Nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi lâm thuỷ sản lên 60.000 tỷ đồng

PV | 16:20 16/09/2024

Ngành ngân hàng được Chính phủ giao nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, gấp đôi gói tín dụng hiện nay (30.000 tỷ đồng).

Nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi lâm thuỷ sản lên 60.000 tỷ đồng
Ngành ngân hàng được Chính phủ giao nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng tiếp tục giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay. Dòng tín dụng tới đây ngoài hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần ưu tiên khắc phục thiệt hại vì bão lũ.

Riêng với lĩnh vực lâm, thuỷ sản, ngành ngân hàng được Chính phủ giao nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, gấp đôi gói tín dụng hiện nay (30.000 tỷ đồng). Bêncạnh đó, ngành này phải có giải pháp gỡ vướng cho gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ sáng 7/9, khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề cho cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê từ các địa phương đến 7 giờ ngày 15/9, đã có 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Trong đó, Quảng Ninh bị thiệt hại lớn nhất với 2.637 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi; 17.000 m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; các dây hàu nuôi bị đứt hết, vùng nuôi hàu cơ bản bị mất trắng.

Mưa bão đã làm 48 ha nuôi trồng thủy sản của TP Hải Phòng bị ảnh hưởng. Tại Bắc Giang thiệt hại hơn 470 ha thủy sản bị ngập tràn bờ, trong đó hơn 162 ha thiệt hại từ 30-70%, khoảng 308 ha thiệt hại hơn 70%.

Tại Nam Định, bão đã làm 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Theo tính toán sơ bộ của tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại 3.400 tấn thủy sản...

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau bão, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, với những khoản nợ của doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nuôi trồng thủy sản, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế chính sách hợp lý, trước hết hoãn, giãn nợ, giảm lãi và mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân có vốn mới quay vòng. Các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi lâm thuỷ sản lên 60.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO