọng với mức tăng trưởng trong khoảng 7-15%, tùy chỉ tiêu.

Thấy trước để bước qua, đại diện lãnh đạo SHB cho biết Ngân hàng hướng đến tính khả thi của kế hoạch, đặt trọng tâm ở định hướng an toàn và tăng trưởng bền vững, hiệu quả về chất lượng hơn là đẩy mạnh tăng trưởng cao về số lượng.

Trọng tâm đầu tư cho nền tảng và hiệu quả

Cũng theo lãnh đạo SHB, định hướng chung trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư cho các yếu tố nền tảng và hiệu quả hoạt động. Trong năm 2022, SHB đã góp mặt trong Top đầu các NHTM hiệu quả nhất hệ thống xét theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khi đạt tới 24,7%, cũng như có chỉ số hiệu quả vận hành hàng đầu trên thị trường với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) chỉ 22,7%.

“Để tiếp tục đầu tư cho các yếu tố nền tảng, năm nay chúng tôi dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng, duy trì vị thế Top 5 NHTM cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất. Loạt dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng sẽ được triển khai, lớn nhất trong lịch sử Ngân hàng, để nhanh chóng bứt tốc trong chuyển đổi số và gia tăng động lực cho chiến lược ngân hàng bán lẻ hiện đại”, đại diện lãnh đạo SHB chia sẻ, cũng như cho biết điểm đến Basel III và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) sẽ là một ưu tiên triển khai trong năm nay trong hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động.

Tương tự, tại các ngân hàng thương mại khác như MB, Techcombank, VPBank…, hướng đẩy mạnh đầu tư cho nền tảng công nghệ cũng được gợi mở là trọng tâm trong năm nay. Thậm chí ngay cả “ông lớn” Vietcombank cũng đã khởi động bước tìm tổ chức tư vấn cho chương trình chuyển đổi số.

Ở một hướng khác, ngay đầu năm 2023, một số NHTM đã sớm khởi động kế hoạch mở rộng mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch mới. Đây cũng là một hướng đầu tư cho nền tảng, như Viet Capital Bank có hướng “Bắc tiến” đáng chú ý, hay tại SHB là kế hoạch mở thêm 5 chi nhánh và 20 phòng giao dịch mới, hoặc TPBank và OCB cũng mạnh tay mở rộng mạng lưới…

Hướng ưu tiên tăng cường đầu tư cho nền tảng nói trên hẳn sẽ khiến chi phí đầu tư và chi phí hoạt động của các NHTM tăng lên, trong khi để ngấm vào tăng trưởng lợi nhuận cần có thời gian cũng như còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô khả quan lên.

Tại báo cáo “Điểm lại” công bố cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP thế giới năm 2023 chỉ tăng trưởng khoảng 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB dự tính hồi tháng 6/2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được dự báo GDP sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2023 và 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.

Nhưng trước mắt, như trên, GDP quý 1/2023 của Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,32%, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3 mới chỉ tăng 2,06%... Không nhiều yếu tố thuận lợi để các NHTM có thể tăng tốc ngay từ đầu năm. Thậm chí theo nhận định của một số công ty chứng khoán, yếu tố vĩ mô, tăng trưởng tín dụng năm 2023 có thể thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán MayBank (MBKE) dự báo các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng 13% (so với mức tăng trưởng trung bình là 33% trong năm 2022 và 32% trong năm 2021). Theo MBKE, tăng trưởng tín dụng hợp lý dự kiến 12-13% trong năm nay và tăng trưởng thu nhập từ phí ổn định dự kiến 18% sẽ là động lực dẫn dắt đà tăng trưởng; trong khi NIM thấp hơn, giảm 0,5 điểm % đạt 3,9% trong năm 2023 sẽ là trở ngại lớn đối với lợi nhuận ngân hàng.

Công ty Chứng khoán VNDirect cũng chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% trong năm 2023-2024 so với mức 33% năm 2022. Bởi năm 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến NIM của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM các ngân hàng có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

VDSC ước tính tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng nhìn chung sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm so với năm 2022. Mặc dù vậy, một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng dày và chất lượng tài sản tốt, ít phơi nhiễm với những ngành rủi ro, khả năng cao vẫn sẽ giữ được mức ROE tương đối tốt.

Trong trung hạn, một số chuyên gia bước đầu nhận định, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm các lãi suất điều hành, nguồn vốn hệ thống ngân hàng có trạng thái dồi dào khi lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, giải ngân đầu tư công có hướng đẩy mạnh hơn…, cùng kinh nghiệm và năng lực nói chung của các NHTM khẳng định qua nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19 đến nay, kỳ vọng từ nửa sau năm 2023 nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng sẽ có triển vọng khả quan hơn.


(0) Bình luận
Ngân hàng cân đối chỉ tiêu lợi nhuận, tăng cường đầu tư cho nền tảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO