Theo khảo sát hàng năm của Economist Intelligence Unit, New York và Singapore là hai đô thị đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2022. Cả hai cùng chung danh hiệu mà không mấy quốc gia mong muốn. Nguyên nhân là do giá năng lượng tăng cao khiến tỷ lệ lạm phát tăng gấp đôi tại các thành phố lớn trên toàn cầu.
Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 8 và tháng 9 năm 2022, so sánh hơn 400 mức giá của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 172 thành phố trên toàn thế giới.
Vị trí đầu bảng năm ngoái là thành phố Tel Aviv của Israel nay đã tụt xuống vị trí thứ 3. Trong khi đó, Sydney lọt vào top 10. Đặc biệt, Moscow và St Petersberg của Nga tăng tới 88 bậc, vì các lệnh trừng phạt và giá dầu tăng cao.
Thủ đô Caracas của Venezuela đã giảm đáng kể, từ tỷ lệ siêu lạm phát năm 2019 là hơn 25.000% xuống còn 132% vào năm 2022. Song, tỷ lệ này vẫn quá cao để có thể đưa vào danh sách 172 thành phố được khảo sát. Trong hơn hai thập kỷ thực hiện khảo sát, tỷ lệ lạm phát trung bình ở mức cao nhất là 8,1%.
Tiền tệ mạnh hơn cũng là yếu tố thúc đẩy các thành phố thăng hạng. 6/8 thành phố có mức tăng mạnh nhất (sau hai thành phố của Nga) là thành phố của Mỹ. Dẫn đầu là thành phố Atlanta, từ vị trí thứ 46 nhảy lên vị trí thứ 42. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và báo hiệu nhiều đợt tăng nữa, đồng USD của Mỹ đã tăng mạnh hơn so với hầu hết các loại tiền tệ khác.
Những quốc gia có đồng tiền sụt giảm sẽ kéo theo các thành phố tụt bậc trên bảng xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất. Tokyo và Osaka của Nhật Bản nằm trong số 10 thành phố giảm mạnh nhất, lần lượt tụt từ vị trí thứ 13 và 10 hồi năm 2021 xuống giữ vị trí thứ 37 và 43.
Stockholm và Luxembourg là hai thành phố tụt hạng nhiều nhất. Cả hai đều giảm 38 bậc, xuống vị trí lần lượt là 99 và 104. Thành phố Damascus ở Syria và Tripoli ở Libya vẫn giữ vị trí những thành phố rẻ nhất được khảo sát.
Việc Singapore đứng đầu bảng xếp hạng không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là thành phố đắt đỏ thứ 2 vào năm 2021 và đứng đầu 8 năm trong suốt 10 năm qua. Đây là năm đầu tiên thành phố New York xếp vị trí đầu bảng.
Cả ba thành phố của Vương quốc Anh tham gia khảo sát đều tụt hạng, trong đó London hiện đứng thứ 28, Edinburgh giữ vị trí thứ 46 và Manchester xếp thứ 73.
Các thành phố của Australia nhìn chung đều tăng hạng. Sydney tăng từ hạng 14 lên hạng 10 vào năm 2022. Thành phố Melbourne tăng từ hạng 16 năm ngoái lên hạng 15, trong khi Brisbane đứng hạng 32. Riêng có thành phố Perth đi ngược xu hướng, giảm xuống vị trí thứ 73.
Lạm phát toàn cầu tăng cao trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng gây gián đoạn nguồn cung các mặt hàng quan trọng, đặc biệt là thực phẩm. Các biện pháp trừng phạt sau đó khiến giá dầu, khí đốt và các năng lượng khác tiếp tục tăng cao. Giá xăng dầu tăng thúc đẩy lạm phát leo thang.
Nếu một số thảm hoạ không xảy ra, Economist Intelligence Unit dự đoán chi phí sẽ giảm vào năm 2023. Lãi suất cao sẽ loại bỏ áp lực về nhu cầu, cùng với đó tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ được nới lỏng. Tin tốt là giá có thể bắt đầu giảm ở một số quốc gia khi lãi suất tăng.
Đây là 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2022
Singapore — 1
New York, Mỹ — 1
Tel Aviv, Israel — 3
Hồng Kông, Trung Quốc — 4
Los Angeles, Mỹ — 4
Zurich, Thụy Sĩ — 6
Geneva, Thụy Sĩ — 7
San Francisco, Mỹ — 8
Paris, Pháp — 9
Copenhagen, Đan Mạch — 10
Sydney, Australia — 10
Theo Bloomberg, Guardian