Hiện tại, các nước phương Tây liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng.
Tuy nhiên, theo báo Le Monde của Pháp, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan ngày 5/9 công bố báo cáo cho thấy, trong khoảng thời gian từ 24/2 đến 24/8, Nga đã có doanh thu rất khủng, lên tới 158 tỷ euro từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo của CREA cho thấy, EU là khách hàng lớn nhất mua nhiên liệu hóa thạch của Nga, khi nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch trị giá 85,1 tỷ euro từ Nga trong khoảng thời gian từ 24/2 đến 24/8, chiếm khoảng 54%. Tiếp theo là Trung Quốc (34,9 tỷ euro), Thổ Nhĩ Kỳ (10,7 tỷ euro), Ấn Độ (6,6 tỷ euro) và Nhật Bản (2,5 tỷ euro).
Trong EU, nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga là Đức (19 tỷ Euro), tiếp theo là Hà Lan (11,1 tỷ Euro), Ý (8,6 tỷ Euro), Ba Lan (7,4 tỷ Euro) và Pháp (5,5 tỷ Euro).
Theo CREA, mặc dù lượng nhiên liệu hóa thạch xuất khẩu trong năm nay của Nga đã giảm, nhưng giá năng lượng tăng cao đồng nghĩa với việc doanh thu của Nga cao hơn nhiều so với những năm trước.
Tờ Le Monde dẫn lời nhà phân tích trưởng của CREA Lauri Myllyvirta cho biết, Chính phủ Nga đã thu được ít nhất 43 tỷ euro từ các khoản thuế liên quan đến năng lượng trong vòng 6 tháng qua.
Báo cáo của CREA cho rằng, lệnh cấm than của EU đã có hiệu quả kể từ khi được thực thi vào ngày 10/8, xuất khẩu than của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/2 và Nga "không tìm được khách hàng khác để thay thế nhu cầu đang giảm sút của EU". Tuy nhiên, cho đến nay, mọi người mới chỉ cảm nhận được một phần nhỏ tác động từ lệnh cấm của EU đối với dầu mỏ Nga.
Báo cáo cũng khuyến nghị châu Âu đẩy nhanh các biện pháp tiết kiệm tiêu thụ dầu khí và đẩy nhanh việc triển khai năng lượng sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch của Nga.