Nếu không biết cách quản lý tài chính, hãy đưa tiền cho bố mẹ giữ hộ, tôi tin chắc đây sẽ là quyết định chính xác để bạn có 100 triệu đầu tiên trong năm

Nguyệt | 11:05 27/06/2024

Thay vì học cách quản lý tài chính và đầu tư, nhiều người chọn giao một phần thu nhập cho phụ huynh quản lý hộ.

Nếu không biết cách quản lý tài chính, hãy đưa tiền cho bố mẹ giữ hộ, tôi tin chắc đây sẽ là quyết định chính xác để bạn có 100 triệu đầu tiên trong năm

Hiện nay, nhiều người trẻ chưa biết quản lý tài chính, hoặc chưa bỏ được thói quen "vung tay quá trán" nên cuối tháng luôn tiêu hết sạch lương, thậm chí mang nợ, dù kiếm được nhiều hay ít. Một số người chọn cách thay đổi tình hình bằng cách buộc bản thân giảm bớt ham muốn chi tiêuhoặc tìm đến app tiền bạc. Số đông khác lại chọn giao một phần thu nhập cho bố mẹ quản lý hoặc đầu tư, với suy nghĩ "người lớn tuổi chắc chắn biết tiêu tiền hơn mình".

Không tự tin cầm tiền lương, đành nhờ bố mẹ giữ hộ

Thục Hạnh (21 tuổi, Hà Nội) sớm kiếm được mức lương 20 triệu đồng/tháng từ công việc truyền thông nhờ chăm chỉ đi làm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thục Hạnh cho biết, mỗi tháng sau khi giữ lại 30 - 50% thu nhập để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân, cô đều đưa tiền nhờ bố mẹ giữ hộ.

"Mình đưa tiền cho bố mẹ để bản thân không xảy ra tình trạng tiêu hết sạch lương kiếm được. Bố mẹ 'trải đời' hơn nên sẽ biết làm gì với số tiền mình có, thay vì chỉ để tiền ở một chỗ như mình. Thú thật, mình không biết nhiều về quản lý tài chính, đầu tư lại càng không nên không dám cầm số tiền lớn trong người. Vì mình sợ kể cả cất tiền trong tài khoản ngân hàng, hoặc mua vàng, sẽ có ngày mình tiêu hết sạch", Thục Hạnh cho hay.

b55a5fda651965ebc0d9deab122ec7c5.jpg
Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Vân là quản lý bộ phận của một công ty vốn nước ngoài, kiếm được 30 triệu đồng/tháng. Thu nhập của cô hoàn toàn không tệ, và mặc dù không có gánh nặng nợ nần gì nhưng cuối tháng vẫn gặp khủng hoảng tài chính.

Theo Vân, ngay chính bản thân cô cũng không hiểu tại sao mình lại có tâm lý như vậy: Chỉ cần có tiền trong thẻ lương, không tiêu sẽ không cam tâm. Vì vậy, vào cuối tuần, cô nàng sẽ đi mua sắm ở trung tâm thương mại và mua rất nhiều thứ mà bản thân thậm chí không cần.

Thấy con gái tiêu xài hoang phí như vậy, bố mẹ Vân khuyên: "Bố mẹ sẽ mở một tài khoản riêng cho con. Mỗi tháng con gửi 10 triệu vào đó. Sau khi gửi số tiền đó rồi, số tiền còn lại con muốn làm gì thì làm". Vân đã làm theo lời khuyên của bố mẹ và tiết kiệm được 10 triệu mỗi tháng. Sau hơn 1 năm, Vân dần nhận ra tầm quan trọng của việc tích lũy nhiều hơn và lập kế hoạch tiêu dùng hợp lý.

