Tăng trưởng kinh tế Nga đã vượt mức 4% trong 2 năm qua, song tình trạng thiếu hụt lao động ở nhiều lĩnh vực đã tạo ra vòng xoáy “lương tăng lạm phát cao”, đưa giá cả tăng 10%. Theo đó, ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất chủ chốt lên 21%, mức cao nhất từ đầu những năm 2000. Trong khi đó, giá loại hàng hoá xuất khẩu chính của Nga là dầu đang giảm.
Tăng trưởng GDP đã giảm xuống 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 2 từ mức 3% vào tháng 1, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023. Trong đó, lĩnh vực vận tải, thương mại bán buôn và khai thác khoáng sản dẫn đầu mức giảm, theo dữ liệu được công bố vào tuần trước. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp giảm mạnh xuống 0,2% từ mức 2,2%.
Các nhà kinh tế cho biết, dù tháng 2 ngắn hơn 1 ngày so với năm ngoái nhưng những dấu hiệu của đà giảm tốc đã rõ ràng hơn.
Các nhà phân tích của Raiffeisenbank cho biết trong một lưu ý rằng sự suy thoái ở một số mảng trong ngành công nghiệp đang kéo dài. Họ chỉ ra nguyên nhân bao gồm tình trạng thiếu lao động, thiếu năng lực sản xuất ngoài lĩnh vực quốc phòng và áp lực liên tục từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Xu hướng này sẽ còn căng thẳng hơn do giá dầu thế giới đang giảm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 do lo ngại về thuế quan của Mỹ sẽ gây suy thoái toàn cầu.
Ngoài ra, các báo cáo của Bộ Kinh tế Nga và ngân hàng trung ương nước này, được công bố trước khi Mỹ thông báo áp thuế, cũng chỉ ra rằng giá dầu thấp hơn, hạn chế ngân sách và nợ xấu doanh nghiệp tăng là những mối rủi ro với nền kinh tế.
Bộ Kinh tế Nga cho biết khả năng một cuộc suy thoái kỹ thuật sẽ diễn ra, trước khi lạm phát được kiểm soát và hoạt động cho vay chậm lại cùng lãi suất cao sẽ cản trở đà tăng trưởng trong tương lai.
Theo Reuters, dữ liệu mới cho thấy chỉ những ngành liên quan đến sản xuất quân sự hoặc có liên quan đến việc thay thế hàng nhập khẩu bị trừng phạt vẫn đang tăng trưởng.
Hơn nữa, nhu cầu của người tiêu dùng, yếu tố chính đóng góp vào đà tăng trưởng chung, đã chậm lại. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,2% trong tháng 2 và thấp hơn nhiều so với mức 5,4% vào tháng 1.
Sofya Donets, nhà kinh tế trưởng tại T-Bank, cho biết con số này lại cho thấy dù thu nhập vẫn tăng nhưng động lực từ hoạt động tiêu dùng đang yếu dần.
Dù không áp thuế với hàng hoá của Nga, nhưng Tổng thống Trump vẫn đe doạ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm cản trở nỗ lực bán dầu của Moscow, trừ khi nước này “thiện chí hơn” trong việc đạt thoả thuận ngừng bắn với Ukraine.
Doanh số bán ô tô, vốn đã tăng ở mức kỷ lục trong 2 năm qua khi thị trường phục hồi sau thời điểm các thương hiệu phương Tây đóng cửa vào năm 2022, đã giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I và giảm 46% chỉ riêng trong tháng 3.
Hoạt động vận tải đường sắt, được nhiều nhà kinh tế theo dõi, đã giảm 7,2% trong tháng 3 và 6,1% trong quý I.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng toàn cầu của S&P cho thấy Nga chứng kiến sự suy giảm mạnh trong tháng 3 ở lĩnh vực sản xuất, xuống mức thấp nhất của năm 2022, trong bối cảnh sản lượng và đơn đặt hàng giảm do nhu cầu trong nước và bên ngoài yếu.
Các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters tháng trước đã dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Nga sẽ chậm lại còn 1,7% vào năm 2025, từ mức 4,1% vào năm 2024. Bộ Kinh tế nước này dự báo tăng trưởng năm 2025 là 2,5%, còn ước tính của ngân hàng trung ương là 1-2%.
Tham khảo Reuters