Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo: (i) Nghị quyết chung Kỳ họp (trong đó có nội dung về giảm thuế giá trị gia tăng; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank); (ii) Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.
Đối với nội dung chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, hiện không còn vấn đề lớn đối với nội dung này. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 57 của Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị “Quốc hội nên quyết định chủ trương đầu tư với số vốn thực nộp và thực tăng cho Agribank, không nên quyết định bổ sung số vốn quá cụ thể ….”
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý: Trong dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 phải có hạn mức tối đa đối với đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Agribank hiện là ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Hiện nay quy mô vốn điều lệ của Agribank ở mức thấp nhất trong các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác như Vietcombank, VietinBank, BIDV. Thậm chí, vốn điều lệ của Agribank còn thấp hơn nhiều so với một số ngân hàng cổ phần khác. Trong khi đó, về tổng tài sản, dư nợ cho vay,…Agribank đứng nhất nhì trong hệ thống.
Trong nhiều năm qua, vốn điều lệ của Agribank tăng rất chậm và đến cuối năm 2022 mới chỉ đạt 34.446 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ này chỉ đứng thứ 7 trong hệ thống, sau VPBank (67.434 tỷ đồng), BIDV (50.585 tỷ), VietinBank (48.058 tỷ), Vietcombank (47.325 tỷ), MBB (45.340 tỷ), Techcombank (35.172 tỷ đồng).
Chưa kể, một số nhà băng khác như ACB và SHB đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên lần lượt 38.840 tỷ và 36.645 tỷ đồng trong năm nay, cao hơn vốn điều lệ của Agribank hiện tại.
Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng, cao hơn so với vốn điều lệ hiện tại của BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB,….Tuy nhiên, kể cả sau khi tăng vốn, Agribank cũng chưa chắc đã có thể đứng ở vị trí á quân, bởi những ngân hàng này cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay.
Chẳng hạn, MB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 53.683 tỷ đồng, VietinBank dự kiến tăng lên hơn 66.000 tỷ, Vietcombank tăng lên 55.900 tỷ, BIDV cũng muốn tăng lên 61.557 tỷ.
Trong khi Agribank phải chờ vốn bổ sung từ Ngân sách Nhà nước thì các ngân hàng cổ phần có thể tăng vốn điều lệ từ việc dùng lợi nhuận để lại chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chưa kể, một số ngân hàng cũng phương án phát hành riêng lẻ, phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, giúp vốn điều lệ tăng mạnh thời gian qua.