Tiền nhàn rỗi nhờ cha mẹ đi đầu tư hộ

So với ông bà bố mẹ, người trẻ được mặc định sớm tiếp cận với nguồn kiến thức tài chính đa dạng, do đó có thể biết nhiều hình thức đầu tư hơn so với thế hệ trước. Ngược lại, ông bà cha mẹ đã trải qua bao cuộc "bể râu", từng chứng kiến nhiều đợt kinh tế suy thoái, thị trường tăng giảm thất thường lại có nhiều kinh nghiệm đầu tư thực chiến hơn giới trẻ. Đó cũng là lý do mà nhiều bạn trẻ chọn đưa tiền nhàn rỗi nhờ cha mẹ đi đầu tư, từ đó kiếm được lợi nhuận ổn định từ đây.

Đức Cường (31 tuổi, TP.HCM) cho biết, từ cách đây 5 năm, anh đưa mẹ 3 triệu đồng để vừa biếu bà ít tiền hàng tháng, vừa nhờ mẹ cầm tiền đi đầu tư ở quê. Ba năm sau, Đức Cường chọn nghỉ việc giữa lúc sự nghiệp ổn định để dành thời gian cho bản thân. Bất ngờ là Đức Cường được nhận lại một khoản tiền lớn gồm cả gốc và lãi đầu tư từ mẹ - số tiền đủ lớn để anh có thể "không làm mà vẫn có ăn", duy trì cuộc sống thất nghiệp trong vòng 1 năm. 

"Mình khá bất ngờ, vì mình cũng tính cho mẹ hết số tiền đó. Nếu đầu tư thắng lợi thì mẹ cho mình, còn thua lỗ thì coi như mình tặng cho mẹ phí để vui hưởng tuổi già. Nhưng đâu ngờ, mẹ trả hết tiền cho mình, rồi còn sinh lời ổn định nữa. Trong tương lai, mình dự tính sẽ tiếp tục đưa tiền cho mẹ đi đầu tư, thay vì để tiền nằm im trong thẻ ngân hàng", Đức Cường chia sẻ.

340e22cd839d3f62ce96b5f080db9921.jpg
Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, Bích Phượng (30 tuổi) cho hay cô nàng đã nhờ bố tìm mua giúp mình một miếng đất ở quê là ngoại thành Hà Nội, với số vốn 1 tỷ đồng. Sau 2 tháng, cô nàng bán "lướt sóng" thành công miếng đất với giá 1,4 tỷ đồng, thu về được 400 triệu đồng.

"Bố mình chơi thân với nhiều môi giới ở quê, cũng từng có kinh nghiệm tư vấn mua bán đất cho người khác. Do đó, bố mình biết miếng đất nào có tiềm năng sinh lời tốt, được nhiều người để ý. Ngoài ra, vốn dĩ miếng đất mình mua có mức giá đắt hơn. Tuy nhiên, do bố mình quen với người bán, cũng như đã đánh tiếng với một số môi giới khác không mua miếng đất đó. Cũng vì thế, mình mới mua được đất với giá hời", Bích Phượng chia sẻ.

Tạm kết

Mặc dù việc người trẻ nhờ cha mẹ quản lý tiền nong và các khoản đầu tư đã trở nên phổ biến, tuy nhiên một số chuyên gia tài chính cho rằng điều này có thể khiến họ trở nên thiếu ý thức kiểm soát chi tiêu, tiêu xài không có kế hoạch nên dễ trở thành người phụ thuộc vào gia đình.

Mặt khác, tài sản tuy giao cho bố mẹ quản lý giúp vừa tiết kiệm thời gian, công sức, lại không mất mát gì, nhưng cứ như vậy, thế hệ trẻ sẽ khó hình thành nên được quan điểm tiêu dùng thực sự chín chắn, và cũng khó hình thành thói quen sống tiết kiệm. Do đó, dù có nhờ bố mẹ cầm tiền hoặc đầu tư hộ, bạn cũng nên học cách quản lý tài chính cho riêng mình. Như thế, bạn sẽ sớm làm chủ được đồng tiền kiếm ra và kiểm soát cuộc sống của bạn. 


(0) Bình luận
Nếu không biết cách quản lý tài chính, hãy đưa tiền cho bố mẹ giữ hộ, tôi tin chắc đây sẽ là quyết định chính xác để bạn có 100 triệu đầu tiên trong năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO